Phim của Wes Anderson thể hiện phong cách đặc trưng của ông, đan cài văn hóa Nhật và ca ngợi lòng trung thành của chó.
Tác phẩm lấy bối cảnh tương lai gần tại thành phố giả tưởng Megasaki (Nhật Bản). Một dịch bệnh bí ẩn bùng phát trên loài chó khiến thị trưởng Kobayashi (Kunichi Nomura lồng tiếng) ban lệnh trục xuất chúng đến một hòn đảo biệt lập chuyên tập trung rác thải. Chú chó đầu tiên bị đưa đi là Spots (Liev Schreiber lồng tiếng) – cận vệ của cậu bé Atari Kobayashi (Koyu Rankin lồng tiếng), cháu của thị trưởng.
Sáu tháng sau, toàn bộ loài chó đã bị cô lập trên đảo, phải tranh giành từng túi rác thải để sinh tồn và hầu như không còn lành lặn. Trong những người chủ, chỉ duy nhất Atari quyết tâm đến đảo để tìm lại chú chó mà cậu yêu quý. Atari được trợ giúp bởi năm chú chó gồm Chief, Rex, King, Boss và Duke (Bryan Cranston, Edward Norton, Bob Balaban, Bill Murray và Jeff Goldblum lồng tiếng). Hành động của cậu trở thành cảm hứng cho nhóm những sinh viên muốn vạch mặt những khuất tất của chính quyền Kobayashi trong vụ việc. Trong lúc đó, một nhóm nghiên cứu đã gần tìm ra thuốc giải.
Kịch bản phim do Wes Anderson chấp bút, theo môtíp về tìm kiếm và hội ngộ. Ở phần đầu phim, sự tìm kiếm được thể hiện qua hành trình của Atari cùng năm chú chó. Sau khi sự hội ngộ diễn ra, hồi kết của phim mang thông điệp về đấu tranh. Cách mô tả xã hội của Anderson thoạt đầu tưởng chừng hơi “trẻ con” với sự thống trị của những người yêu mèo – Kobayashi cùng phe đảng. Tuy nhiên, theo diễn biến, tác phẩm trở nên sâu sắc khi lồng ghép các quan điểm phê phán độc tài, nền dân chủ giả hiệu, đồng thời đề cao tự do ngôn luận như là giải pháp để chống lại sự lường gạt của chính quyền. Tác phẩm mang đến tiếng cười mỉa mai xã hội thay cho chất hài hước kiểu hoạt náo trong các hoạt hình khác.
Tình yêu với loài chó được thể hiện ngay từ tên phim Isle of Dogs với cách phát âm gần giống “I Love Dogs”. Qua hình ảnh của Chief, Spots và các chú chó khác, phim ca ngợi những phẩm chất đại diện cho loài vật thân cận nhất với con người. Chó thật thà, trung thành, dũng cảm và không bao giờ bỏ rơi chủ nhân dẫu trải qua nhiều biến cố. Khi có hiểm nguy, chúng thậm chí sẵn sàng liều mạng vì chủ. Giữa xã hội đảo điên, nhiều mưu mô, loài chó trong phim được nhân cách hóa trở thành những “chính nhân quân tử” mang tinh thần thượng võ của các samurai thuở xưa.
Anderson chắc tay khi tập trung xây dựng hình tượng nhân vật trước khi ra tạo chuyển biến cho câu chuyện. Trong năm chú chó, Chief nổi bật nhất với xuất thân hoang dã, hành xử ngang tàng và dè chừng với loài người nhưng ẩn sâu vẫn có những tính cách tốt đẹp. Còn Atari mang những nét trẻ con của một cậu bé mới lớn, giúp cậu dần nhận được cảm tình từ Chief. Ở một góc độ khác, Atari cũng là một chú “chó hoang” với cuộc đời nhiều bi kịch nên dễ đồng cảm với chú chó. Đạo diễn khéo cài cắm một loạt tình tiết để hai nhân vật làm quen trước khi cho Chief thân thiết với Atari, giúp bước ngoặt này trở nên đáng tin và không bị gượng.
Một cảnh đặc trưng của Wes Anderson. |
Ngoài nội dung giàu tính nhân văn, phần hình ảnh của phim cũng gây ấn tượng. Mỗi tác phẩm của Wes Anderson – như The Grand Budapest Hotel hay Moonrise Kingdom – đều là những bữa tiệc thị giác. Isle of Dogs tiếp tục mang phong cách đặc trưng của đạo diễn với những khung hình gần như đối xứng hai bên, đôi khi nhân vật ở chính giữa (phá vỡ quy tắc chủ thể nằm lệch về một phần ba hình trong nhiếp ảnh). Tiêu biểu cho lối thể hiện này là cảnh các con chó tranh nhau một túi thức ăn ở đầu phim. Đạo diễn giữ khung hình đối xứng từ khi máy bay thả thức ăn, sự xuất hiện của hai bầy chó (mỗi bên năm con) đến khi chúng tiến lại và đụng độ.
Ngoài ra, các chi tiết nhỏ về dựng hình và màu sắc trong từng cú máy đều được trau chuốt. Chiếm ưu thế trong phim là đỏ và vàng – hai màu nóng. Ở một số cảnh, nhà làm phim phối màu rực rỡ và bắt mắt, tiêu biểu là trích đoạn bên trong một cái hang làm từ rất nhiều chai rượu sake và cảnh trong quán rượu của các nhà khoa học. Trong những cảnh dưới góc nhìn của loài chó, sắc đỏ và xanh lá được loại bỏ, tương ứng với sự mù màu của loài chó với những màu sắc này.
Akira Kurosawa (1910 – 1988) là huyền thoại điện ảnh Nhật. Phong cách của ông có ảnh hưởng lớn đến “Isle of Dogs”. |
Trên ARTE Cinéma, Wes Anderson cho biết tác phẩm có nhiều chi tiết tri ân Akira Kurosawa – đạo diễn huyền thoại Nhật Bản.
Cách di chuyển góc nhìn và sự di động của nhóm chủ thể trong các cảnh của Isle of Dogs tương tự phong cách giàu tính chuyển động của Kurosawa. Một số cảnh khác được lấy cảm hứng từ các phim của đạo diễn Nhật. Người dẫn chuyện với tạo hình cổ quái ở đầu phim gợi nhớ đến nhân vật Hidetora Ichimonji trong Ran. Tạo hình nhân vật Kobayashi lấy cảm hứng từ Kingo Gondo trong High and Low. Cảnh chiến đấu đầu phim giống trong Yojimbo còn trích đoạn hai nhóm chó chuẩn bị lao vào nhau là từ Seven Samurai. Chief tự nhận là chó hoang (stray), gây liên tưởng đến phim Stray Dog.
Ngoài Kurosawa, văn hóa Nhật Bản cũng là cảm hứng cho Anderson trong phim mới. Dù có bối cảnh hiện đại với sự xuất hiện của robot và vũ khí tối tân, tác phẩm lại được kể theo lối chương hồi cổ điển, mở đầu với một truyền thuyết về samurai gợi yếu tố hoài niệm đan xen kỳ ảo về thời phong kiến ở Nhật. Những đặc trưng của nước này xuất hiện xuyên suốt phim như môn sumo, tiệm mì ramen, hoa anh đào… Trong đó, ấn tượng nhất là phân đoạn trống trận taiko và cảnh làm món sushi truyền thống. Các chi tiết về xã hội của Nhật cũng được đưa vào với chuyện kế thừa gia tộc, vai trò của băng đảng Yakuza hay sự tàn phá của thiên tai.
Wes Anderson từng sáu lần được đề cử Oscar, nổi tiếng với phong cách nghệ thuật xuyên suốt qua các phim. |
Isle of Dogs là phim hoạt hình theo phong cách stop-motion (được ghép từ hàng loạt bức ảnh tĩnh liên tiếp, trong đó mỗi chuyển động của nhân vật hay bối cảnh được điều chỉnh bằng tay). Wes Anderson từng gây được tiếng vang ở thể loại này với Fantastic Mr. Fox (2009) – bộ phim từng nhận được hai đề cử Oscar và đoạt nhiều giải thưởng khác. Cũng như tác phẩm này, Anderson phát triển phim mới bám sát những tập tính tự nhiên của loài vật. Khả năng dùng khứu giác, cách di chuyển, gầm gừ, những trận đánh theo kiểu quần nhau của loài chó được tái hiện trên màn ảnh duyên dáng và hài hước.
Có thời lượng 101 phút – tương đối dài với một phim stop-motion, Isle of Dogs là thành quả lớn của đội ngũ nghệ sĩ và kỹ thuật viên. Theo tạp chí Dazed Digital, phim được thực hiện bởi 670 người và được tạo nên từ hơn 130.000 bức ảnh tĩnh. Mỗi nhân vật được đội ngũ thiết kế chuẩn bị hàng chục hình mẫu khác nhau về mắt, miệng, tai… tương ứng với mỗi loại cảm xúc.
Bên cạnh đó, bối cảnh giàu chi tiết trải dài từ thành phố, làng mạc, bãi rác cũng được thể hiện tỉ mỉ. Phần âm nhạc của Isle of Dogs được Alexandre Desplat thực hiện – người vừa giành giải Oscar “Nhạc nền xuất sắc” với The Shape of Water. Ông kết hợp những nhạc cụ như trống taiko, sáo trúc, đôi khi là tiếng huýt sáo mang đến không khí vừa dồn dập vừa ma mị với âm hưởng Nhật Bản.
Ở Liên hoan phim Berlin năm nay, Wes Anderson được tôn vinh với giải “Đạo diễn xuất sắc” cho Isle of Dogs. Tác phẩm cũng được giới phê bình đánh giá cao với điểm 82/100 trên trang Metacritic. Phim giống như một làn gió mới cho làng phim hoạt hình năm nay với phong cách nghệ thuật đặc trưng, lối thể hiện khác lạ với các bom tấn được làm bằng đồ họa máy tính của Disney hay Universal. Tuy nhiên, với nội dung hơi nặng nề, tạo hình nhân vật nhiều vết thương, hơi dị dạng, đây không phải tác phẩm dành cho trẻ em. Ở cả Việt Nam và Mỹ, phim không dành cho khán giả dưới 13 tuổi.
Minh Dương
Theo VNExpress