Những con tàu vỏ thép bị rỉ sét, hay chính những cái đầu bị rỉ sét, khiến một chủ trương đúng đắn của Chính phủ bị phá sản ngay khi vừa triển khai.

21 con tàu vỏ thép bị rỉ sét, hỏng máy chỉ sau mấy tháng ra biển, làm thất vọng niềm mơ ước của ngư dân vươn ra biển lớn, khai thác tài nguyên để làm giàu cho gia đình và đất nước, vừa tham gia gìn giữ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Những con tàu bị rỉ sét, hay chính những cái đầu bị rỉ sét, khiến một chủ trương đúng đắn của Chính phủ bị ảnh hưởng ngay khi vừa triển khai.

tàu vỏ thép, tàu sắt, tàu rỉ sét, tàu cá, Bình Định
Tàu vỏ thép đóng theo nghị định 67 bị rỉ sét. Ảnh: Huyền Trang

Trước hết phải khẳng định rằng nghị định 67/CP là một chủ trương tích cực, kịp thời, mở đường cho ngư dân Việt Nam từng bước tiếp thu công nghệ, thay đổi tư duy đánh bắt, vươn lên sản xuất lớn, khai thác bền vững tài nguyên để làm giàu. Trong đó, tàu vỏ thép được xem là mũi đột phá để thực hiện ước mơ ấy.

Vì thế mà nhiều ngư dân đã hồ hởi mang cả tài sản của gia đình, dòng họ ra thế chấp với các ngân hàng để vay hàng tỉ đồng, mong có ngày được điều khiển những con tàu hiện đại này cưỡi sóng ra khơi. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, ngày đi vay vốn đóng tàu hồ hởi bao nhiêu thì nay, ngư dân thất vọng bấy nhiêu khi vừa ra khơi vài chuyến, máy đã hỏng, vỏ tàu đã rỉ sét như những con tàu cũ kỹ.

tàu vỏ thép, tàu sắt, tàu rỉ sét, tàu cá, Bình Định
Tàu vỏ thép tiền tỷ bị han rỉ phải đắp chiếu nhiều ngày không được ra khơi. Ảnh: Huyền Trang

Điều đáng nói là trước những bức xúc của ngư dân, câu trả lời của lãnh đạo doanh nghiệp đóng tàu lại nhẹ hều như chẳng có gì xảy ra. Người nghe không khỏi phì cười khi họ giải thích nguyên nhân tàu rỉ sét nhanh là “vì nước biển quá mặn”! Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã phản ứng gay gắt: “Có nước biển nào ngọt đâu! Tôi không tin. Máy mới sao vừa đi một chuyến biển đã hỏng, đã rỉ sét. Đừng lợi dụng sự thật thà, thiếu hiểu biết của ngư dân mà làm điều vô đạo đức”.

Có lẽ vì thế mà nhiều người đã hài hước đề xuất đưa những con tàu này lên hồ Ba Bể, hoặc cầu trời mưa xuống thật nhiều cho nước biển nhạt bớt, để tàu khỏi bị rỉ sét.

Nhưng ở đời, lẽ phải không dành cho sự gian dối. Quanh co đổ lỗi cho dân không biết cách sử dụng, ngoa ngôn lộng ngữ khi viện dẫn các qui định của hợp đồng, lập lờ khi trưng ra hàng loạt hóa đơn chứng từ về máy móc thiết bị, thậm chí dùng tiền để bịt miệng ngư dân, cuối cùng, sự thật vẫn được phơi bày khi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra.

Những kết quả được công bố tại hội nghị của Bộ NN&PTNT tuần qua cho thấy: Vỏ tàu bị rỉ sét nặng do nhà sản xuất đã tráo đổi thép Trung Quốc, thay vì dùng thép Hàn Quốc và Nhật Bản như hợp đồng, độ dày của thép không đúng, chất lượng và quy trình sơn tàu không đảm bảo.

tàu vỏ thép, tàu sắt, tàu rỉ sét, tàu cá, Bình Định
Công ty đóng tàu đã tự thay đổi thép Hàn Quốc/Nhật Bản như hợp đồng bằng thép Trung Quốc. Ảnh: Huyền Trang

Máy tàu bị hư hỏng đã sửa chữa và không đồng bộ, trang thiết bị hàng hải và khai thác bị hư hỏng hoặc không hoạt động… Tàu mới hoạt động 3 tháng mà rỉ sét như đã 5 -10 năm. Còn theo đại diện hãng Mitsubishi (Nhật Bản), 8 máy tàu không được phân phối chính hãng, nhiều khả năng bên trong là máy bộ bị cải hoán để lắp cho tàu cá chứ không phải máy thủy.

Không thể chối cãi là câu chuyện đóng tàu vỏ thép đã “có vấn đề”. Chỉ có điều là vì sao trong số hàng trăm chiếc tàu loại này, chỉ có tàu do 2 công ty là Nam Triệu và Đại Nguyên Dương đóng là hư hỏng!

Những việc tốt cho dân không làm, lại đi lợi dụng sơ hở để bóp chẹt người dân thiếu hiểu biết. Đó là kiểu làm ăn không đạo đức, thiếu trách nhiệm với tài sản và tính mạng của ngư dân. Thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra, nếu một ngày không xa nào đó, những con tàu vỏ thép kiểu này thường xuyên chết máy, thả trôi vô định giữa đại dương, thậm chí thủng vì rỉ sét!

tàu vỏ thép, tàu sắt, tàu rỉ sét, tàu cá, Bình Định

Chúng ta từng có bài học thất bại đau đớn với “Chương trình đánh bắt xa bờ” 20 năm trước, khi ngư dân chỉ là người nhận tàu theo kiểu chìa khóa trao tay mà không biết tàu ấy được đóng ở đâu, chất lượng thế nào, điều kiện kỹ thuật đánh bắt hiện đại ra sao.

Bài học thất bại ấy hẳn sẽ là lời cảnh tỉnh cho các ngành chức năng và mỗi ngư dân khi cầm cả chục tỉ đồng vốn vay mà thiếu kiểm soát, để rồi phải nhận về những con tàu rởm.

Những con tàu vừa xuống biển đã rỉ sét, bởi có nhiều cái đầu đã bị rỉ sét ngay từ khi chủ trương đóng tàu thép được triển khai. Hành vi gian dối phải bị nghiêm trị trước pháp luật. Bởi đây không chỉ là tiền của ngân hàng, mà là nợ của Chính phủ, là niềm tin của dân vào Đảng, Nhà nước và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Vân Thiêng

BÌNH LUẬN