Các công ty Nhật Bản đang tiến hành cắt giảm giờ làm thêm tại văn phòng, tuy nhiên vấn đề tiền lương vẫn chưa đi đúng hướng.

Các công ty Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng với việc yêu cầu các nhân viên làm việc thêm giờ cho tới đêm muộn. Các nhân viên e ngại rằng nếu họ rời đi sớm, họ sẽ bỏ lỡ cơ hội thăng tiến và bị đồng nghiệp tẩy chay. Hơn nữa, các công ty hiện nay vẫn còn lưỡng lự trong việc cho các nhân viên làm thêm tại nhà vì liên quan đến vấn đề an ninh dữ liệu.

Đáng lo ngại là những giờ làm thêm đó đang giết chết năng suất của người Nhật, nghiên cứu cho thấy làm việc trên 60 giờ một tuần sẽ không đem lại kết quả tốt hơn. Sản lượng đầu ra trong mỗi giờ làm việc của người Nhật theo thống kê chỉ bằng 60 phần trăm so với Mỹ. Do đó, xóa bỏ việc làm thêm giờ là ưu tiên hàng đầu.

May mắn là Chính phủ và các doanh nghiệp lớn đã và đang giải quyết vấn đề này bằng việc sử dụng các chính sách và quy tắc mới. Một vài công ty đã cho phép nhân viên làm thêm tại nhà, trong khi các công ty khác tiến hành tắt đèn văn phòng vào thời gian nhất định. Các cơ quan chính phủ cũng đang thực hiện việc tương tự, đồng thời các nhà lãnh đạo cũng đã có những bước đi tiên phong để lan rộng tư tưởng cân bằng giữa công việc và đời sống. Tác động về lâu dài của những nỗ lực này có thể chưa được thấy rõ, nhưng Nhật Bản cũng đã rất nỗ lực tìm cách giải quyết.

Mặc dù vậy, thị trường lao động của Nhật Bản vẫn đang gặp trở ngại. Giờ làm việc ngoài giờ có thể sẽ giảm, nhưng tiền lương sẽ không tăng thêm. Từ góc độ vĩ mô, Nhật Bản nên xem xét việc tăng lương như Mỹ đã từng làm.

Một quốc gia làm việc

Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản đã giảm xuống còn 2,8 %, mức thấp nhất trong hai thập kỷ qua.

Nhật Bản phá tan nghịch lý giờ làm và tiền lương - ảnh 1Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản từ tháng 05-2016 đến tháng 04-2017. (Nguồn: tradingeconomics)

Tỷ lệ tham gia lao động tăng, dẫn đến tỷ lệ việc làm trên dân số cao kỷ lục. Sự thiếu hụt nhu cầu của Nhật Bản đã không còn, trong đó số phụ nữ Nhật tham gia vào lực lượng lao động đang ở mức cao.

Một thị trường lao động chặt chẽ như vậy, thật khó hiểu tại sao thu nhập hộ gia đình của các nhân viên lại không tăng lên.

Thu hẹp tiền lương

Điều thú vị là một vài người từ Ngân hàng Nhật Bản cho rằng việc giảm giờ làm thêm khiến tiền lương của họ không tăng lên. Đối với họ, nếu giờ làm thêm bị cắt giảm, khối lượng công việc có thể đỡ nặng nhọc hơn trước, họ sẽ làm việc ít đi, do đó tiền lương không gia tăng và thậm chí có thể giảm xuống.

Tuy nhiên, lý do này chưa thể làm rõ việc các công ty không trả thêm tiền lương. Các nhân viên người Nhật đã quen dốc hết sức mình cho công việc, vì thế cho dù công ty cắt giảm giờ làm thêm thì mỗi tháng họ vẫn có thể làm được một khối lượng công việc gần như trước. Điều đó cho thấy tỷ lệ thất nghiệp giảm vẫn nên gây áp lực lên vấn đề tiền lương.

Lý do hợp lý khiến cho lương không tăng có thể là khi Nhật Bản thuê nhân viên mới, tổng năng suất sẽ không tăng thêm, bởi các công nhân được thuê mới nhất cũng có thể là ít năng suất nhất. Họ thường không có nhiều kinh nghiệm, do đó những nhân viên này không thể yêu cầu mức lương cao như những người đã làm việc trong khoảng thời gian dài. Điều này sẽ dẫn tới việc công ty không trả thêm tiền cho nhân viên.

Nguyên nhân tiếp theo có thể do Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng giảm thu nhập từ lao động trong tổng thu nhập quốc dân. Mỹ đã trải qua vấn đề này từ đầu thế kỷ 21, và một vài tác nhân đã được đưa ra – toàn cầu hóa, tự động hóa, giá đất cao và sự tập trung thị trường gia tăng.

Do đó, trong khi việc thu hẹp tiền lương đang là mối lo ngại, nó cũng có thể không do việc giảm giờ làm thêm gây ra. Nhật Bản không nên đi lệch khỏi phương hướng đã định, cần tập trung tăng năng suất lao động và đưa nhân viên quay trở lại với cuộc sống.

(Theo Bloomberg)

BÌNH LUẬN