Chị Lan Anh tạo các ngăn phụ trong tủ lạnh bằng khay và hộp nhựa; mỗi khay, hộp được gắn nhãn chức năng cụ thể.

Chị Lan Anh, 36 tuổi, là nhân viên của công ty xây dựng, tiết kiệm được nhiều thời gian vệ sinh tủ lạnh nhờ ý tưởng trữ thực phẩm trong các khay, hộp nhựa thay vì để trực tiếp. Chị chia nhỏ tủ lạnh thành nhiều ngăn phụ bằng cách xếp lần lượt các khay, hộp. Mỗi khay, hộp có chức năng cụ thể và vị trí cố định.

Khi chia sẻ ý tưởng sắp xếp tủ lạnh lên mạng xã hội, chị Lan Anh rất vui và bất ngờ khi nhận được nhiều lời khen.

Khi chia sẻ ý tưởng sắp xếp tủ lạnh lên mạng xã hội, chị Lan Anh rất vui và bất ngờ khi nhận được nhiều lời khen.

Tủ lạnh nhà chị Lan Anh có dung tích 400 lít, thiết kế ngăn mát phía trên, ngăn đông ở dưới. Chị chia thực phẩm thành các nhóm: đồ khô, đồ tươi sống, đồ ăn liền, thức ăn thừa để phân loại vào các khay, hộp. Ông xã và cô con gái 8 tuổi của chị Lan Anh không phụ trách nấu ăn nên thường sử dụng tủ lạnh để lấy thức ăn sẵn và cất đồ ăn thừa. Trong thời gian quan sát, chị phát hiện chồng, con thường “tiện đâu để đó” khiến thức ăn rơi vãi nên chị đặt những khay nhựa trong ngăn mát, chỉ yêu cầu mọi người đặt vào đó. Hàng ngày, chị Lan Anh để trong chiếc rổ nhựa hình vuông lượng hoa quả đủ cho cả nhà trong hai bữa. Số còn lại, chị cất vào các hộp nhựa để trái cây tươi lâu hơn. Bà mẹ Hà Nội tâm sự, nếu việc lấy đồ ăn không tiện lợi, phải mở nhiều nắp hộp, các thành viên trong gia đình chị sẽ rất ngại.

Chị Lan Anh không ngại việc… mở hộp nên những thực phẩm phục vụ nấu nướng, do chị phụ trách, đều được bảo quản trong các hộp thủy tinh hoặc hộp nhựa. Bên cánh tủ lạnh, chị dành riêng để đồ lặt vặt, chủ yếu là các chai gia vị, trứng, trà mạn, cà phê, muối vừng, ruốc thịt lợn và vài quả chanh. Để các hộp, lọ không bị rơi, chị Lan Anh chọn mua loại chuyên dụng dành riêng cho tủ lạnh, có khấc nối chắc chắn, không bị xê dịch khi rung lắc. Theo chị, nên chọn loại hộp có trọng lượng nhẹ để tránh làm xệ cánh tủ lạnh.

Chị chia các tầng của tủ lạnh cho mỗi thành viên trong nhà: tầng một của bố, tầng hai để đồ ăn của mẹ và tầng ba chứa sữa, trái cây của con gái. Chị tin rằng điều này giúp mỗi cá nhân có ý thức giữ gìn vệ sinh khu vực của mình.

Chị chia các tầng của tủ lạnh cho mỗi thành viên trong nhà: tầng một của bố, tầng hai để đồ ăn của mẹ và tầng ba chứa sữa, trái cây của con gái. Chị tin rằng điều này giúp mỗi cá nhân có ý thức giữ gìn vệ sinh khu vực của mình.

Ngăn đông trong tủ lạnh nhà chị Lan Anh có ba tầng, được chị phân chia chức năng rõ ràng. Tầng trên cùng chị đặt trực tiếp kem, nước đá, socola; một số loại quả nhỏ muốn trữ đông như sấu, ớt, me, chị Lan Anh cho vào hộp để bên cạnh. Tầng thứ hai chị dành cất hộp rươi ăn xuyên mùa, hoặc những thức ngon phải mua nhiều một lần, đặc sản được tặng, biếu. Tầng cuối là thịt, cá, hải sản tươi sống, được chia từng loại vào các hộp lớn có nắp đậy. Trước khi đặt vào hộp, chị Lan Anh cẩn thận bỏ thịt, cá vào một chiếc túi zipper khóa kéo loại dùng nhiều lần. Lúc nấu ăn, chị chỉ nhấc túi ra lấy thực phẩm rã đông sau đó vệ sinh túi thay vì phải rửa cả hộp.

Gia đình chị Lan Anh sử dụng chiếc “tủ lạnh nhiều ngăn” đã một năm, chị thấy tiết kiệm được thời gian khi tìm kiếm thực phẩm, không bỏ quên đồ ăn, dễ dàng lên ý tưởng nấu nướng. Khi hết loại thực phẩm nào, chị mang rửa luôn chiếc hộp đựng loại thực phẩm đó. Tủ lạnh nhà chị ít khi bị bốc mùi, máy chạy khỏe và không có hiện tượng đóng tuyết.

Chị Lan Anh chia sẻ, không chỉ “phân lô’ trong tủ lạnh, chị còn sắp xếp đồ đạc ở nhà và tại văn phòng theo quy tắc này. Bà mẹ Hà Nội thường gặp khó khăn trong việc tìm đồ vì trí nhớ không tốt nên đây là giải pháp để cải thiện cuộc sống của chị.

Chị Lan Anh trong một chuyến du lịch.

Chị Lan Anh trong một chuyến du lịch.

Lam Trà

Theo Ngôi Sao

BÌNH LUẬN