Xóa bỏ nhà máy điện hạt nhân sẽ đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn ở mọi quốc giaXóa bỏ nhà máy điện hạt nhân sẽ đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn ở mọi quốc gia

GD&TĐ – Chỉ một thời gian ngắn sau khi nhậm chức, tân Tổng thống của Hàn Quốc, ông Moon Jae-in, đã xúc tiến ngay mục tiêu thúc đẩy bảo vệ môi trường xanh, xuất phát trước hết từ yêu cầu đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch ở hầu hết các lĩnh vực, từ sản xuất đến sinh hoạt gia đình ở trong nước.

Hiện tại, chỉ có khoảng 17% năng lượng cung cấp ở Hàn Quốc là từ khí gas tự nhiên. Các nguồn năng lượng sạch như hydro, điện mặt trời… chỉ đạt chừng 5%. Ông Moon Jae-in đưa ra yêu cầu trong một thời gian ngắn tới đây, các con số này sẽ lần lượt tăng mạnh lên thành 27% và 20%, tức gần một nửa nguồn năng lượng của đất nước Hàn Quốc hiện nay.

Hạn chế dần để tiến tới từ bỏ hẳn việc sử dụng nguồn năng lượng có hại cho môi trường từ lâu đã được các nhà khoa học, các nhà hoạt động môi trường đặt ra, ít năm trở lại đây chính phủ nhiều quốc gia cũng bắt đầu nghiêm túc nhìn lại và có nhiều điều chỉnh thiết thực ngay trong đất nước mình. Tuy vậy, điều gì cũng cần lộ trình, công sức cũng như tiền bạc để thực hiện. Chưa kể việc đòi hỏi đẩy quá nhanh tốc độ thay thế nguồn năng lượng như chính phủ mới của Hàn Quốc cũng gây ra những lo ngại, đặc biệt là liên quan đến vấn đề an ninh năng lượng.

Để thực hiện kế hoạch của mình, một ủy ban về môi trường của ông Moon Jae-in muốn tăng mạnh thuế môi trường lên các nguồn nhiên liệu như than đá hay hạt nhân, trong khi giảm hoặc xóa bỏ toàn bộ thuế liên quan đến năng lượng sạch. Ngoài ra, họ còn chủ trương đóng cửa các nhà máy điện dùng than đá cũ, tra soát lại toàn bộ dự án những nhà máy than đá, hạt nhân đang có kế hoạch xây dựng. Tất nhiên, để làm được điều đó, chính phủ Hàn Quốc sẽ phải đền bù thiệt hại xảy ra do đóng cửa hay yêu cầu hủy bỏ các kế hoạch xây dựng nhà máy hiện tại, nhất là khi nó do tư nhân đầu tư. Đây sẽ là số tiền vô cùng lớn, dù Hàn Quốc là một trong những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới hiện nay.

Việc chuyển đổi nguồn nhiên liệu của một quốc gia là việc rất lớn và cần được cân nhắc nhiều. Việc thiếu hụt năng lượng là một chuyện, nhưng còn một vấn đề khác cần cân nhắc nữa là liệu chi phí bỏ ra cho năng lượng sạch có được giảm xuống bằng với tốc độ tăng giá của nhiên liệu “bẩn” hay không. Giá hiện tại của điện sản xuất từ khí gas tự nhiên đang cao hơn khoảng 40% so với than đá và gấp đôi so với năng lượng hạt nhân.

Hiện tại, Hàn Quốc đang là quốc gia nhập khẩu than đá lớn thứ 4 thế giới, nhập khẩu gas tự nhiên lớn thứ nhì nên những động thái đầy quyết tâm của họ về năng lượng sạch là một ví dụ rất tốt cho những quốc gia khác.

 

Nguyễn Tú (Theo Reuters)

BÌNH LUẬN