Tổng doanh thu phòng vé thị trường tỷ dân được dự báo đạt 8,31 tỷ USD trong năm nay, tiếp tục thu hẹp khoảng cách với Hollywood.

Theo Reuters, con số trên được ông Trương Hồng Sâm – người đứng đầu Cục quản lý về báo chí, xuất bản, phát thanh, điện ảnh và truyền hình Trung Quốc – đưa ra ngày 20/10. Số liệu này dựa trên doanh thu các phim đã ra mắt và dự đoán doanh thu các phim sắp chiếu ở Trung Quốc trong hai tháng cuối năm.

So với năm ngoái, phòng vé Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 20%. Trang Variety đánh giá đây là bước chuyển lớn, bởi phòng vé Trung Quốc năm 2016 chỉ tăng trưởng 3,7% so với năm 2015. Tốc độ phát triển này khiến các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc sẽ sớm thay Mỹ trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới trong vài năm nữa. Năm 2016, phòng vé Mỹ đạt tổng doanh thu 11,36 tỷ USD.

* “Chiến lang 2” là hiện tượng phòng vé năm 2017

Chiến lang 2 trailer

Đóng góp lớn cho sự phát triển của phòng vé Hoa ngữ năm nay là Chiến lang 2(Wolf Warrior 2), ra mắt cuối tháng 7. Phim hành động do Ngô Kinh đạo diễn và đóng chính thu về 870 triệu USD, là tác phẩm ăn khách nhất lịch sử điện ảnh Trung Quốc.

Chiến lang 2 đồng thời là phim có doanh thu cao thứ nhì mọi thời tại một thị trường điện ảnh, chỉ sau Star Wars: The Force Awakens (thu 936 triệu USD ở Mỹ). Tác phẩm thu hút đông đảo khán giả Trung Quốc bởi nhiều màn chiến đấu đẹp mắt và nội dung đề cao tinh thần dân tộc. Chuyện phim xoay quanh một binh sĩ Trung Quốc đến vùng chiến sự châu Phi để cứu hàng nghìn người.

Ngoài Chiến lang 2, vài phim Hoa ngữ khác cũng đạt doanh thu cao trong năm 2017 như Oan gia đổi mệnh (hơn 280 triệu USD), Kung Fu Yoga (254 triệu USD) và Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện 2 (248 triệu USD). Trong các phim Hollywood chiếu ở Trung Quốc năm nay, The Fate of the Furious dẫn đầu với 392 triệu USD.

phim-ngo-kinh-giup-phong-ve-trung-quoc-tang-truong-manh-nam-2017

Phim hài “Oan gia đổi mệnh” cũng đóng góp đáng kể cho phòng vé Trung Quốc.

Cũng trong ngày 20/10, ông Trương Hồng Sâm bàn về việc tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc ở Trung Quốc, bao gồm các sản phẩm văn hóa như phim ảnh, chương trình ca nhạc. Theo Variety, ông Trương nói vấn đề phụ thuộc vào cảm xúc của dân chúng và không cho biết khi nào việc tẩy chay sẽ kết thúc. Tuy nhiên, ông khẳng định việc trao đổi văn hóa giữa hai nước vẫn tiếp tục, thể hiện qua việc các nhà làm phim Trung Quốc xuất hiện tại Liên hoan phim Busan 2017 ở Hàn Quốc.

Sự tẩy chay diễn ra từ tháng 2 sau khi một tập đoàn Hàn Quốc nhượng đất cho quân đội triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) do Mỹ cung cấp. Phía Trung Quốc phản đối việc này vì cho rằng radar của THAAD có thể xâm nhập sang lãnh thổ. Từ đó, các đài truyền hình và công ty Internet Trung Quốc hạn chế chiếu các chương trình Hàn Quốc. Phim Hàn Quốc cũng vắng bóng tại phòng vé và các liên hoan phim ở Trung Quốc.

Ân Nguyễn

vnexpress.vn

BÌNH LUẬN