Thế giới thật và thế giới ảo. Sự phát triển của công nghệ đã đưa chúng ta tiến vào một thời đại giả tưởng, thời đại của kết nối vô tận, khả năng vô tận. Nhưng liệu chúng ta có phải trả giá điều gì cho những tiện ích ấy và thế giới ảo có những mặt trái nào mà ta chưa nhìn thấy? |
Catfish: Nơi chốn của giấc mơ tan vỡ
Bạn đã bao giờ nhìn vào “avatar” của ai đó trên mạng, và tự hỏi, họ có thật sự như thế ngoài đời thật? Catfish (Cá nheo, 2010) là bộ phim sẽ khiến nhiều người nhớ lại trải nghiệm của mình về các mối quan hệ trên mạng. Năm 2009, anh chàng nhiếp ảnh gia trẻ tuổi Nev Schulmanm, sống với em trai Ariel ở New York, bỗng nhận được một bưu kiện gửi từ Michigan xa xôi. Đó là bức tranh của một cô bé 8 tuổi tên Abby, vẽ lại một trong các bức ảnh từng được đăng báo của Nev. Bất ngờ và vui mừng, Nev quyết định kết bạn qua mạng với cô bé.
Abby tỏ ra vô cùng tài năng so với độ tuổi. Cô bé kể rằng, mình sắp có cả một triển lãm riêng. Thông qua Facebook, Nev còn làm quen với cả gia đình Abby, bao gồm bố Vince, mẹ Angela và chị cả Megan. Họ đều cảm ơn anh đã làm bạn với cô bé. Chuyện còn tiến đi xa hơn khi Nev và Megan đem lòng cảm mến nhau. Sau những tin nhắn là gọi điện, chuyện trò, sẻ chia. Megan dường như là cô gái hoàn hảo nhất Trái Đất, cho đến khi Nev tình cờ nhận thấy điểm bất thường: Hình như Megan đang lừa dối anh.
Điểm đặc sắc nhất của Catfish: Tất cả mọi thứ trong phim đều là thật. Dù cách dẫn dắt mang đậm chất điện ảnh, đây chính xác là một bộ phim tài liệu. Mọi thứ bắt đầu khi Nev nhờ cậu em Ariel ghi lại các khoảnh khắc đẹp trong tình yêu xa với Megan. 2009 là thời điểm bùng nổ của Internet và tình yêu trên mạng không hiếm. Họ không hề biết mình sắp ghi lại một hành trình kịch tính như phim trinh thám, phản ánh mặt trái của thế giới ảo. Mặt trái nằm ở chữ “ảo”, khi ai cũng có thể là bất kỳ ai.
Cú “twist” của phim không khó đoán. Bởi không ít bạn trẻ cả Tây lẫn ta từng gặp phải chuyện tương tự. Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó sẽ chạm vào trái tim người xem. Catfish khiến ta ấm lòng ở cách các nhân vật đối xử với nhau, dịu dàng và nhân ái, bất kể những nỗi đau đã thành hình. Đạo diễn của phim, chẳng ai khác ngoài cậu em trai và bạn của Nev, đã sắp xếp những thước phim tài liệu tài tình để đào sâu một góc nhỏ nhưng day dứt của mạng xã hội: Nơi những tâm hồn khổ đau vịn vào để quên đi thực tại.
Khi ấy, thế giới ảo trở thành một con cá nheo, như lời người chồng Vincent, luồn vào giữa cuộc sống chật hẹp và các thất bại của con người và giữ cho họ không mục ruỗng. Đáng giận hay đáng tội nghiệp, là tùy vào góc nhìn của người xem. Catfish phản ánh một hiện thực có thật và gần gũi, đến mức nhiều người sẽ thấy mình trong hình ảnh Megan, dù mức độ nhẹ nhàng hơn. Nhưng như thế đã đủ để bạn suy nghĩ về một lựa chọn, khi thời điểm ấy đến: Bạn sẽ cố gắng ở thế giới thật dù khó khăn, hay tự xoa dịu bằng các ảo ảnh dễ dàng?
Seaching: Cuộc truy tìm tâm hồn
Bạn có để ý rằng, ngày càng có nhiều hơn các bộ sưu tập ảnh hoặc video thú vị về thời gian? Kiểu như một bà mẹ ghi hình con cái từng ngày một, từ lúc sinh ra đến lúc lớn lên. Hay những người bạn cố gắng chụp lại các bức hình ngày thơ bé. Hoặc có thể là một chuỗi “clip” ghép cảnh cả gia đình lớn lên và già đi cùng nhau… Khi công nghệ đã thâm nhập đời sống đủ lâu, đó là lúc những bộ sưu tập như thế xuất hiện. Hãy tưởng tượng, bạn khi 80 tuổi, vẫn có thể cho cháu chắt mình xem những “clip” thời “trẻ trâu” hiện tại, rõ ràng như mới hôm qua.
Chỉ khi công nghệ đã có đủ thời gian như thế, chúng ta mới có một bộ phim như Searching (Truy tìm tung tích ảo, 2018). Tác phẩm ly kỳ của đạo diễn Mỹ gốc Ấn Aneesh Chaganty là một cuộc cách mạng về lối dẫn truyện. Cốt truyện quen thuộc kể về người cha David Kim (John Cho) nỗ lực tìm kiếm cô con gái mất tích Margot (Michelle La). Có điều mọi thứ xuất hiện trên màn ảnh rộng đều là dữ liệu trích xuất từ các thiết bị hiện đại: Tin nhắn từ “smartphone”, “clip” từ máy tính hay máy quay, giọng nói từ điện thoại… Một câu chuyện được liên kết và kể hoàn toàn bằng dữ liệu.
Cách làm này không mới, bởi là một trong các lối giả tài liệu để tạo sự chân thật nhưng có lẽ chưa có tác phẩm nào triệt để và hiệu quả như Searching. Phim mở đầu cảm động bằng những đoạn “clip” đầm ấm và hạnh phúc của gia đình Kim. Sau khi người vợ qua đời, nỗi đau đã khiến khoảng cách giữa David và con ngày càng nới rộng. Dù vậy, anh vẫn an tâm vì Margot tỏ ra là một cô bé ngoan và hòa đồng. Niềm tin đó sụp đổ vào một ngày nọ, khi Margot đến trường học và không trở về.
Searching có một kịch bản chuẩn mực của thể loại trinh thám ly kỳ. Khán giả sẽ phải đoán già đoán non về hung thủ, cố bắt lấy các chi tiết để rồi vẫn bị lật tới lật lui đến mấy lần. Aneesh Chaganty tận dụng rất hay các yếu tố kỹ thuật, biến chúng thành lợi thế trong truyền tải các dụng ý. Những tin nhắn viết rồi xóa, một hình ảnh cất giấu, biểu tượng cuộc gọi nhỡ hoặc không nhận cuộc gọi đều chứa đựng tâm tư, tình cảm và suy nghĩ của nhân vật, mà không cần nói ra. Nhịp phim được duy trì tuyệt vời, đưa người xem vào một chuyến tàu lượn tốc độ cao, hồi hộp và đầy cảm xúc. Seaching là một trong những phim ki lì hay nhất 2018.
Hành trình của ông bố David trong phim sẽ khiến chúng ta phải tự hỏi: Rốt cuộc, ta hiểu về những người xung quanh mình đến đâu, nhất là những người thân bên cạnh mỗi ngày. Họ có đang ổn như vẻ ngoài? Họ có đang cất giữ điều gì bí mật sau nụ cười tươi vui? Họ đang trải qua những điều gì? Nếu như trong Catfish, thế giới mạng là một chốn ảo mộng cho giấc mơ tan vỡ, thì qua đến Seaching, đó lại là nơi người ta trốn vào mỗi khi cô đơn. Gần giống như một căn phòng bí mật vô hình và khi ở đó quá lâu, căn phòng trở thành mê cung.
Ông bố David là người phải vượt qua mê cung đó để tìm kiếm con gái. Không chỉ là cô bé Margot đang gặp nạn ngoài đời thật, mà còn là một cô bé yếu đuối, mong manh, tội nghiệp đang lẩn trốn trong các dữ liệu 0 và 1. Khi David lần mở những tài khoản của con, anh mới thật sự bước vào tâm hồn cô bé. Những bậc phụ huynh hẳn sẽ đau lòng biết bao nếu phải chứng kiến những gì David nhìn thấy. Dù ở chung một nhà, anh không bao giờ thật sự ở bên cạnh con gái, không bao giờ nghe thấy những mong ước và tiếng gọi của con. Bất kể giữa họ là bao nhiêu phương tiện liên lạc hiện đại, với chức năng tối thượng là liên kết con người. Dù thế giới có phát triển đến đâu, công nghệ có hiện đại đến mức nào, thì con đường duy nhất để chạm đến tâm hồn con người vẫn là những liên kết thật sự, đòi hỏi rất nhiều cố gắng. Đó là thông điệp quan trọng mà Searching truyền tải đầy ấn tượng.
Disconnect: Cô quạnh trong thế giới kết nối
Trong tiếng Anh, thế giới mạng còn được gọi là “wired world”, hay “thế giới của những dây dẫn”. Từ này không chỉ mang ý, các thiết bị như máy tính hay điện thoại, đều phải kết nối bằng những sợi dây điện (không còn đúng lắm khi công nghệ không dây ra đời), mà còn chỉ về sự kết nối. Mọi thứ trên mạng đều được kết nối như một mạng nhện khổng lồ, chằng chịt, với đầy rẫy nguyên nhân và hệ quả, theo vô vàn các lớp lang và đường hướng khác nhau. Không có thứ gì trên mạng lại không “dẫn” đến một hay nhiều thứ khác. Nhưng, có thật là sự kết nối về mặt vật lý ấy cũng đồng nghĩa với kết nối về tinh thần và khiến con người ngày càng gần nhau hơn?
Disconnect (Ngắt kết nối, 2012) là một câu trả lời của đạo diễn Mỹ Henry Alex Rubin. Phim có cấu trúc đa tuyến, gần với Crash (Va chạm, 2006), gồm nhiều nhân vật, với nhiều tuyến truyện riêng biệt. Cô phóng viên tham vọng Nina cố gắng tiếp cận chàng trai trẻ Kyle, thành viên của mạng lưới khiêu dâm “online”. Nina muốn có một bài phỏng vấn bước ngoặt trong sự nghiệp. Cậu bé cô đơn Ben bị hai đứa bạn cùng trường Jason và Frye bắt nạt trên mạng. Cặp vợ chồng đang trên đà tan vỡ Derek và Cindy bị một kẻ ẩn danh trên mạng đánh cắp tài khoản ngân hàng… Các nhân vật đều sống cùng thành phố, liên kết với nhau theo nhiều cách, dù họ có nhận thức được hay không.
Trong Disconnect, thế giới “online” và “offline” đều là ma trận với những biến số, thay đổi liên tục, dẫn đến những kết quả nằm ngoài dự tính của các nhân vật. Tất cả đều thực hiện những lựa chọn mà mình cho là đúng đắn, cố gắng giải quyết các vấn đề, đề rồi càng chìm sâu vào lửa đỏ. Bài phỏng vấn của Nina thành công nhưng kéo theo FBI vào cuộc triệt phá đường dây khiêu dâm. Trò bắt nạt của Jason và Frye gây ra hậu quả nghiêm trọng và các ông bố phải vào cuộc giải quyết. Cặp vợ chồng bỗng tìm thấy tiếng nói chung khi cùng truy tìm tay hacker nhưng cũng bắt đầu biết được những nứt vỡ trong nhau… Những mảnh đời va vào nhau cho đến lúc phải vỡ òa, đổ bể thật sự, trước khi hy vọng hàn gắn le lói trở lại.
Disconnect là một phim tâm lý giàu kịch tính, đôi lúc hơi quá kịch tính nhưng vẫn hiệu quả nhờ vào diễn xuất thuyết phục của dàn diễn viên nội lực, như Jason Bateman, Alexander Skarsgård, Andrea Riseborough… Phim gắn với nhiều tệ nạn thực tế nhức nhối của thời đại mạng, như bắt nạt trên mạng (bullycyber), hacker, khiêu dâm trên mạng… Nhưng tất cả không phải để răn đe hay cảnh báo, mà là lớp nền cho cho một hiện thực khác: Con người ngày càng cách xa trong một thế giới kết nối chặt chẽ, cả có dây lẫn không dây. Điều đau lòng là để thoát khỏi những màn hình, kết nối thật sự mang tính người, họ phải cần đến những sự kiện gây tổn thương cho nhau và cho chính mình, mãi mãi.
Trên nền các bản nhạc tuyệt vời và day dứt của Max Richter, một trong những nhà soạn nhạc phim hàng đầu Hollywood hiện nay, Disconnect là một bức tranh khắc họa hiện thực mạnh mẽ và ấn tượng về thời đại mạng. Thế giới dường như gần lại với Internet nhưng cũng dường như xa lạ và cô quanh hơn. Con cái tách biệt với bố mẹ sau màn hình điện thoại, để rồi chỉ có thể chia sẻ cảm xúc bằng các tin nhắn với người lạ. Những thiếu niên kiếm sống bằng cách mua vui trước màn hình. Còn người lớn thì mải miết đâu đó trong các email và tin nhắn, quên mất nhìn ra xung quanh. Làm thế nào mà họ luôn luôn “connected” (kết nối) nhưng lại “disconnect” (ngắt kết nối) đến thế? Đó chính là thế giới mà ta đang phải đối mặt, hay cái giá phải trả, cho các tiện lợi khác của thời đại công nghệ thông tin.
Thế giới luôn tiến về phía trước. Nhưng chưa bao giờ loài người trải qua những bước tiến mạnh mẽ, triệt để và nhanh chóng đến thế. Thế giới mạng đã mở ra biết bao khả năng, những chân trời mới. Nhưng như phi hành gia Cooper trong Interstellar (Du hành liên sao, 2014) đã nói: “Để tiến lên phía trước, luôn phải để lại một thứ gì đó.” Những bộ phim trên phần nào cho ta thấy thứ phải ở lại để đánh đổi cho thế giới ảo: Những cái tôi vụn vỡ trên con đường. Nhưng liệu chúng ta có thể chậm lại, để học hỏi, để giữ mình, để bảo vệ cho những người xung quanh? Nếu muốn thì điều cần thiết nhất là phải biết được ta đang đi nhanh đến mức nào. Những bộ phim trên sẽ mang đến cho bạn hình dung ấy.
Theo Svvn.vn