Cựu võ sĩ MMA gốc Việt dành ba năm luyện võ, tập bắn súng, thử đóng cảnh mạo hiểm cho phim mới.
– Cơ duyên nào để anh về Việt Nam hợp tác cùng diễn viên Trương Ngọc Ánh?
– Là người gốc Việt sống ở Mỹ hơn 40 năm, tôi muốn làm một điều gì đó cho quê hương. Tôi đã tham gia nhiều phim của các hãng sản xuất lớn, hợp tác với ngôi sao Hollywood, học được cách làm việc của họ. Tôi và Trương Ngọc Ánh từng gặp nhau ở một liên hoan phim tại Mỹ. Cô ấy là người chuyên nghiệp, nhiều tâm huyết với phim ảnh.
Chúng tôi đều mong muốn làm một tác phẩm hành động Việt chất lượng không thua các phim quốc tế, từ đó, dự án The target – Mục tiêu chết hình thành. Tôi viết kịch bản kiêm đạo diễn võ thuật và đảm nhận vai nam chính cho phim. Theo tôi, những người làm phim ở châu Á chưa có một sự liên kết chặt chẽ. Với dự án làm cùng Trương Ngọc Ánh, tôi muốn phần nào thể hiện niềm tin: sự đoàn kết luôn tạo nên sức mạnh.
Diễn viên Trương Ngọc Ánh (trái) và Cung Lê. |
– Anh sẽ thể hiện vai trò đạo diễn võ thuật trong phim ra sao?
– Tôi tin êkíp thực hiện phim này là những người Việt Nam tài giỏi trên khắp thế giới. Tôi sử dụng nhiều đòn của các môn phái Việt Nam bên cạnh các đòn khác của đô vật. Bộ phim là cách tôi giới thiệu một phần võ thuật Việt với bạn bè quốc tế. Để những màn đánh đấm hấp dẫn, tất nhiên cần đến kỹ xảo một chút. Nhưng tôi trung thành với quan điểm phim hành động phải hành động thật sự, chứ không giả. Diễn viên đóng phim võ thuật phải là những người xả thân cho vai diễn, không dựa dẫm vào kỹ xảo. Để chuẩn bị vào nhân vật điệp viên trong The target – Mục tiêu chết, tôi mất ba năm luyện võ, tập bắn súng, thử đóng những cảnh mạo hiểm xem khả năng của mình ra sao.
– Anh đánh giá thế nào về dòng phim võ thuật Việt Nam?
– Tôi chỉ xem một ít, không xem nhiều và cũng chưa ấn tượng với dòng phim võ thuật trong nước. Tôi thấy những người làm phim hành động ở Việt Nam vẫn chưa có sáng tạo riêng, chưa học thêm cách làm thế nào để cho phim hành động của mình khác với Mỹ, Malaysia hay Trung Quốc. Những màn đánh đấm của phim trong nước chưa tạo được ấn tượng cho người xem.
– Đóng chung với nhiều ngôi sao hành động thế giới, anh có những kỷ niệm sâu sắc nào?
– Ở phim Thập Nguyệt Vi Thành (Bodyguards and Assassins), tôi với Chân Tử Đan mất hơn nửa tháng để hoàn thành cảnh đấu võ do Stephen Tung Wei đạo diễn với những chiêu thức tôi thấy không mới mẻ. Tôi liền đưa ra ý tưởng về một cảnh rượt đuổi, bay nhảy ngoạn mục. Stephen đồng ý và trao đổi thêm với tôi về ý tưởng này. Cuối cùng, tôi cùng Chân Tử Đan tạo ra một “Best action sequence” trong phim. Ở họp báo giới thiệu phim tại Thượng Hải, Chân Tử Đan gọi tôi là đối thủ mạnh nhất anh ấy từng gặp khi đóng phim hành động.
Được các ngôi sao hành động đánh giá cao, tôi thấy càng phải cố gắng thành công hơn nữa. Bởi tôi hiểu nhiều người sẽ nhìn vào tôi, hơn hết là nhìn vào một người Việt Nam để thấy chúng ta giỏi như thế nào.
Cựu võ sĩ MMA gốc Việt muốn giới thiệu võ thuật Việt Nam ra thế giới. |
– Một diễn viên hành động thường gặp những nguy hiểm gì?
– Lúc nào tôi cũng có thể bị thương, có khi chết cũng không chừng. Tuy nhiên, những diễn viên hành động luôn phải chuẩn bị phương án dự phòng, tâm lý để đón nhận điều xấu. Năm 2010, tôi từng gặp một tai nạn nghiêm trọng khi tham gia phim Tekken. Lúc đó tôi đang chuẩn bị một trận đấu thế giới và tạm thời không muốn quay thêm nhưng đoàn làm phim năn nỉ tôi quay trong vòng một tuần cho kịp tiến độ phim. Ngày quay cuối, tôi bị nam diễn viên đánh vô mặt, may 21 mũi quanh miệng. Tôi mất ba tuần mới có thể lành vết thương.
Dù có không khí khó khăn, tôi may mắn được gia đình hậu thuẫn, ủng hộ tôi trong việc đóng phim. Tôi cũng dạy con cái học võ từ nhỏ. Tôi muốn chúng có thể tự bảo vệ bản thân cũng như tiếp nối con đường của tôi. Tuy nhiên, nếu chúng không muốn tôi cũng không ép, tôi sẽ nuôi dưỡng chúng thành người tốt, thành công.
– Điều gì khiến anh bén duyên với võ thuật?
– Lúc tôi theo gia đình qua Mỹ định cư, tôi còn rất nhỏ, không biết tiếng Anh, bị các đứa trẻ lớn hơn bắt nạt. Năm lên 10, 12 tuổi, mẹ của tôi cho tôi đi tập Taekwondo để tự vệ. Dần dần, tôi yêu thích võ thuật và môn này gắn bó với tôi suốt quãng đời. Một ngày tôi dành hai giờ đồng hồ luyện võ, bị thương tật rất nhiều mới có được trình độ như mong muốn.
– Vì sao năm 2015, anh dừng thi đấu trên sàn võ ?
– Thường các đấu thủ tham gia trên sàn võ boxing chỉ nhận được 15% số tiền thực lãnh, 85% còn lại đều rơi vào tay những người tổ chức giải đấu. Sau này đi đóng phim, tôi vẫn có thể triển khai nhiều môn võ mà tôi học được như vật, tán thủ, Muay Thái, Taekwondo… Làm việc với những nhà đạo diễn, những ngôi sao hành động, tôi chủ động học những cái hay từ họ. Khi quay xong cảnh của tôi, tôi không bao giờ nghỉ ngơi mà vẫn ngồi với ê-kíp làm phim, đặt ra vô số những thắc mắc để họ trả lời. Cứ như vậy, tôi rút ra được nhiều bài học thực nghiệm từ một cảnh quay hoặc nhân vật mình hóa thân.
Tâm Giao
Theo VNExpress