Cuộc họp báo chiều 2/4, sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019, sôi nổi với rất nhiều vấn đề được báo giới quan tâm, từ tăng trưởng, lạm phát, tình hình đầu tư, hoạt động của doanh nghiệp… đến các vấn đề xã hội. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, cần tập trung phát triển kinh tế nhưng không bỏ quên các vấn đề xã hội bức bối.

Phát triển kinh tế nhưng không bỏ quên các vấn đề xã hội

Thông báo đến các cơ quan thông tấn, báo chí, ông Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định tình hình kinh tế – xã hội tháng 3 và quý I/2019 có những bước tiến quan trọng. Trong đó, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đảm bảo, như: GDP quý I/2019 đạt ở mức cao, tăng 6,79% (tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018 tăng 7,45% nhưng cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011-2017, năm 2017 tăng 5,15%).

chu trong phat trien dong thoi ba tru cot kinh te xa hoi va moi truong

“Đây là mức tăng cao, thể hiện kinh tế trong nước đang tiếp tục ổn định hơn, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng rõ nét hơn, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện” – ông Dũng đánh giá và cho biết chi tiết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019 giảm 0,21%% so với tháng trước (cùng kỳ tăng 8,7%). CPI bình quân quý I/2019 tăng 2,63% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Cùng đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018, nhưng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (quý I: năm 2015 tăng 9,3%; năm 2016 tăng 8,2%, năm 2017 tăng 5,1%, năm 2018 tăng 12,7%), trong đó, ngành chế biến chế tạo tăng 11,1%.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 5,1% so với cùng kỳ (cao nhất trong 9 năm trở lại đây).

Nhấn mạnh điểm sáng trong bức tranh kinh tế, Người phát ngôn Chính phủ cho biết, tổng cầu tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố giá) tăng 9%, cao hơn mức 8,9% của cùng kỳ năm 2018; khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh đạt trên 4,5 triệu lượt, tăng 7%… là những yếu tố được các thành viên Chính phủ đồng tình đánh giá.

Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng tiếp tục tăng mạnh, tháng 3/3019 ước đạt 22,4 tỷ USD, tăng 61,1%, đặc biệt khu vực kinh tế trong nước đạt 17,05 tỷ USD, tăng 9,7% (cùng kỳ tăng 18,9%); 3 tháng đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7%. Tháng 3 xuất siêu 1,56 tỷ USD (con số mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố).

Các chỉ số về tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8,8%; vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt trên 5,1 tỷ USD tăng 30,9% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 4,12 tỷ USD tăng 6,2%; số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt trên 43.500 doanh nghiệp (trong đó số doanh nghiệp thành lập mới đạt 28.451 doanh nghiệp, tăng 6,2%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt trên 15.000 doanh nghiệp)… cũng được nhìn nhận là những bước tiến đáng ghi nhận trong bức tranh kinh tế những tháng đầu năm 2019, bên cạnh đời sống dân cư nhìn chung ổn định, thiếu đói trong dân giảm đáng kể (quý I/2019 cả nước có 28.500 lượt hộ thiếu đói, giảm 38,3% so với cùng kỳ năm 2018). Tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp 2,17%…

Tuy nhiên, theo ông Mai Tiến Dũng, tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo là cần tập trung phát triển kinh tế nhưng không thể bỏ quên các vấn đề xã hội.

Cơ sở của chỉ đạo quyết liệt này, theo Người phát ngôn Chính phủ, là những vấn đề xã hội nổi cộm thời gian qua. Điểm qua một vài vụ việc điển hình, như: vụ việc ở chùa Ba Vàng; tình trạng bạo lực học đường ở Hưng Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng, Nghệ An; tình trạng buôn bán ma túy với số lượng lớn tới hàng trăm kg… rồi dịch bệnh trên người và gia súc lây lan ra nhiều địa phương… Ông Mai Tiến Dũng nhắc lại câu hỏi của Thủ tướng, rằng: “Trách nhiệm của các cơ quan như thế nào? Đó là vấn đề cần suy nghĩ, có biện pháp mạnh mẽ hơn, không để những vấn đề này trở thành vấn đề xã hội lớn”.

Từ đó, Thủ tướng chỉ đạo, dù kinh tế vô cùng quan trọng nhưng cần thảo luận rõ nét hơn về các vấn đề xã hội để chúng ta thực hiện đúng mục tiêu kinh tế phát triển bền vững, bao trùm. “Chúng ta chú trọng cả ba trụ cột là kinh tế, xã hội, môi trường, thời gian gần đây vấn đề môi trường đã được siết lại, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn với các vấn đề xã hội. Nếu coi nhẹ vấn đề xã hội thì tới một lúc nào đó kinh tế cũng không phát triển được” – ông Dũng dẫn lời Thủ tướng.

Người phát ngôn Bộ Công Thương trả lời thẳng thắn các vấn đề dư luận quan tâm

Trong cuộc họp báo, các câu hỏi liên quan đến Bộ Công Thương đã được Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải làm rõ.

Thứ trưởng khẳng định, Chính phủ chia sẻ những khó khăn của người dân và doanh nghiệp khi thực hiện điều chỉnh tăng giá xăng dầu, điện. Song, việc điều chỉnh giá đã được quy định rõ ràng trong Nghị định 83. Bên cạnh đó, với mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường có điều tiết của Nhà nước, chúng ta đang nỗ lực thực hiện các bước để ngày càng tiệm cận thị trường, do đó, việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện… theo quy luật tăng, giảm của thị trường là tất yếu.

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc bổ nhiệm ông Nguyễn Thành Nam – nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Rượu, bia nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ‐ làm Tổng giám đốc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) có đảm bảo các quy định hiện hành, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng khái, Sabeco đã được cổ phần hóa dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và có thể nói rất thành công, đã mang lại 110.000 tỷ đồng Việt Nam, tương đương với 4,8 tỷ đô la Mỹ. Sau khi thoái vốn, quyền điều hành với phần vốn chi phối là của doanh nghiệp nước ngoài, ở đây là doanh nghiệp Thái Lan. Vì vậy, Chủ tịch HĐQT cũng như Tổng giám đốc sẽ không đảm nhiệm chức danh như đã đảm nhiệm trước đó tại Sabeco.

Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã bàn và có tính đến quy hoạch những công việc tiếp theo cho các nhân sự này. Tại thời điểm đó, ông Nguyễn Thành Nam được Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương xem xét giới thiệu cho chức danh Tổng giám đốc của Vinataba. Tuy nhiên tại thời điểm đó đã có Tổng giám đốc rồi. Và, sau khi có Nghị định của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì chức năng chủ sở hữu tại một số tập đoàn, tổng công ty lớn, trong đó có Vinataba, thuộc thẩm quyền và trực tiếp là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

“Tôi khẳng định thông tin phóng viên nói là chưa chính xác. Và hiện nay theo tôi biết là chưa có việc bỏ phiếu xét bầu nhân sự giữ chức danh TGĐ của Vinataba” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.

Đối với vụ việc xem xét kỷ luật cán bộ sử dụng xe công sai mục đích, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã thành lập Hội đồng kỷ luật, xem xét kỹ, đưa ra mức kỷ luật với 3 cán bộ liên quan gồm nhân viên lễ tân, Trưởng phòng Lễ tân và Lãnh đạo Văn phòng Bộ Công Thương. Mức kỷ luật được đưa ra là khiển trách, kiểm điểm và rút kinh nghiệm tương ứng với mức độ vi phạm từng cá nhân. Vụ việc vẫn tiếp tục được xem xét, nhằm xử lý nghiêm theo quy định.

Hoàng Châu

Theo Congthuong.vn

BÌNH LUẬN