Các lĩnh vực hoạt động cốt lõi tăng trưởng tích cực giúp công ty đạt kết quả kinh doanh khả quan.

Công ty CP Tập đoàn Masan (Masan Group – mã chứng khoán MSN) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Theo đó, doanh thu thuần của tập đoàn đạt 17.458 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,1% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của đợt khủng hoảng giá heo. Tuy nhiên, lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông lại tăng đến 566% so với nửa đầu năm 2017, ở mức 3.031 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Masan Group, kết quả tăng trưởng ấn tượng này đến từ chiến lược dài hạn mà tập đoàn đã đưa ra từ 5 năm trước cũng như tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh xuyên suốt trong thời gian thị trường khủng hoảng.

“Chúng tôi đã không hy sinh bất kỳ nền tảng kinh doanh dài hạn nào cho các tăng trưởng ngắn hạn. Mỗi lĩnh vực kinh doanh đều đang đi đúng với tầm nhìn chiến lược 5 năm, và điều này sẽ giúp tăng trưởng bền vững với hai chữ số của doanh thu và lợi nhuận”, ông Quang chia sẻ.

Trong đó, có đến một nửa trong lợi nhuận thuần của tập đoàn đến từ các khoản thu nhập một lần do giả định bán một phần tỷ lệ sở hữu trong Techcombank. Đại diện Masan cho rằng công ty đã đúng khi quyết định giữ lợi ích kinh tế tại Techcombank xuyên suốt thời gian khủng hoảng tài chính. Ban điều hành doanh nghiệp nhận định tăng trưởng lợi nhuận của các lĩnh vực kinh doanh chính có thể cao hơn gấp 5,3 lần, nếu không giảm tỷ lệ sở hữu tại Techcombank vào nửa đầu năm 2018.

Ngoài khoản lợi nhuận từ Techcombank, các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi khác của Masan Group cũng ghi nhận sự tăng trưởng lợi nhuận tích cực nửa đầu năm nay.

Ngành hàng tiêu dùng của Masan ghi nhận sự tăng trưởng lợi nhuận rất khả quan trong nửa đầu năm.

Ngành hàng tiêu dùng của Masan ghi nhận sự tăng trưởng lợi nhuận rất khả quan trong nửa đầu năm.

Cụ thể, Masan Consumer (mã chứng khoán MCH) có doanh thu thuần đạt 7.526 tỷ đồng, so với mức 5.496 tỷ đồng trong hai quý đầu năm 2017. Lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho cổ đông tăng 2,5 lần, tương ứng 1.515 tỷ đồng.

Các con số khả quan này đến từ sự tăng trưởng của ngành gia vị, thực phẩm tiện lợi và chiến lược “cao cấp hóa” danh mục sản phẩm bắt đầu phát huy hiệu quả. Theo đó, các dòng cao cấp hơn của nhãn hiệu như Chin-su, Nam Ngư hay mì ly Omachi đều đóng góp cao hơn vào tăng trưởng doanh thu.

Thịt chế biến là ngành hàng triển vọng sau khi tăng trưởng gần 6 lần trong năm 2017. MCH đã liên doanh với Jinju Ham (Hàn Quốc) nhằm sở hữu công nghệ để chế biến các sản phẩm xúc xích mới vào cuối năm.

Doanh thu thuần ngành hàng cà phê và đồ uống tăng lần lượt là 16,3% và 24,3%, tương ứng với mức 648 tỷ đồng và 1.233 tỷ đồng. Mức tăng của hai ngành này chủ yếu đến từ việc mở rộng hệ thống phân phối các nhãn hàng.

Riêng ngành bia ghi nhận mức doanh thu thuần tăng đến 432%, lên mức 189 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.

Giá vonfram tiếp tục lên cao cũng đã thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận thuần Masan Resources (mã chứng khoán MSR). Trong đó, lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của MSR đạt 330 tỷ đồng trong nửa đầu năm và tăng hơn 377% so với cùng kỳ 2017. Nếu giá vonfram duy trì như hiện tại, Masan Group dự báo MSR có thể đạt 7.300-8.000 tỷ đồng doanh thu thuần, với mức lợi nhuận thuần là 600-1.000 tỷ đồng.

Riêng lợi nhuận Masan Nutri-Science (mã MNS) bị ảnh hưởng do đợt khủng hoảng giá thịt heo vừa qua. Tuy nhiên, đại diện công ty cho biết thị trường đã xuất hiện dấu hiệu phục hồi khi doanh thu thuần công ty trong quý II cao hơn khoảng 9% so với quý trước, ở mức 3.492 tỷ đồng.

Ban điều hành Masan Group kỳ vọng đà tăng trưởng sẽ quay trở lại trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng cụ thể sẽ phụ thuộc vào tốc độ tăng đàn của người chăn nuôi và việc qua trở lại sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp năng suất cao.

Lộc An

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN