Trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence) sẽ phụ giúp các bác sĩ chăm sóc bạn trong một tương lai không xa.

Thử tưởng tượng rằng bạn đang kẹt trên giường bệnh sau một ca phẫu thuật thành công. Bạn thậm chí còn không thể tự kéo rèm che cửa mà phải nhờ tới sự giúp đỡ của y tá, và bạn có thể quên luôn chuyện yêu cầu một chiếc chăn mỏng để đắp cho đỡ lạnh hay được thông báo chi tiết giờ thăm nom của người thân, khi mà mọi nhân sự của bệnh viện đều đang bận rộn với những vấn đề cấp bách hơn.

Bạn cảm thấy thật bất lực, đúng không?

Nhưng sẽ ra sao nếu bạn có thể tự làm được những việc trên chỉ bằng giọng nói của mình? Lập tức mở rèm cửa cho ánh nắng tràn vào phòng, tìm hiểu thêm về chuyên môn của bác sĩ đang chữa bệnh cho bạn hay chỉ đơn thuần là tăng nhiệt độ phòng lên một chút. Nghe rất tuyệt phải không? Tất cả những gì bạn cần là một trợ lý giọng nói số luôn túc trực và lắng nghe mọi yêu cầu của bạn, sau đó gửi những câu hỏi của bạn lên Internet và giúp bạn trả lời hoặc thực hiện những tác vụ nhất định.

Tiếc rằng, bạn chưa thể làm việc đó ngay bây giờ với “dàn sao” trợ lý ảo thông minh tới từ các ông lớn như Siri của Apple, Alexa của Amazon hay Google Assistant của Google, vì những AI này chưa đáp ứng được các yêu cầu về sự riêng tư cũng như bảo mật tại các bệnh viện.

Ông Bret Greenstein, Phó chủ tịch của nền tảng IBM’s Watson Internet of Things, cho biết các nhân viên y tế dành ra đến gần 10% thời gian của họ với bệnh nhân chỉ để giải đáp những thắc mắc về bữa trưa, chứng nhận bác sĩ hay giờ thăm nom. Nếu một chiếc loa thông minh có thể giúp bệnh nhân trả lời những câu hỏi như vậy, các bác sĩ và y tá sẽ có thêm thời gian để chăm sóc sức khỏe bệnh nhân.

Ông Bret Greenstein tin rằng AI là tương lai của ngành Y tế.

Đó là lý do tại sao Bệnh viện trường Đại học Thomas Jefferson tại bang Philadelphia đã quyết định hợp tác với hãng âm thanh khổng lồ Harman cùng công nghệ trí thông minh nhân tạo Watson của IBM. Họ cùng nhau phát triển được những bộ loa thông minh có khả năng đáp ứng được khoảng một tá các lệnh khác nhau. Chẳng hạn, khi một bệnh nhân nói “Watson”, bộ loa có thể chơi một đoạn nhạc êm đềm và điều chỉnh độ sáng, nhiệt trong phòng cũng như rèm cửa.

Bệnh viện Jefferson tại bang Philadelphia của Mỹ

Watson ơi, bật đèn lên!

Bệnh viện Jefferson cũng thử nghiệm với chiếc loa Echo nổi tiếng tới từ Amazon, nhưng sau đó đã nhận thấy rằng bệnh viện không thể đồng thời kiểm soát nhiều bộ loa trên cùng một hệ thống quản lý. Hơn nữa, chiếc Echo không thể truy cập vào mạng lưới Wi-Fi bảo mật của bệnh viện và nó không có những “kỹ năng”, hay chính xác hơn là chức năng thích hợp để sử dụng trong môi trường y tế.

Vậy nên vào cuối năm ngoái, Bệnh viện Jefferson đã tiến hành thử nghiệm 5 mẫu loa Harman tạo ra, sử dụng vỏ bọc bên ngoài của một chiếc loa hình trụ JBL thông thường, nhưng với các linh kiện bên trong được thiết kế riêng cho trí thông minh nhân tạo.

Lần thử nghiệm đầu tiên được thực hiện trên hai mẫu loa. Một chiếc đòi hỏi bệnh nhân phải nhấn nút trước để đánh thức thiết bị, loại bỏ nỗi lo microphone phải liên tục nghe. Chiếc còn lại sẽ bật khi người dùng nói “Watson”, tên của công nghệ AI đến từ IBM đã đạt giải nhất trị giá 1 triệu USD trên “Jeopardy” vào năm 2011.

“Việc bấm nút tạo cho người sử dụng cảm giác riêng tư, nhưng đồng thời cũng khiến họ phát bực khi phải liên tục bấm nút mỗi lần muốn sử dụng loa,” ông Greenstein cho hay.

Chiếc loa mới nhất của Harman, giờ đây được lắp đặt vào bên trong một chiếc đồng hồ radio tròn JBL, chỉ dựa trên lệnh bằng giọng nói để kích hoạt. Bệnh viện đang thử nghiệm khoảng 40 chiếc loa mới này, tạo điều kiện cho IBM và Harman tùy chỉnh mọi thứ cần thiết trong quá trình thử nghiệm. Những chiếc loa này còn liên kết với hệ thống quản lý trang thiết bị tự động của bệnh viện, cho phép các quản trị viên điều khiển mọi thứ như nhiệt độ, điều hòa và độ sáng phòng trực tuyến. Đó là sự tiện lợi dành cho tất cả mọi người.

Mẫu loa tròn mới nhất của Harman mang trong mình công nghệ thông minh từ IBM cho phép kích hoạt bằng giọng nói

Cùng lúc, Bệnh viện Jefferson cùng với Harman và IBM đang làm việc cùng nhau để tích hợp những lệnh phức tạp hơn vào sản phẩm, tiến xa hơn những tác vụ đơn giản. Tiềm năng trong lĩnh vực này là rất đáng để tâm. Có thể trong tương lai Watson sẽ “theo đuôi” bạn về tận nhà để chắc chắn rằng bạn vẫn uống thuốc đầy đủ, hay nhắc bạn ra ngoài đi dạo để chóng bình phục chẳng hạn?

Công Minh (theo Cnet)

BÌNH LUẬN