Hương vị Tết Việt bao gồm quần áo mới, tiền mới, những lời chúc mừng năm mới và các món ăn ngon truyền thống để cả gia đình cùng thưởng thức sau 1 năm làm việc vất vả.

Khi xa quê hương, vào những ngày sắp tết, người Việt nhớ tết là nhớ đến các món gia đình thường nấu trong ngày tết như món thịt đông, thịt kho nước dừa, bánh chưng, bánh tét, các món mứt ngọt lịm, thơm ngon,… Về nhà ăn tết, sự tinh tế khi chuẩn bị các món ăn ngày tết còn giúp tránh những rắc rối về sức khỏe sau dịp đoàn viên.

Món ăn ngày Tết khác ngày thường

Ngoài hương vị đậm đà để tạo cho người ăn nỗi thương nhớ quê nhà mỗi dịp xuân về, món ăn ngày Tết còn được chế biến nhằm đáp ứng với cách sinh hoạt khác biệt so với ngày bình thường. Ngày Tết không có họp chợ, ngày tết phải ăn no để đi chơi không bị đói, ngày Tết là dịp để khoe tài nấu ăn của các bà, các cô; ngày Tết món ăn phải để được lâu (không dễ bị ôi thiu, nấm mốc,..). Chính những tiêu chí này đã tạo nên các nét riêng của món ăn ngày tết là giàu năng lượng, nhiều chất béo, nhiều muối, nhiều đường, nhiều đạm động vật, ít rau và trái cây.

Giữ sức khỏe trong ngày Tết

Để tránh được những rắc rối về sức khỏe trong dịp Tết (đặc biệt là tình trạng tăng cân không kiểm soát, tăng huyết áp, tăng đường huyết phải đi cấp cứu,…), bạn hãy thực hiện tốt những khuyến nghị sau đây trong bữa ăn ngày Tết:

Ăn Tết tinh tế và khoa học

• Món thịt kho nước dừa

Do sự chênh lệch khá nhiều về năng lượng của 100g thịt đùi (394 Kcal) – thịt ba rọi (260 Kcal) – thịt heo nạc (139 Kcal) nên chỉ cần chuyển đổi 2/3 khối lượng thịt trong nồi kho là thịt heo nạc là đã giảm được 200 Kcal cho mỗi phần ăn.

Ví dụ: Bạn dự định sẽ kho 3kg thịt heo trong dịp tết này, hãy mua 2kg thịt nạc và 1kg thịt đùi (hoặc thịt ba rọi) nhé.

Để có thể ăn thêm nhiều món

khác, bạn chỉ nên ăn 1/4 trứng vịt hoặc 2 trứng cút và hãy thêm măng khô vào nồi thịt kho hoặc ăn món thịt kho với dưa giá, kim chi, dưa cải chua.

• Món thịt nấu đông

Nguyên liệu khi thực hiện món này cho 10 người ăn thường được sử dụng như sau: giò heo: 1kg, da heo: 100g hoặc 200g hoặc 300g, tùy theo từng gia đình (100g da heo cung cấp 118 Kcal), đậu Hòa Lan: 50g (cung cấp 160 Kcal), cà rốt: 100g (cung cấp 78 Kcal), nước mắm: 15 ml, rau câu khô: 10g, được dùng nếu chỉ sử dụng 100g da heo (10g rau câu khô cung cấp 20 Kcal).

Bạn nên thực hiện món thịt nấu đông với công thức 100g da heo kèm 10g rau câu khô, chỉ dùng 25g đậu Hòa lan, 50g cà rốt, như thế sẽ giảm được 40 Kcal cho 1 phần ăn.

• Bánh chưng

Nguyên liệu dùng để làm 2 bánh chưng vuông có cạnh 15cm: nếp: 750g, đậu xanh: 400g, thịt nạc: 200g, thịt mỡ: 100g.

Với thành phần nguyên liệu này một bánh chưng cung cấp 2.500 Kcal.

Năng lượng cung cấp từ 1/6 cái

bánh chưng là 416 Kcal tương ứng với 2 chén cơm, nếu ăn bánh chưng thì bạn đừng ăn thêm cơm.

• Lạp xưởng, giò lụa, giò bò, giò thủ lợn

Đây là những thực phẩm không thể thiếu trên mâm cơm ngày Tết, vì vậy, bạn hãy chọn hoặc chả lụa hoặc chả bò, nếu có giò thủ thì không dọn thêm lạp xưởng, tất cả đều xắt miếng nhỏ, lạp xưởng xắt miếng thật mỏng.

• Mứt

Hãy chọn những loại mứt ít năng lượng, đối với những loại mứt có năng lượng cao thì chọn mứt được chế biến có kích thước nhỏ, ví dụ: chọn mứt bí tăm thay cho mứt bí miếng lớn, chọn mứt dừa sợi thay cho mứt dừa miếng lớn.

• Rau và trái cây

Là nhóm thực phẩm cần được bổ sung trong bữa ăn ngày tết càng nhiều càng tốt nhằm cung cấp đủ vitamin, khoáng chất cho cơ thể.

• Nước giải khát

Nên sử dụng nước trà để tiếp khách vừa thanh tao vừa giảm năng lượng vào cơ thể. Nếu dùng nước ngọt hoặc bia hãy chia 1 lon cho 3 người. Thỉnh thoảng uống rượu, bạn hãy dùng ly rất nhỏ để dễ dàng kiểm soát số lượng uống vào.

BS CKI Nguyễn Thị Ngọc Hương

Theo khoe24h.vn

BÌNH LUẬN