Trước khi nghỉ việc, những người làm ngành CNTT hãy ngồi lại và tự hỏi mình 2 câu hỏi dưới đây.

Khi thị trường việc làm trở nên hấp dẫn, bạn có thể dễ dàng nhìn ra xung quanh và cho rằng đã đến lúc nhảy sang một công ty khác. Thời các công ty đối xử với nhân viên như với cộng đồng, như với những người thuộc về mình vĩnh viễn, thời các nhân viên tự cảm thấy mình phải có một sự trung thành nhất định nào đó với công ty đang làm đã quá xa. Rào cản về tình cảm đã hạ thấp, ràng buộc về tài chính cũng chẳng lớn lao, vì thế nhảy việc là điều không hề khó.

Nhiều khi, mọi người bỏ việc vì ức chế với công việc mình đang làm, khó chịu với người giám sát hoặc quản lý, hoặc bởi họ chẳng tìm ra những điều mới mẻ hay thú vị trong công việc, hay thậm chí bởi mọi việc chẳng như ý họ.

Tuy nhiên, theo nhà bình luận của trang Computer World, Paul Glen, bạn hãy cân nhắc thật kỹ trước khi nhảy việc. Đừng để sự khó chịu là lý do duy nhất khiến bạn bỏ việc. Có rất nhiều lý do để bạn tiếp tục công việc mình đang làm. Ông Glen khẳng định ông từng chứng kiến nhiều người kiên nhẫn vượt qua cảm giác muốn ra đi và ở lại vì lợi ích của chính mình, và sau đó, cảm giác khao khát muốn nghỉ việc giảm đi một cách rõ rệt.

Khi bạn cảm thấy mình muốn nghỉ việc, hãy thử hỏi bản thân một vài câu hỏi sau đây:

Điều này có thường xuyên xảy ra không?

Nếu bạn đang nghĩ về chuyện thôi việc, điều quan trọng là bạn phải kiểm tra xem sự ra đi này là hành động duy nhất từ trước đến nay hay nó đã là một phần hành vi của bạn trong cả sự nghiệp và cuộc sống. Chẳng hạn như bạn có thường xuyên phản ứng với nghịch cảnh bằng cách cố gắng chạy trốn hơn là kiên trì không? Bạn đã từ bỏ những công việc trước khi mọi thứ không theo ý của bạn? Hãy hỏi một người bạn hoặc người cố vấn về suy nghĩ của họ. Cố gắng thành thật với chính mình và đừng phán xét. Né tránh là một phản ứng hoàn toàn bình thường của con người đối với những khó khăn.

Nếu đây là một thói quen trong cuộc sống của bạn, điều này có tốt cho bạn trước đây và trong tương lai không? Học cách đối mặt và vượt qua thời kỳ khó khăn là một kỹ năng quan trọng. Bạn sẽ được lợi những gì trong sự nghiệp và mối quan hệ cá nhân nếu bạn có khả năng thương lượng để thay đổi những điều trong công việc làm bạn khó chịu và chấp nhận những điều bạn không thể?

Đây có thể là cơ hội để bạn học cách điều khiển nghịch cảnh thay vì tránh nó. Đừng đánh giá thấp kỹ năng này vì nó quan trọng đối với cả sự nghiệp và cuộc sống cá nhân của bạn.

Nghỉ việc ảnh hưởng đến sự nghiệp của tôi như thế nào?

Trước mắt, hãy suy nghĩ xem điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến sơ yếu lý lịch của bạn. Cách đây không lâu, những người thay đổi nhiều công việc với nhiều nhà tuyển dụng khác nhau được cho những người bị sa thải, hoặc là người làm việc quá thất thường, không trung thành hoặc không đủ năng lực để cất nhắc lên một vị trí. Khi vấn đề nhảy việc đã trở nên phổ biến, phần nhiều sự kỳ thị đã phai nhạt, nhưng điều đó không có nghĩa là nó hoàn toàn biến mất. Nếu bạn có một loạt công việc kéo dài ít hơn một năm, nhà tuyển dụng và các nhà quản lý sẽ cho rằng, họ bạn cũng sẽ không ở lại lâu và trở thành người đóng góp thường xuyên cho tổ chức của họ.

Thậm chí tệ hơn, nhà tuyển dụng còn cho rằng bạn có thể đã bị buộc phải rời khỏi vị trí trong quá khứ vì những bất cập của bản thân. Hoặc họ có thể tự hỏi bạn có gặp rắc rối khi làm việc với người khác hoặc có tiền sử làm hỏng các dự án và kéo lùi năng suất của người khác xuống hay không.

Về lâu dài, bạn sẽ có ít cơ hội phát triển hơn. Nếu bạn có ý định học một công nghệ mới hoặc thử vai trò quản lý, bạn phải mất thêm một thời gian nữa để có cơ hội làm những điều này. Các nhà quản lý tuyển dụng hiếm khi đưa những người mới vào làm những điều mà họ chưa từng làm. Họ thích thuê những người có kỹ năng đã được chứng minh cho những vị trí này. Người quản lý hầu như chỉ tạo cơ hội học hỏi những điều mới mẻ cho những người mà họ biết và tin tưởng. Và ngay cả khi họ biết bạn, họ sẽ không đầu tư vào bạn nếu họ cho rằng bạn sẽ sớm rời khỏi công ty

Tất nhiên, có những khi nhảy việc là điều đúng đắn cần làm bất kể hậu quả. Nhưng nhìn chung, bạn nên lùi lại một bước và cân nhắc thật kỹ trước khi bỏ việc. Bỏ việc có thể khiến bạn mất nhiều cơ hội hơn bạn nghĩ.

Lê Kiên (Theo Computerworld)

BÌNH LUẬN