Để khách tự chọn đồ, tự giác trả tiền, những cửa hàng này khiến rất nhiều người thích thú và ấm lòng vì sự tin tưởng giữa người với nhau.
Sẽ có nhiều người bất ngờ và nghi ngại khi trong thời đại ngày nay, vẫn còn nhiều người đặt lòng tin tốt đẹp vào xã hội, dám đánh đổi lợi nhuận của cửa hàng để nhận được sự trung thực của khách hàng. Đây không chỉ đơn thuần là một cách học hỏi theo mô hình kinh doanh của Nhật Bản, mà chính là sự tin tưởng giữa con người với con người.
Cửa hàng không người bán, khách tự trả tiền ở Hà Nội
Cửa hàng này nằm trên phố Liễu Giai (Hà Nội) chuyên bán nước uống, kem và chocolate tươi. Thế nhưng, điều khiến cửa hàng nho nhỏ này khiến mọi người ‘phát sốt’ chính là cách thức bán hàng. Không có nhân viên bán hàng, không có người giám sát, tất cả việc mua, bán, thanh toán tiền đều dựa vào sự trung thực của khách hàng.
Khách hàng đến đây chỉ việc bấm chuông, mở cửa và tự ý lựa chọn mặt hàng. Sau đó, khách mang sản phẩm đến bàn thanh toán, tự dùng máy quét mã tính tiền, in hóa đơn và tự bỏ tiền vào một chiếc thùng gỗ được đặt cạnh đó.
Cửa hàng không người bán ở Hải Phòng
Tương tự với cửa hàng ở Hà Nội, cửa hàng chuyên bán socola, kem tươi và trà sữa sạch tại phố Minh Khai (quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) cũng sử dụng mô hình ‘không người bán’, khách đến tự chọn đồ và tự trả tiền.
Sau khi chọn món đồ mình cần, khách hàng sẽ ra bàn đặt máy tính đăng ký một tài khoản bằng cách điền số điện thoại rồi dùng máy quét mã vạch trên sản phẩm đã chọn. Một hóa đơn được in ra, khách hàng cho hóa đơn và tiền vào túi có sẵn rồi bỏ vào thùng.
Quán trà Đà Lạt để khách tự mua, tự trả tiền khi chủ đi vắng
Hình ảnh về tấm biển thông báo đầy sự tin tưởng của người chủ quán trà nho nhỏ mang tên ‘Quán của thời thanh xuân’ tại Đà Lạt đang thực sự gây sốt cộng đồng mạng suốt những ngày qua. Theo đó, chủ và nhân viên của quán đều đi vắng, nhưng vẫn mở cửa quán và để lại lời nhắn cho khách hàng có thể tự lấy đồ và để tiền vào hộp.
Đây không chỉ là một cửa hàng kinh doanh, mà còn là một ngôi nhà đầy ắp tình thương và tiếng cười của ‘người điếc’ và ‘người nói’.
Nhân viên gồm một số bạn câm điếc. Những bạn có khiếm khuyết không chỉ được làm việc, tôn trọng mà còn được trải nghiệm, sống tự tin và mạnh dạn thể hiện khả năng của mình. Được biết, đây là một dự án cộng đồng do anh Võ Thành Luân và những người bạn lập nên.
Quán net để game thủ tự giác trả tiền
Một thời gian trước, nhiều cư dân mạng cđược dip xôn xao về hình ảnh tờ giấy nội quy ‘tự giác trả tiền’ của một quán net. Không biết địa chỉ chính xác ở đâu, nhưng chủ quán net hẳn là một người rất táo bạo khi chấp nhận kinh doanh dựa trên tinh thần tự giác và thật thà của các game thủ.
Tuy nhiên, không phải hình thức kinh doanh nào cũng phù hợp với kiểu bán hàng tự giác này. Mô hình quán nét có thể nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp hơn các cửa hàng bách hóa. Mặc dù là có camera giám sát, nhưng rõ ràng là khá nhiều game thủ không có ý thức cao thì vẫn có thể tìm được những góc khuất để gian lận. Chưa kể là việc hư hại máy móc, thiết bị và vấn nạn trộm cắp sẽ không thể kiểm soát nổi nếu quán net đi theo mô hình tự do này.
Mặc dù, mô hình bán lợi nhuận mua sự trung thực này chỉ đang như muối bỏ biển giữa thời đại con người đang đánh mất niềm tin ở nhau vì những cá thể xấu. Tuy nhiên, nó lại chính là điểm sáng để giúp cho những phần tốt của con người trỗi dậy, nó khiến những người đi trái với niềm tin cũng phải biết xấu hổ vì hành động của mình. Và hơn tất cả là một thông điệp giá trị: Sống hãy có niềm tin.