Thay vì giảm 50% giá vé, Tigerair dùng chiêu tâm lý bằng cách bán chuyến bay chặng về 1 đôla để giành khách với Jetstar tại thị trường hàng không giá rẻ Australia.

Trưa ngày 10/5 theo giờ Australia, Tigerair bắt đầu tung chiến dịch kéo dài 3 ngày để bán 14.000 vé máy bay 1 đôla cho 22 chặng nội địa trên khắp Australia. Vé 1 đôla được áp dụng cho chặng về của cặp vé khứ hồi, bay trong khoảng thời gian từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 9 năm nay.

Năm tiếng sau khi mở bán, 300 vé 1 đôla của chặng Canberra – Melbourne đã cháy sạch. Nhiều đường bay khác cũng nhộn nhịp khách đặt mua trực tuyến. Chiến dịch trở thành đề tài được bàn luận trên mạng xã hội và cả truyền thông trong nước dù không phải là chiêu khuyến mại mới mẻ.

Trong khi nhiều sự kiện bán vé 1 đôla trước đây, các hãng bay thường yêu cầu hành khách phải bỏ ra hơn 100 đôla cho chiều đi để được vé về siêu rẻ. Còn Tigerair lại không hề ràng buộc. Ví dụ như chặng Gold Coast-Sydney chỉ có giá 59 đôla chiều đi và 1 đôla chiều về; chặng Brisbane-Sydney đắt hơn một chút nhưng cũng chỉ 75 đôla chiều đi và 1 đôla chiều về.

tigerair-chay-ve-nho-chieu-chuyen-bay-1-dola

Đại diện Tigerair Australia gọi vé 1 đôla là điều phi thường.

“Một đôla bây giờ không mua được gì nhiều nhưng thử nghĩ rằng bạn có cơ hội quay về sau kỳ nghỉ với chi phí chỉ bằng giá một tờ báo hay vé xe buýt thì thật là phi thường”, bà Vanessa Regan – người phát ngôn của Tigerair Australia tuyên bố.

Ông Neil Hansford – Giám đốc của Strategic Aviation Solutions bình luận, Tigerair thành công không phải vì giá vé quá rẻ mà là chiến thuật tâm lý. “Nếu bạn thật sự nhìn kỹ thì nó y như việc giảm 50% giá vé. Nhưng nếu họ quảng cáo giảm 50% giá vé thì họ sẽ không nhận được nhiều chú ý đến vậy”, vị chuyên gia cho rằng đây là một chiến lược tiếp thị thông minh với mục tiêu thu hút khách hàng truy cập vào trang bán vé của hãng. Cách làm này tương tự như hãng hàng không giá rẻ Ryanair tại châu Âu.

Các hãng hàng không giá rẻ cần phải lắp đầy 88% đến 90% chỗ ngồi trên các chuyến bay để có lời. Vì thế, khuyến mại là điều phải thực hiện liên tục và sáng tạo để “vét khách” nhằm lắp đầy chỗ trống. “Hầu hết người có kế hoạch đi nghỉ mát hay người đi công tác sẽ thấy các chuyến bay vào thời điểm họ muốn không có giá 1 đôla. Những khách hàng sẽ mua nó là những người có nhiều thời gian rảnh rỗi như đã nghỉ hưu chẳng hạn”, ông Neil Hansford nhận xét.

Tuy nhiên, tiền nào thì của nấy. Vé 1 đôla không bao gồm hành lý ký gửi, thức ăn trên chuyến bay. “Họ rất ‘tàn nhẫn’ trong việc kiểm soát 7 kg hành lý xách tay của bạn. Nếu vượt một chút sẽ bị tính phí ngay”, Angus Kidman đến từ trang Finder.com cảnh báo.

Đáp lại chiến dịch của Tigerair, Jetstar cũng vừa quyết định tung ra 10.000 vé máy bay giá từ 13 đôla, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 13 cho các chặng bay nội địa ở Australia. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng chiến dịch này sẽ không thể giúp Jetstar gây “sốt” bằng đối thủ. Không chỉ có giá vé cao hơn mà để được mua giá này, khách hàng phải là hội viên của Jetstar Club với phí tham gia gần 50 đôla mỗi năm.

“Tôi thà bỏ tiền mua vé máy bay còn hơn để mua thêm cơ hội bay”, Angus Kidman bình luận về chiến dịch của Jetstar.

Viễn Thông

BÌNH LUẬN