Đạo diễn Việt kiều không xem Thái Hòa là ngôi sao phòng vé, nhưng đề cao năng lực và tư duy khi làm việc chung.

– Tác phẩm mới của anh – “Chàng vợ của em” – được khán giả đón nhận, dẫn đầu dịp lễ 2/9. Cảm xúc của anh ra sao?

– Tôi vui vì thấy phim trụ rạp thời gian dài, được khán giả bình luận tích cực trên mạng. Khi xem lại, tôi thấy còn một số điểm thiếu sót. Tuy nhiên, về mặt nghề, tôi thích nó hơn Tèo em hay Để Mai tính 2 do đây là câu chuyện khó kể, thử thách hơn. Lần này, tôi đã thỏa ý định làm một phim có chất hài nhẹ nhàng. Ở phòng vé, tác phẩm đã có lời nhưng mức lời chưa nhiều do kinh phí lớn, tỷ lệ phần trăm tiền vé chia cho rạp cao. Với nhãn C16, phim chưa tiếp cận được khán giả trẻ – đối tượng ra rạp đông đảo.

Doanh thu10 phim Việt ăn khách nhất mọi thờiĐơn vị: tỷ đồng17117110810810210210110185.585.585858585808078787676PhimEm chưa 18Siêu sao siêu ngốEm là bà nội của anhĐể Mai tính 2Lật mặt 3Tháng năm rực rỡQuả tim máuTèo emTôi thây hoa vàng trên cỏ xanhChàng vợ của em0100200

– Là đạo diễn có ba trong số 10 phim ăn khách nhất lịch sử màn ảnh Việt, anh đánh giá thị trường trong nước như thế nào?

– Với những nền điện ảnh non trẻ, chỉ có hai thể loại nổi trội là hài và hành động. Ở Việt Nam, phim hài dễ được đón nhận do phần đông có nhu cầu xả stress sau giờ làm việc. Sau một thời gian, khi gu thưởng thức của khán giả lên cao, họ sẽ tiếp nhận và mong muốn các thể loại mới. Tuy nhiên, không phải cứ có hài là người ta đến xem. Một tác phẩm muốn có khán giả phải khơi gợi được cảm xúc mạnh, khiến người xem chạm đến nhân vật. Tôi tin vào sức mạnh của kịch bản, một phim hay phải bắt đầu từ câu chuyện, hành trình nhân vật chứ không phải chỉ đưa mảng miếng gây cười hay danh hài vào.

– Thành công này khiến anh nghĩ sao về sức hút của Thái Hòa sau nhiều năm?

– Với tôi, điện ảnh Việt Nam chưa có ngôi sao phòng vé – kiểu diễn viên chỉ cần có mặt trên poster là khán giả đến rạp. Tôi cộng tác với Thái Hòa vì anh ấy là người thật sự hiểu điện ảnh, có thể nhìn dự án ở cả phương diện người làm phim chứ không phải diễn viên. Với Thái Hòa, tôi có thể bàn bạc từ khâu phát triển kịch bản, Tôi cũng an tâm rằng có một diễn viên hiểu được câu chuyện, biết điểm mạnh và điểm yếu của phim ngay trong lúc quay.

Sau Fan cuồng, nhiều người nói Thái Hòa hết thời nhưng không phải. Càng đóng phim, anh ấy diễn càng hay do nhiều kinh nghiệm, dày dạn hơn. Điều quan trọng là nhân vật mà anh ấy hóa thân phải hay và phù hợp lối diễn. Khi đó, Thái Hòa sẽ lại ghi dấu ấn. Tuy nhiên, do tôi và Thái Hòa đã cộng tác quá nhiều nên khán giả dễ định kiến rằng cứ dự án có chúng tôi là phim hài. Do đó, nếu làm thể loại khác – như hành động, tôi sẽ không mời anh ấy.

– Sau “Bụi đời Chợ Lớn“, Charlie Nguyễn không còn làm phim hành động. Tâm huyết với thể loại này của anh giờ ra sao?

– Phim hành động vẫn là giấc mơ lớn của tôi, khiến tôi đau đáu nhiều năm. Vài năm qua, tôi đã nghĩ nhiều ý tưởng nhưng chưa thể triển khai. Làm phim hành động ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn từ kinh phí, nhân lực đến kiểm duyệt. Nguy cơ lỗ rất cao, nhất là ở dạng phim hành động đơn thuần mà không có hài, như Lôi Báo năm ngoái. Việc sản phẩm Hollywood tràn ngập cũng là cái khó cho nhà làm phim hành động trong nước. Về kỹ xảo hay mức độ đầu tư, chúng ta không thể bằng họ. Khi đặt một tựa phim hành động Việt cạnh Mission: Impossible 6, dễ thấy phim nào thắng.

Để đua tài trong thể loại hành động, điện ảnh châu Á chỉ có thể tìm đến yếu tố võ thuật. Các diễn viên, võ sĩ, cascadeur lấy máu thịt ra mà cạnh tranh với kỹ xảo phương Tây, ví dụ như điện ảnh Indonesia từng có phim The Raid (2011) gây chấn động thế giới. Tuy nhiên, cách làm này cũng có hạn chế là không thể cho ra sản phẩm đều đặn. Mỗi phim võ thuật đỉnh cao thường là thành quả của một lò võ hoặc một nhóm hành động tập đến nhuần nhuyễn trong nhiều năm. Sau đỉnh cao này, họ hiếm khi tái lập được thành công tương tự. Ngay chính ê-kíp The Raid cũng không duy trì được chất lượng ở phần hai.

Charlie Nguyễn (trái) trên phim trường Chàng vợ của em.

Charlie Nguyễn (trái) trên phim trường “Chàng vợ của em”.

– Liên tục đạo diễn rồi sản xuất phim, anh giữ cân bằng thế nào trong cuộc sống?

– Tôi vẫn còn rất nhiều câu chuyện, ý tưởng muốn hiện thực hóa nên có phần bỏ bê cuộc sống riêng. Phim ảnh chiếm gần hết lịch làm việc của tôi mỗi ngày. Khi không ra trường quay, tôi cũng bận rộn việc phát triển kịch bản, làm hậu kỳ. Ở tuổi 50, tôi bắt đầu thấy sức khỏe đi xuống, nhiều lần phải đi khám bệnh, khả năng hồi phục sau mỗi đợt làm việc chậm hơn lúc trước. Chính vì thế, tôi không nghĩ nhiều đến chuyện tình cảm, cá nhân mà muốn dành nhiều sự tập trung hơn nữa cho những dự án tâm huyết của mình.

Ân Nguyễn thực hiện

BÌNH LUẬN