Trang tin Futuretimeline.net (FN) của Mỹ số ngày 2-6 cho biết, Kính thiên văn lớn châu Âu (ELT) chính thức được khởi công xây dựng, sẽ được đưa vào hoạt động từ năm 2024.

 

Theo FN, đây là kính thiên văn quang học và hồng ngoại, thuộc đẳng cấp ‘siêu’, lớn nhất châu Âu từ trước tới nay, có diện tích gom ánh sáng lớn 256 lần, độ nét hình ảnh cao 16 lần so với  Kính viễn vọng không gian Hubble, công trình hiện đang giữ kỷ lục về lĩnh vực này.

ELT được ví như “con mắt” khổng lồ của loài người hướng về bầu trời

Buổi lễ động thổ được tổ chức tại Đài quan sát Paranal thuộc Đài thiên văn Nam Âu (ESO), miền bắc Chile, kề cạnh ELT. Đây là mốc son quan trọng đánh dấu kỷ nguyên mới trong lĩnh vực thiên văn học của nhân loại. Trong buổi lễ động thổ, Tổng thống Chile, Michelle Bachelet Jeria đã chính thức đặt viên đá nền, phát lệnh khởi công xây dựng dự án.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Chile nhấn mạnh: “Với việc động thổ mang tính tượng trưng, nhân loại sẽ tạo ra một công trình vĩ đại có một không hai trong những năm đầu thế kỷ XXI. Một trong những biểu hiện lớn nhất về khả năng khoa học, công nghệ cũng như tiềm năng phi thường trong lĩnh vực hợp tác quốc tế”.

Đáp lời, Tim de Zeeuw, Tổng giám đốc ESO đã cảm ơn chính phủ Chile đã ủng hộ dự án và cho rằng ELT sẽ tạo ra những cảm hứng mới cho nhân loại, mang lại lợi ích to lớn cho các nước thành viên ESO, Chile và cho phần còn lại của thế giới.

ELT là kính viễn vọng quang phổ/hồng ngoại cực lớn, gồm 5 gương, gương chính có đường kính 39 m, được đặt trong một nhà vòm quay khổng lồ 85 m, tương đương với một sân bóng.

Hệ thống thiên văn nặng 3.000 tấn có thể quay tròn 360 độ. Mặt bằng xây dựng ELT được Chile hiến tặng, bao quanh là những vùng đất rộng, được bảo vệ chống nhiễu, chống can thiệp từ bên ngoài. Với dự án này, đưa Chile trở thành thủ đô thiên văn của thế giới…

ELT so với các loại kính thiên văn dạng vòm hiện có

ELT được trang bị nhiều công cụ hiện đại, cho phép các nhà thiên văn học thăm dò giai đoạn sớm nhất của sự hình thành các hệ thống hành tinh, phát hiện các phân tử nước và các phân tử hữu cơ bên trong các đĩa hành tinh bao quanh các ngôi sao trong quá trình phát triển. Hy  vọng  ELT sẽ trả lời những câu hỏi cơ bản liên quan đến sự hình thành và tiến hóa của các hành tinh. Ngoài ra, bằng cách quan  sát các vật thể xa nhất, ELT sẽ cung cấp những đầu mối giúp chúng ta hiểu sâu hơn sự hình thành cũng như mối liên quan của các vật thể xuất hiện đầu tiên trong vũ trụ, đó là các ngôi sao, các thiên hà và các hố đen nguyên thủy.

Một trong những mục tiêu đầy tham vọng của ELT là thực hiện một phép đo trực tiếp sự gia tốc mở rộng của vũ trụ. Điều này giúp khoa học  hiểu cặn kẽ hơn về vũ trụ bao la cũng như biến thiên của các hằng số vật lý cơ bản, các định luật chung về vật lý. Xa hơn, ELT có thể trả lời những câu hỏi hoàn toàn mới lạ mà hiện tại con người chưa thể hình dung hết nhằm cải thiện, nâng cao cuộc sống trên trái đất thông qua những công nghệ và đột phá về kỹ thuật do dự án ELT mang lại.

Nội thất bên trong của kính thiên văn ELT
KHẮC NAM(Theo Futuretimeline.net-6/2017)

BÌNH LUẬN