2,42 tỷ EUR (2,72 tỷ USD) là mức phạt lớn nhất EU áp đặt với chỉ một công ty trong một vụ chống độc quyền, vượt xa mức phạt 1,06 tỷ EUR với nhà sản xuất bộ vi xử lý Intel của Mỹ vào năm 2009.
Khoản phạt tương đương 3% doanh thu của Alphabet, công ty mẹ Google, là sự thất bại về luật pháp lớn nhất của Google, vốn đã dàn xếp với các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ vào năm 2013 thay đổi một số hoạt động tìm kiếm để khỏi bị phạt.

Ngày 27-6, Ủy viên EU phụ trách vấn đề cạnh tranh Margrethe Vestager công bố với báo giới, Google đã lợi dụng sự thống trị trong tìm kiếm trực tuyến để hướng người dùng đến dịch vụ mua sắm trực tuyến của riêng họ.

Vì sao Google bị phạt kỷ lục 2,7 tỷ USD ở châu Âu? ảnh 1Ủy viên EU phụ trách vấn đề cạnh tranh Margrethe Vestager trong cuộc họp báo công bố án phạt Google tại trụ sở EU ở Brussels, Bỉ, ngày 27-6-2017. Ảnh: AP
Ủy ban Châu Âu (EC) phát hiện rằng Google, với thị phần tìm kiếm trên 90% ở phần lớn các nước châu Âu, đã chủ ý đặt kết quả tìm kiếm ở hàng đầu cho dịch vụ mua sắm của chính mình và hạ thấp vị trí của các đối thủ trong kết quả tìm kiếm.
“Việc làm của Google là bất hợp pháp theo luật chống độc quyền của EU. Nó đã ngăn các công ty khác có cơ hội cạnh tranh với thành tích và sáng tạo, và điều quan trọng nhất là đã ngăn người dùng châu Âu có sự lựa chọn dịch vụ thực sự và lợi ích đầy đủ của sự sáng tạo”, Vestager tuyên bố.
EC cho biết, Google có 90 ngày để chấm dứt ưu đãi cho dịch vụ mua sắm của chính họ hoặc phải đối mặt với một hình phạt khác mỗi ngày lên tới 5% doanh thu ngày của Alphabet trên toàn cầu.
Khoản phạt nếu Google không tuân thủ sẽ đến khoảng 12 triệu USD/ngày, dựa trên tổng doanh thu năm 2016 của Alphabet là 90,3 tỷ USD.
Vì sao Google bị phạt kỷ lục 2,7 tỷ USD ở châu Âu? ảnh 22,72 tỷ USD, tương đương 3% doanh thu của Alphabet, công ty mẹ Google, là mức phạt kỷ lục EU áp đặt với một công ty trong một vụ chống độc quyền. Ảnh: REUTERS
EC cũng buộc tội Google lợi dụng hệ điều hành di động Android của mình để chèn ép các đối thủ, một cáo buộc có thể gây nguy hiểm nhất cho Google, vì Android được sử dụng trong phần lớn các điện thoại thông minh.

Kent Walker, cố vấn của Google, tuyên bố: “Chúng tôi không đồng ý với những kết luận được công bố hôm nay. Chúng tôi sẽ xem lại chi tiết quyết định của EC khi chúng tôi xem xét kháng cáo và chúng tôi mong muốn tiếp tục vụ việc của mình”

Google cho biết, dữ liệu của Google cho thấy người dùng ưa thích các liên kết dẫn trực tiếp đến các sản phẩm mong muốn, hơn là đến các trang web nơi họ phải lặp lại tìm kiếm.

Án phạt của châu Âu được đưa ra sau cuộc điều tra dài 7 năm được mở do nhiều khiếu nại từ các đối thủ của Google như Yelp, TripAdvisor, Foundem, News Corp và nhóm vận động hành lang FairSearch.
Reuters dẫn lời Monique Goyens, Tổng Giám đốc nhóm tiêu dùng EU BEUC: “Quyết định này là một sự thay đổi cuộc chơi. EC đã khẳng định rằng người dùng không nhìn thấy những gì họ quan tâm nhất trên công cụ tìm kiếm được sử dụng nhiều nhất thế giới mà là nhìn thấy những gì có lợi nhất cho Google”.

Thomas Vinje, cố vấn pháp lý cho nhóm FairSearch, đã hoan nghênh các phát hiện của EC và kêu gọi EC hành động với hệ điều hành di động Android của Google mà FairSearch đã khiếu nại năm 2013 rằng Google hạn chế cạnh tranh phần mềm thiết bị di động.

Theo EC, cuộc điều tra bắt đầu năm 2008 đã xem xét khoảng 1,7 tỷ truy vấn tìm kiếm và phát hiện ngay cả các đối thủ được xếp hạng cao nhất của Google Shopping cũng chỉ xuất hiện ở trang 4 kết quả tìm kiếm Google.
Trong lúc 90% số người dùng đã nhấp chuột là ở trang đầu tiên nên các đối thủ cạnh tranh ít có khả năng được người dùng nhấp vào, bà Vestager cho biết

Rộng hơn, cuộc điều tra đã xác định rằng Google chiếm ưu thế tìm kiếm Internet ở tất cả 31 quốc gia thuộc khu vực kinh tế châu Âu. Điều này sẽ ảnh hưởng các vụ kiện EC có thể xây dựng chống các lĩnh vực khác như Google Images.

AP dẫn lời bà Vestager lưu ý rằng EC đang có những tiến triển tốt trong các cuộc điều tra khác với Google về hệ điều hành di động Android và quảng cáo tìm kiếm, với “kết luận sơ bộ” là Google đã vi phạm các quy tắc chống độc quyền của EU.

GIA HY

BÌNH LUẬN