“Khởi nghiệp đã khó, kế nghiệp áp lực còn khủng khiếp hơn, như là được giao một công trình, bạn phải làm cho lớn hơn và đẹp hơn chứ không được phép thất bại”, cô gái 8X Dương Thị Minh Tuệ, người kế nghiệp gia đình khi mới ngoài 20 tuổi, chia sẻ.

Chúng tôi, thế hệ F1

Ở Sài Gòn, chúng tôi có một câu lạc bộ mang tên F1. Gần 30 thành viên toàn 8X, 9X là những bạn trẻ “con ông cháu cha” của các công ty lớn trong ngành làm gỗ và sản xuất nội thất: Tân Thành, Scansia Pacific, SADACO… Tất cả đều được học hành bài bản, đủ đầy, có năng lực nhưng ban đầu không phải ai cũng có đam mê với nghề của cha mẹ. Mỗi người có một con đường riêng, trước khi được gia đình “ấn vào tay” trách nhiệm kế nghiệp. Chúng tôi gặp gỡ, giao lưu, tổ chức các hoạt động chung và nhất là cùng nhau học hỏi và chia sẻ những “nỗi niềm” của người kế nghiệp. Là chủ nhiệm câu lạc bộ, tôi hiểu những khát vọng của người trẻ như mình.

Sau khi tốt nghiệp NUS (Singapore), tôi cũng từng làm việc ở một số nơi. Nhưng khi nhìn thấy cơ nghiệp cha mẹ mình đã gầy dựng suốt mấy chục năm cần có người trợ giúp, tôi gật đầu về công ty, với vị trí Giám đốc Tiếp thị và kinh doanh, Công ty CP Gỗ Minh Dương. Gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gỗ và nội thất, mỗi tháng, công ty xuất khẩu đến 2 triệu đôla, ở vị trí này, áp lực đối với tôi là vô cùng lớn. Ngành gỗ có đặc thù riêng, mang dấu ấn truyền thống gia đình đậm nét, nên chẳng khó lý giải việc hầu hết các bạn trẻ không mấy mặn mà nối nghiệp, dù sinh ra đã có nhiều thuận lợi. Cha mẹ giao công việc tiếp thị và kinh doanh, mảng ảnh hưởng đến doanh số của công ty thì không chỉ là áp lực mà còn là trọng trách bắt buộc phải gánh vác. Tôi chỉ còn cách toàn tâm toàn ý với công việc.

Khác với những bạn trẻ khởi nghiệp, chúng tôi có nhiều thuận lợi hơn, về tài chính chẳng hạn. Nhưng áp lực có lẽ lớn hơn hẳn. Chỉ có con đường làm cho công trình đó to đẹp hơn, chỉ “tiến” chứ không thể “lùi”. Khi cha mẹ đã giao cho mình một vị trí ở công ty, nghĩa là họ kỳ vọng mình đủ năng lực để cùng lèo lái con thuyền, điều này cũng có nghĩa, trọng trách sẽ cao gấp 10 lần những người trẻ khởi nghiệp.

Điều an ủi nhất với tôi lúc đó là tự động viên: “Việt Nam có quá nhiều bạn trẻ khởi nghiệp với công nghệ, tại sao mình không thể bắt đầu với sản xuất?”. Đôi khi, tôi chột dạ nghĩ rằng, hay mình chỉ hỗ trợ bố mẹ trong thời gian ngắn, rồi thôi và đắn đo suy nghĩ: Liệu đây có phải là con đường mà mình gắn bó lâu dài được hay không? Nhưng tôi tin chắc, dù là khởi nghiệp hay kế nghiệp, điểm giống nhau là cùng phải nỗ lực để tồn tại. Nếu không cố gắng và lao vào thử thách, không thể thấy thành công.

Khởi nghiệp khó 1, kể nghiệp khó 10

Quay về kế nghiệp bố mẹ, ban đầu, tôi ngợp, vì mình quá trẻ, không am tường con đường của thế hệ trước, nhiều khâu trống nhân sự. Mình phải tiếp cận ở sản xuất hay kinh doanh để thay đổi? Cũng như nhiều bạn trẻ kế nghiệp khác, áp lực của chúng tôi là sự ảnh hưởng của thế hệ trước đã in dấu quá lớn suốt hàng chục năm. Sự khác biệt trong cách nghĩ, cách làm của người trẻ với người lớn luôn tồn tại, để cân bằng thì cách tốt nhất là lao vào thử thách. Cứ 5h sáng, tôi bắt đầu cùng đến xưởng. Sáng đi, chiều về. Cả ngày nghỉ, bạn bè đi chơi thì tôi gặp khách hàng. Tôi nghiệm ra, khi kế nghiệp, chỉ khi có động lực thì mới đi cùng gia đình được.

Khác con đường, chung đích đến

Những lần cùng F1 ra nước ngoài giao lưu, tôi nhận ra, giới trẻ ở đâu cũng vậy. Họ nhiều năng lượng, giàu khát vọng, ưa sự độc lập và dám thử thách. Và trách nhiệm cũng như những người kế nghiệp chúng tôi. Có nhiều câu chuyện dẫn tới sự đồng cảm và gây được cảm hứng lớn. Ở Thái Lan,  tôi gặp Tanet Pitaktiratham, mới 33 tuổi, Phó Giám đốc của Zimage Motion, công ty được thành lập từ 20 năm trước. Cũng như nhiều người trẻ khác, Tanet không hứng thú với nghề nghiệp của bố mẹ. Nhưng vào cuộc khủng hoảng kinh tế vài năm trước, Zimage Motion đứng trước nhiều khó khăn và có nguy cơ tan rã, Tanet đã suy nghĩ và quyết định quay về vực dậy cơ nghiệp của bố mẹ.

Tanet mang cái nhìn trẻ trung và cởi mở khác hẳn thế hệ trước vào công việc để thay đổi cách làm việc. Anh yêu cầu mọi nhân viên, công nhân phải năng động hơn và dám thay đổi. Tanet ứng dụng công nghệ thông tin để thay đổi cách làm việc theo nhóm. Nhưng nổi bật nhất là thay đổi cách thức hợp tác làm việc giữa thế hệ cũ và mới. Trong 3 năm, từ một công ty rệu rã, chỉ chuyên gia công, Tanet đã đưa Zimage Motion trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất của ngành nội thất Thái Lan. Anh bạn này cũng tự sáng lập thương hiệu riêng mang tên Muller và nằm trong “top” 10 thương hiệu được nhận biết nhiều nhất bởi giới kiến trúc, nội thất, xây dựng… Tanet truyền cho chúng tôi cảm hứng lớn của khởi nghiệp với câu nói: “Muốn thành công thì phải thất bại, khi thất bại phải đứng dậy thật nhanh để đi tiếp”.

Harith Ridzuan (Green Carpenter) là Giám đốc công ty HGC tại Malaysia. Cũng giống như Tanet, Harith kế nghiệp gia đình và bằng sự phóng khoáng của tuổi trẻ, bạn dám thay đổi những gì người lớn đã làm bằng cách sử dụng lại toàn bộ phế phẩm gỗ của công ty bố mẹ làm ra một loại nội thất hoàn toàn mới. Hartih còn đi gom các nguyên liệu phế thải từ các công trình, từ đồ nội thất bỏ đi, mang về sáng tạo ra cái mới. Chỉ sau 3 năm, công ty của Harith đã được Chính phủ Malaysia vinh danh là doanh nghiệp có ảnh hưởng tốt đến môi trường. Vừa làm, Harith vừa đào tạo cho hơn 70 sinh viên và chào đón hơn 1.500 vị khách đến tham quan mô hình sản xuất nội thất sử dụng nguyên liệu phế thải, bảo vệ môi trường. Tỷ lệ phế phẩm của công ty từ 30% giảm xuống chỉ còn 5%. Hartih cũng sáng lập thương hiệu riêng mang tên Nokta, vừa ra mắt tại “Tokyo Interior Lifestyle”, vừa qua. Hartih là hình ảnh một lãnh đạo trẻ điển hình không chỉ “đảm việc nhà” mà còn biết đóng góp cho môi trường và cộng đồng. Câu chuyện đó, tôi nghĩ, sẽ tạo cảm hứng cho người trẻ Việt trên con đường khởi nghiệp và kế nghiệp gia đình.

Ở Trung Quốc, tôi gặp một câu chuyện khá tương đồng với những F1. Sean Hsiung có nền tảng vững chắc từ sự hỗ trợ của gia đình để sáng lập ra thương hiệu Juniper, khi mới 22 tuổi. Năm năm sau, Sean giới thiệu được thương hiệu của mình tại Mỹ và một năm sau nữa, quay trở về Trung Quốc. Sean nói với tôi: “Ngoài muốn giới thiệu một phong cách riêng, quan trọng hơn, tôi muốn nói về tinh thần khởi nghiệp của người trẻ. Chúng ta hoàn toàn có thể làm ra những sản phẩm không thua kém gì Mỹ, châu Âu”.

Những câu chuyện gặp gỡ ở các nước và trong chính CLB F1 của mình cho tôi thấy, người trẻ Việt hoàn toàn có thể làm được những điều tương tự. Nhưng đó không chỉ là nỗ lực cá nhân mà còn là yếu tố gia đình. Chúng tôi luôn muốn thế hệ đi trước thật sự tạo niềm tin và trao cơ hội để đi tiếp con đường đó. Những thành viên F1 còn rất trẻ, sau vài năm, bây giờ có người đã đảm nhiệm giám đốc khối, phụ trách kinh doanh, hay điều hành công ty thay cha mẹ khi vẫn còn là một 9X. Không có gì dễ dàng, nếu không nỗ lực. Khởi nghiệp hay kế nghiệp khác nhau ở mức xuất phát nhưng con đường nào cũng buộc mình phải nỗ lực chạy liên tục thì mới có thể đến đích.

Theo Svvn.vn

BÌNH LUẬN