Daniel Ek, CEO của ứng dụng nghe nhạc trực tuyến Spotify, rời đại học chỉ sau 8 tuần và hiện sở hữu khối tài sản hơn 2,5 tỷ USD.
Spotify là ứng dụng nghe nhạc trực tuyến đang phổ biến nhất thế giới hiện nay và chính thức có mặt tại Việt Nam tháng 3 vừa qua. Hiện Spotify là đối thủ lớn nhất của ứng dụng nghe nhạc trực tuyến đến từ các đại gia công nghệ khổng lồ như Apple, Amazon…. Theo thống kê, hiện Spotify chiếm 36% thị phần của các thuê bao trực tuyến (nhiều hơn so với các đối thủ) và theo một số nhà phân tích thì Spotify có thể tăng gấp đôi số thuê bao cao cấp (Premium) vào năm 2020.
Daniel Ek (sinh năm 1983), đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của ứng dụng nghe nhạc trực tuyến này, đã nhanh chóng góp mặt trong danh sách những tỷ phú công nghệ ở tuổi 35. Dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Spotify cung cấp cho người dùng một danh sách nhạc khổng lồ. Spotify được định giá hàng chục tỷ USD và hiện Ek đang nắm giữ khoảng 9% cổ phần, có giá trị gần 2,5 tỷ USD.
Daniel Ek, CEO của ứng dụng nghe nhạc trực tuyến Spotify – Ảnh: CNBC |
Thực tế cái tên Ek không còn xa lạ gì với nhiều người Thụy Điển khi anh khá nổi tiếng, tự lập từ rất sớm và gặt hái được nhiều thành công. Daniel Ek tự học lập trình ở tuổi thiếu niên và bắt đầu hoạt động kinh doanh khi chỉ mới 14 tuổi.
Cùng với sự bùng nổ của công nghệ và internet vào những năm cuối thập niên 1990, Ek đã nhanh chóng bắt tay vào thiết kế website cho các công ty. Đồng thời Ek thường xuyên dành thời gian làm việc trong phòng máy vi tính của trường trung học hoặc tại nhà ở ngoại ô Stockholm để nghiên cứu thêm về công nghệ. Đầu tiên, Ek thiết kế website cho bạn bè và các công ty địa phương. Chỉ vài một tháng, Ek kiếm được 50.000 USD từ các công ty địa phương và đây là một con số không nhỏ thời điểm đó.
Mới 16 tuổi Ek thậm chí đã kiếm được nhiều tiền hơn bố mình. Ek bắt đầu tuyển dụng các lập trình viên và quản lý một nhóm gồm 25 kỹ sư tài năng khi mới 18 tuổi. Năm 2002, Ek tốt nghiệp trung học và quyết định vào học tại Học viện Công nghệ Hoàng gia Thuỵ Điển để nghiên cứu thêm về công nghệ và kỹ thuật. Tuy nhiên, Ek nhanh chóng rời khỏi trường chỉ sau 8 tuần nhập học và tìm việc làm tại các công ty công nghệ. Ek từng làm việc cho trang thương mại điện tử nổi tiếng Thụy Điển là Tradera, sau này được eBay mua lại. Anh cũng từng giữ vị trí giám đốc công nghệ của Công ty Game Stardoll.
Sau đó, Ek đã tự thành lập công ty tiếp thị trực tuyến với tên gọi Advertigo. Năm 2006, Ek đã bán công ty này cho TradeDoubler với giá khoảng 1,25 triệu USD. Lúc này anh chỉ mới 23 tuổi và đã sở hữu khối tài sản hàng triệu USD.
Cũng vào khoảng thời gian này, Ek bắt đầu trò chuyện qua mạng với người sáng lập Napster, đồng thời cũng là nhà đầu tư vào Spotify là Sean Parker. Năm 2009, Ek và Parker quyết định gặp mặt, sau khi Sean Parker gửi cho Ek một email khen ngợi ứng dụng Spotify. Cuộc gặp giúp họ phát hiện ra họ chính là những người đã dành hàng giờ để trò chuyện trên mạng với nhau khi còn là những cậu thiếu niên.
CEO Spotify không hề kể cho bố mẹ biết gì về hoạt động kinh doanh và số tiền anh kiếm được. Họ chỉ biết khi nhìn thấy trong nhà có rất nhiều các trò chơi điện tử và những cây guitar đắt tiền. Thành công đến quá sớm khiến Ek tìm đến cuộc sống hưởng lạc như bao thanh niên khác. Anh mua một căn hộ sang trọng ở giữa thủ đô Stockholm, cùng chiếc Ferrari màu đỏ thời thượng và thường xuyên tụ tập bạn bè tại các câu lạc bộ đêm. Dần dần Ek cảm thấy chán ngán những bữa tiệc đêm và cuộc sống tẻ nhạt hiện tại. Năm 2014, trên The New Yorker, Ek nói rằng “Tôi nhận ra rằng những cô gái tôi ở cùng không phải là những người tốt” và “Không ai dạy bạn phải làm gì sau khi bạn đã độc lập về tài chính”.
Ek nhận ra rằng tiền bạc và hưởng thụ không hề quan trọng đối với anh, điều anh quan tâm nhất vẫn là làm việc và theo đuổi đam mê. Ek nói rằng: “Tôi bắt đầu suy nghĩ về những gì thực sự quan trọng đối với tôi, và tôi nhận ra rằng có hai điều quan trọng nhất trong cuộc sống của tôi đó là âm nhạc và công nghệ”.
Chính điều này đã thôi thúc Ek sáng lập nên Spotify cùng với Martin Lorentzon, người đồng sáng lập TradeDoubler. Họ sử dụng Napster làm nguồn cảm hứng, trong khi tìm cách tránh các vấn đề pháp lý liên quan đến vi phạm bản quyền bằng công nghệ streaming, đồng thời bảo đảm các thoả thuận cấp phép với các công ty thu âm.
Sean Parker (trái) và Daniel Ek năm 2011 – Ảnh: CNBC |
Dịch vụ nghe nhạc trực tuyến này đã chính thức ra mắt người dùng tại châu Âu vào tháng 10/2008. Trước đó Ek đã dành hơn hai năm để phát triển dịch vụ, thuyết phục các hãng thu âm và các nghệ sĩ tham gia vào Spotify. Trước năm 2011, Spotify gặp không ít khó khăn trong việc có được giấy phép âm nhạc quốc tế tại Mỹ. Tiếp theo đó là hàng loạt những trở ngại như: Tranh chấp với các hãng thu âm lớn, đối mặt với các đối thủ lớn như Apple, các cuộc tẩy chay và chỉ trích từ các nhạc sĩ kiêm ca sĩ nổi tiếng, trong đó tiêu biểu là Taylor Swift.
Hiện nay, ứng dụng nghe nhạc trực tuyến Spotify có mặt ở khắp mọi nơi và đạt gần 160 triệu người dùng hằng tháng, bao gồm 71 triệu thuê bao cao cấp. Năm 2017 doanh thu của Spotify đạt được khoảng 5 tỷ USD và Ek nhanh chóng gia nhập vào hàng ngũ những tỷ phú công nghệ thế giới.
Thành công của Spotify rất đáng kinh ngạc nhưng Ek vẫn luôn giữ thái độ khiêm tốn, anh cho biết Spotify vẫn còn “trong những ngày đầu” và còn cả chặng đường dài phía trước.
Thảo Nguyên (Theo CNBC)
Theo Ngôi Sao