Các chương trình kết nối, xúc tiến thương mại và đầu tư thời gian qua cho thấy, các DN Nhật Bản ngày càng quan tâm tìm kiếm các nhà cung cấp Việt Nam thuộc nhiều ngành hàng như: Tiêu dùng, nông sản thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ.

Khảo sát gần đây của Tổ chức xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho thấy, DN Nhật Bản đánh giá các DN nội địa đóng vai trò quan trọng nhất trong việc tăng tỷ lệ cung ứng sản phẩm, song các DN Nhật Bản cũng băn khoăn làm thế nào để tăng tỷ lệ cung ứng sản phẩm nội địa nhằm giảm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian giao hàng và phân tán rủi ro cho DN.

Thiết lập hệ thống kinh doanh với thị trường Việt Nam từ năm 2016, Tâp đoàn Kohnan (Nhật Bản) đang kết nối với các nhà sản xuất Việt Nam cung cấp các mặt hàng gia dụng, đồ nội thất tự lắp đặt, các dòng sản phẩm mới như đồ dùng trong ngôi nhà thông minh, ổ khóa và hệ thống thiết bị số… để bán trong hệ thống Home Center Kohnan ở Nhật.

doanh nghiep nhat ban ket noi voi cac nha san xuat viet nam
DN Nhật Bản tìm kiếm các đối tác tại Việt Nam

Theo ông Yakimoto Koji – Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, cùng với việc mở rộng bán hàng, kênh phân phối tại thị trường Việt Nam, một số DN Nhật Bản có nhu cầu tìm đối tác là các nhà sản xuất hàng hóa XK của Việt Nam để kết nối đưa hàng hóa Việt Nam sang Nhật, nhất là hàng thực phẩm, nông sản, nội thất…

Ông Yuichiro Shiotani – Tổng giám đốc Công ty TNHH AEON Topvalu Việt Nam – nhận xét: Giá cả hàng hóa, chất lượng đồng đều, đảm bảo các yêu cầu quy chuẩn sản xuất là yếu tố quan trọng để các DN Việt có thể trở thành nhà cung cấp ở rất nhiều ngành hàng mà thị trường và DN Nhật đang có nhu cầu.

Ông Yakimoto Koji cho biết, cơ bản các yêu cầu để DN Việt có thể trở thành nhà cung ứng lâu dài cho DN Nhật Bản là chất lượng, giao hàng kịp thời; đảm bảo công nghệ sản xuất và quy chuẩn sản phẩm. Đánh giá về nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp nông sản tại Việt Nam cho thị trường Nhật, ông Yuichiro Shiotani cho rằng, nếu đầu tư bài bản, tuân thủ quy trình sản xuất, sản phẩm không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật… thì hàng hóa của DN Việt hoàn toàn có ưu thế. Ngoài ra, DN cần lưu ý tới kênh phân phối, đầu tư vào giống, công nghệ sản xuất, bao bì, nhãn mác, bảo quản…, đây là những yếu tố tác động trực tiếp đến tính cạnh tranh của hàng hóa.

Với ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí điện TP. Hồ Chí Minh – cho rằng, các nhà cung cấp Việt chủ yếu làm cung ứng cho ngành xe máy nhưng chuyển sang điện tử thì yêu cầu khác hẳn, muốn bán hàng phải vừa rẻ, quy chuẩn cao, đáp ứng mọi sự thay đổi của khách hàng vì thiết bị điện tử thay đổi rất nhanh, đây là thách thức rất lớn cho DN Việt.

Để cải thiện năng lực cung ứng cho DN Việt, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã thực hiện chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất. Theo ông Ide Takamichi – chuyên gia JICA, chương trình hỗ trợ này giúp DN Việt, nhất là DN vừa và nhỏ giải quyết các vấn đề đặc thù trong lĩnh vực sản xuất như lên kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, giúp DN nâng cao năng suất, tính toán giảm hàng tồn kho, phát triển công nghệ…

Thanh Thanh

Theo Congthuong.vn

BÌNH LUẬN