Sau những tháng đầu năm thời tiết không mấy thuận lợi thì từ tháng 5 vừa qua mực nước dự trữ của các nhà máy thủy điện đã tăng trở lại, giúp triển vọng kinh doanh của các công ty thủy điện được dự báo sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm 2020.

Nửa đầu năm không thuận lợi

Theo phân tích được đưa ra bởi Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, trong quý I/2020 lĩnh vực thủy điện ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan cho các nhà máy thủy điện do nắng nóng đạt đỉnh. Cụ thể, lượng nước về hồ thấp trực tiếp làm giảm sản lượng điện sản xuất.

trien vong kha quan cho nganh thuy dien trong nua cuoi nam
Thời tiết các tháng cuối năm được dự báo thuận lợi hơn cho việc trữ nước của các nhà máy thủy điện

Điều này thể hiện rõ vào bảng thành tích kinh doanh của một số doanh nghiệp đầu ngành như Thủy điện Sông Ba (SBA) có sản lượng điện giảm tới 58%; Thủy điện Thác Mơ (TMP) có doanh thu và lợi nhuận lần lượt đi xuống 19% và 23%; Thủy điện Miền Nam (SHP) chỉ đem về 6 tỷ đồng lãi ròng trong quý 2/2020, giảm 67% so cùng kỳ; Công ty CP Đầu tư năng lượng Trường Thịnh (TTE) cũng ghi nhận lỗ 17 tỷ đồng trong quý II/2020 do thiếu nước dự trữ, một số tổ máy phải luân phiên hoạt động…

Triển vọng vào những tháng cuối năm

Dù vậy, kể từ tháng 5/2020 thời tiết được đánh giá đã thuận lợi hơn và mức nước dự trữ đã tăng trở lại. Theo ước tính của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, đến cuối tháng 6/2020 nhiều nhà máy thủy điện đã đạt mực nước dự trữ cao hơn so với đầu năm – đây là một tín hiệu khả quan cho ngành thủy điện.

Bên cạnh đó, theo Trung tâm Nghiên cứu hải dương và khí quyển Hoa Kỳ (NOAA) thì hiện tượng El Nino đã kết thúc khi chỉ số ONI (Oceanic Ni-o Index – Chỉ số chính được dùng để quan sát hiện tượng El Nino – La Nina) đã trở lại trạng thái trung tính. Cơ quan này dự kiến xác suất của trạng thái ổn định sẽ được duy trì đến giữa năm 2020 là trên 50%. Với việc hình thái thời tiết trở lại trạng thái trung tính (neutral), các nhà máy thủy điện sẽ thoát khỏi tình trạng khan hiếm nước do El Nino gây ra và gia tăng phát điện, làm giảm giá mua điện trên thị trường phát điện cạnh tranh.

Từ đó, các chuyên gia cho rằng, nhóm doanh nghiệp thủy điện có thể ghi nhận tăng trưởng trở lại trong các tháng tới nhờ mực nước dữ trữ tăng nhanh chóng.

Dự báo, các nhà máy thủy điện lớn có thể hưởng lợi từ xu hướng trên gồm: Thủy điện Thác Mơ (TMP), Thủy điện Miền Nam (SHP), Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (HOSE: VSH)…

Đối với những công ty thủy điện quy mô nhỏ, Công ty CP Xây lắp Điện I (PC1) có nhiều tiềm năng đạt doanh thu khả quan. Lý do, khả năng xây dựng và vận hành nhà máy có quy mô nhỏ nhanh và hiệu quả. Thêm vào đó, kết quả kinh doanh của PC1 trong quý II/2020 cũng rất khả quan với doanh thu và lợi nhuận ròng tăng gấp đôi quý I/2020. Đáng chú ý, ba nhà máy thủy điện mới của PC1 đang là cỗ máy tăng trưởng mảng phát điện gồm: Nhà máy thủy điện Mông Ân đi vào hoạt động vào Qúy I/2020 là bước đệm cho hoạt động của mảng sản xuất điện; Nhà máy Bảo Lạc B và Sông Nhiệm 4 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào Qúy III/2020. Tổng công suất phát điện tăng gần 30% so với cuối năm 2019. Như vậy, mảng phát điện sẽ trở thành trụ cột cho hoạt động kinh doanh của PC1, đóng góp tỷ trọng lớn vào lợi nhuận gộp có khả năng duy trì mức trên 50%.

Mai Ca

Theo Congthuong.vn

BÌNH LUẬN