Yếu tố con người với khả năng đổi mới sáng tạo mới quyết định đến sức tăng trưởng của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành du lịch.

Khởi nghiệp du lịch: Công nghệ chỉ là công cụ, con người mới quyết định thành công - 1

Các diễn giả chia sẻ về đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong du lịch tại Việt Nam. Ảnh: Hà Thế An.

Chia sẻ này là của ông Phạm Duy Hiếu, CEO Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF) tại Hội thảo về đổi mới sáng tạo ngành du lịch tổ chức tại Saigon Innovation Hub sáng 20/07.

Sáng tạo trong phục vụ sẽ khiến khách hàng hài lòng

Để khẳng định quan điểm, ông Hiếu kể câu chuyện về cung cách phục vụ của các nhân viên một khách sạn tại Bà Rịa Vũng Tàu. Khi đó, ông và các đối tác của một công ty sản xuất ô tô tại Việt Nam có cuộc trao đổi công việc và lưu trú tại khách sạn này.

Những nhân viên trong khách sạn đã tặng cho đoàn một “sêri” những bất ngờ. Đầu tiên, khi cả đoàn vào cửa, họ đã cúi chào và gọi tên đúng từng thành viên.

“Hỏi ra chúng tôi mới biết nhân viên khách sạn đã tìm hiểu thông tin, hình ảnh của từng người trong đoàn từ trước đó. Khi chúng tôi đến họ đã biết tên từng người và cúi đầu chào”, ông Hiếu kể.

Sự bất ngờ không dừng lại, theo thông lệ, phía khách sạn sẽ tặng cho đoàn món quà là một chiếc bánh sô cô la hoặc một giỏ trái cây. Tuy nhiên, khi đến nhận phòng, nhân viên khách sạn đã dành cho đoàn khách một chiếc bánh sô cô la có in hình chiếc chìa khóa có khắc biểu trưng của doanh nghiệp sản xuất ô tô.

“Anh đầu bếp chia sẻ với chúng tôi là định tạo một chiếc ô tô mô hình làm từ sô cô la để tặng chúng tôi, nhưng mô hình đó rất phức tạp nên chỉ có thể tạo hình chiếc chìa khóa để tặng. Chính từ ấn tượng đó, ông giám đốc công ty ô tô tuyên bố, tất cả các sự kiện của công ty sẽ tổ chức tại khách sạn này”– ông Hiếu nói thêm.

Từ câu chuyện này, ông Hiếu chia sẻ, các doanh nghiệp trong ngành du lịch phải luôn tạo ra những sự bất ngờ, sự hài lòng bằng các ý tưởng sáng tạo như thế.

“Lâu nay, nhiều doanh nghiệp chỉ tổ chức đào tạo chăm sóc khách hàng cho những người quản lý, giám đốc mà ít khi quan tâm đến đào tạo cho nhân viên, những người trực tiếp tương tác với khách hàng mình. Nhân viên là người có nhiều ý tưởng sáng tạo phục vụ khách hàng nhất cần được tưởng thưởng xứng đáng để họ có động lực tiếp tục sáng tạo”, ông Hiếu chia sẻ.

Cũng theo vị CEO của SVF, khi doanh nghiệp làm khách hàng hài lòng và trở thành khách hàng trung thành, sự lan tỏa những điều tốt đẹp sẽ đến nhiều người khác thông qua truyền miệng, hoặc các công cụ mạng xã hội. Khi đó, doanh nghiệp du lịch sẽ “hút” được nhiều khách hàng hơn. Ngược lại, doanh nghiệp phục vụ kém sẽ ngày càng bị thu hẹp thị trường bởi tính lan tỏa của thông tin.

Công nghệ chỉ là công cụ, con người mới là quyết định

Chia sẻ tại hội thảo, ông Jeff Hoffman – sáng lập công ty Priceline.com cho rằng, việc ứng dụng công nghệ là công cụ để các doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực du lịch tăng trưởng nhanh nhất.

“Công nghệ có thể làm thay đổi thói quen, suy nghĩ của nhiều người về du lịch, mang lại sức tăng trưởng lớn cho doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tạo ra những kính thực tế ảo giúp người dùng có thể “du lịch tại chỗ” như thật tại một địa điểm nào đó trên thế giới”, ông Hoffman nói.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc điều hành Saigon Innovation Hub lại cho rằng, công nghệ chỉ là công cụ, yếu tố cốt lõi để khởi nghiệp trong ngành du lịch vẫn là con người, là sự sáng tạo trong dịch vụ. Sự phát triển công nghệ vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức cho những người làm du lịch. Vậy nên các doanh nghiệp làm du lịch không thể đứng ngoài nó.

“Công nghệ có thể làm cho một người có thể “du lịch ảo” khắp thế giới. Công nghệ có thể mang lại các quy chuẩn nhất định trong vận hành doanh nghiệp bằng một phần mềm nào đó. Nhưng điều này nhiều khi lại giảm bớt sự sáng tạo trong mỗi cá nhân”, ông Tước nhận định.

Vì thế, ông Tước cho rằng, với công nghệ làm kính thực tế ảo, người làm dịch vụ hãy làm cho điểm đến hấp dẫn đến mức độ mà khách du lịch muốn đến bằng được địa điểm đó chứ không phải khi họ đi “du lịch ảo” thì cảm thấy mình sẽ không còn đến nơi đó nữa.

Khởi nghiệp du lịch: Công nghệ chỉ là công cụ, con người mới quyết định thành công - 2

Kính thực tế ảo là sản phẩm mà nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trên thế giới và Việt Nam ứng dụng trong ngành du lịch. Trong ảnh: Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM trải nghiệm sản phẩm kính thực tế ảo tại một sự kiện khởi nghiệp. Ảnh: Hà Thế An.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Giám đốc công ty du lịch Vietravel cho rằng, cần phải xem công nghệ như là công cụ để quảng bá ngành du lịch Việt Nam đến bạn bè thế giới. Ông gợi ý, nên có nhiều hơn các thông tin về du lịch trên mạng xã hội, các doanh nghiệp nên tạo ra các phần mềm quản lý để hoạt động công ty trở nên trôi chảy hơn.

“Du lịch Việt Nam có thế mạnh là điểm đến an toàn, con người thân thiện, cởi mở. Chúng ta có những làng quê, những khu chợ trời với những nét độc đáo riêng. Vậy nên hãy dựa vào những thế mạnh đó để phát triển du lịch”, ông Kỳ cho hay.

Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), chỉ số năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể, từ hạng 75 (năm 2015) lên hạng 67 (năm 2017) xếp sau Singapore, Thái Lan, Indonesia và Malaysia trong khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều chỉ số về du lịch xếp thấp, có chỉ số thấp nhất trong khu vực ASEAN. Cụ thể, Việt Nam chỉ xếp hạng 105 về chính sách du lịch và điều kiện thuận lợi, hạng 101 về ưu tiên du lịch, hạng 129 về tính bền vững trong môi trường, hạng 113 về dịch vụ du lịch…

Trong năm 2016, có khoảng 10 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đón khoảng 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước.

Hà Thế An

BÌNH LUẬN