Không có thông tư hướng dẫn phương án xử lý đất vàng, cả doanh nghiệp lẫn chính quyền đều lúng túng khi cổ phần hóa.

Sáng 16/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đồng chủ trì Hội nghị đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết đã phát hiện những trường hợp thoái vốn cố ý làm trái pháp luật, trái ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và sẽ báo cáo Thủ tướng xử lý trách nhiệm. Cùng với đó, ông phê bình một số bộ ngành và địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, thoái vốn rất chậm và đề nghị xem xét nguyên nhân, trách nhiệm của người đứng đầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công tác sắp xếp doanh nghiệp nhà nước còn chậm, một phần do tư tưởng ngại thay đổi, đặt lợi ích cục bộ, che giấu sai phạm, không thúc đẩy việc triển khai…. Có tình trạng tham nhũng, sân trước, sân sau, thậm chí là cả “vườn sau”, tức là rất nhiều sân.

Lô đất của một doanh nghiệp doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá tại TP HCM. Ảnh: Như Quỳnh
Lô đất của một doanh nghiệp doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá tại TP HCM. Ảnh: Như Quỳnh

Việc xác định dữ liệu đất đai là một trong những vấn đề vướng mắc nhất mà nhiều doanh nghiệp nêu ra tại hội nghị. Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (VinaFood1) cho biết, rất nhiều lô đất đơn vị này và các công ty trực thuộc quản lý nằm tại nhiều tỉnh, thành, song bị lấn chiếm, đang xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, trong quy định, hiện không hướng dẫn phương án xử lý.

“Nhiều loại đất, chúng tôi không biết nên xếp vào loại nào. Ví dụ, đất tranh chấp, hiện VinaFood1 có khoảng 300 mảnh đất, trong đó một số mảnh được giao từ vài chục năm trước nhưng bị lấn chiếm và đang xảy ra tranh chấp. Doanh nghiệp làm việc với người tranh chấp và địa phương đều không ai giải quyết”, bà Tâm nói.

Theo bà, hầu như tuần nào doanh nghiệp cũng phải họp về các vấn đề này nhưng vẫn chưa có phương án. Thực trạng đó khiến lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng thời hạn năm 2020 phải cổ phần hoá thì sẽ khó thực hiện.

Tại hội nghị, ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường nêu một số kết quả trong hướng dẫn doanh nghiệp đánh giá, xác định giá đất. Nhưng sau đó bộ này bị Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phê bình vì chậm ban hành thông tư hướng dẫn. Đây là nhiệm vụ được Chính phủ giao Bộ Tài nguyên & Môi trường từ 2 năm trước, trải qua 5 kỳ họp giao ban nhưng tới gần đây bộ mới trả lời không ban hành thông tư.

Các địa phương cũng nêu không ít vướng mắc liên quan đến công tác này. Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng không có thông tư hướng dẫn việc xử lý đất đai nên chính quyền cũng rất e ngại triển khai.

Theo ông, Bộ Tài nguyên Môi trường có hướng dẫn nhưng chỉ đề cập đến phần nông, lâm nghiệp. Trong khi đó, thuộc phạm vi quản lý của Hà Nội thì có hàng nghìn m2 đất nội đô, mà những nơi này được coi là đất vàng, vốn rất nhạy cảm.

Bởi vậy, ông Sửu cho rằng, bộ phải ra thông tư, nếu không chẳng ai dám làm vì rất e ngại có thể xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng, mất cán bộ hoặc vướng tù tội, “kể cả khi muốn làm hết sức khách quan cũng không được”.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, việc cổ phần hóa những doanh nghiệp lớn như Agribank, VNPT, Vinaphone… đang vướng, đặc biệt khi các đơn vị này có hoạt động rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành nên việc phê duyệt phương án sử dụng đất gặp nhiều khó khăn. Chỉ cần một trong 63 tỉnh, thành không phê duyệt phương án cổ phần hóa là dẫn tới ách tắc.

Bên cạnh đó, việc xác định giá trị doanh nghiệp trước cổ phần hóa, trong đó xác định giá trị lịch sử, văn hóa là những giá trị vô hình hiện chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể.

Nguyễn Hà

Theo VNExpress.net

BÌNH LUẬN