Là một tác phẩm “parody”, nhưng “Tấm Cám – Chuyện Huỳnh Lập kể” được đầu tư hơn 2 tỉ đồng, với nhiều tình huống sáng tạo bất ngờ.
Tấm Cám – Chuyện chưa kể là một dự án điện ảnh “khủng” năm vừa rồi do Ngô Thanh Vân chỉ đạo. Bộ phim đã “chiếm lĩnh” truyền thông, dư luận từ khi chưa công chiếu với chiến lược quảng bá bài bản. Câu chuyện tranh cãi quanh chất lượng của Tấm Cám – Chuyện chưa kể đã được nhắc nhiều, nhưng không ai có thể phủ nhận sức hút của bộ phim này. Ngoài cái tên và những vụ lùm xùm thì chính những hình ảnh của phim đã trở thành một thứ rất đặc thù trong làng điện ảnh Việt.
Có lẽ đó cũng chính là lý do để Huỳnh Lập khởi xướng dự án Tấm Cám – Chuyện Huỳnh Lập kể. Với lợi thế là một diễn viên hài có mảng miếng, cộng với kinh nghiệm đồng đạo diễn phim điện ảnh Sài Gòn, Anh yêu em, không khó để nhìn ra tham vọng của Huỳnh Lập trong dự án nhìn-là-thấy-tốn-kém này, chính là chứng minh khả năng sáng tạo.
Thật vậy, phiên bản “parody” (những tác phẩm bắt chước theo kiểu hài hước) của Huỳnh Lập có những mảng miếng rất thú vị, những bất ngờ mang đậm chất Huỳnh Lập, vượt thoát khỏi câu chuyện vẫn còn trong khuôn khổ của Tấm Cám – Chuyện chưa kể. Nhiều khán giả trong suất chiếu đặc biệt tại rạp đã vỗ tay không ngừng cũng như dành tặng những lời khen cho phần sáng tạo mà Huỳnh Lập dụng công. “Đây mới là chuyện chưa kể”, có người đã không tiếc lời khen.
Đúng như phong cách thường thấy của thể loại parody, Tấm Cám – Chuyện Huỳnh Lập kể bám theo cốt truyện của bản phim gốc (tức Tấm Cám – Chuyện chưa kể) nhưng với phong cách chủ đạo là hài hước, hài trong mọi tình huống. Có những nhân vật mới được thêm vào, thực chất chẳng có ý nghĩa gì lớn lao, nhưng là để phụ trợ cho những tiếng cười mà người xem khó lòng mường tượng được.
Ví dụ như nhân vật cô thôn nữ đi lạc của Lê Nhân, sự xuất hiện “bá đạo” của nhân vật này tạo ra những tràng cười không ngớt, thỏa mãn được những gì người xem trông chờ ở một phiên bản parody. Hay như cách biên kịch (cũng chính là Huỳnh Lập) bẻ cong những chi tiết hiển nhiên trong bản gốc để từ từ xoay chuyển câu chuyện về sau cũng thế. Việc 3 mẹ con của Lọ Lem xuất hiện tại buổi thử hài là một ví dụ khác của cách suy nghĩ vượt ra ngoài những khuôn khổ và đặc biệt là hiểu được khán giả đang cần gì.
Nhưng điểm khiến Tấm Cám – Chuyện Huỳnh Lập kể thực sự “thông minh” chính là phân đoạn ngã-cây-huyền-thoại của Tấm. Phân đoạn này từng được mang ra làm trò cười, ảnh chế khắp nơi khi vừa công chiếu bởi nét mặt lạ kì của Tấm khi bị sát hại. Huỳnh Lập đã chớp ngay mấu chốt đó và “chỉnh sửa” theo lối thậm xưng và còn rẽ hướng luôn câu chuyện ở đoạn then chốt này. Việc này đã thể hiện sự sáng tạo cũng như cảm quan nghệ thuật của Huỳnh Lập rất nhạy bén, anh hoàn toàn có thể trở thành một biên kịch tốt sau này.
Ở phần cuối, câu chuyện mang một màu sắc khác và tập trung nhiều vào nhân vật dì ghẻ. Không khí phim cũng trở nên nghiêm túc và phảng phất một sự buồn bã, như khi xem Maleficent của Angelina Jolie. Điều này vừa là điểm cộng mà cũng vừa là điểm trừ cho tác phẩm.
Điểm cộng vì nó tiếp tục chứng tỏ sự nhạy bén và thức thời trong cách Huỳnh Lập xử lý kịch bản. Hẳn là người xem sẽ cảm thấy nhiều suy nghĩ khi xem phân đoạn “đấu tố kết tội” trong phần cuối, khi mà mỗi người chúng ta đều mang trong mình những định kiến và trở thành một quan tòa.
Nhưng đồng thời chính sự nghiêm túc này lại khiến phim bị lạc tông. Nên nhớ, bản thân Tấm Cám – Chuyện Huỳnh Lập kể vẫn là một tác phẩm parody, chứ không phải một phim điện ảnh hoàn chỉnh. Dù cho hình ảnh, âm nhạc, phục trang, bối cảnh có chỉn chu đến thế nào đi nữa thì việc bộ phim sa đà vào cảm giác chính kịch, thậm chí bi kịch là không cần thiết. Tâm thế của khán giả khi xem Tấm Cám – Chuyện Huỳnh Lập kể vẫn nên là xem một tiểu phẩm hài ăn theo chứ không nên là một tác phẩm điện ảnh nghiêm túc nhưng làm chưa tới.
Có lẽ đây cũng là vì Huỳnh Lập hơi tham, cũng như anh tâm sự đã lao vào dự án này quyết liệt và không dừng lại được. Bộ phim được đội chi phí lên hơn 2 tỉ đồng trong đó có 500 triệu tiền túi và hơn một tỉ do may mắn xin được tài trợ vào phút cuối. Về hình thức thì không cần bàn cãi, bộ phim hoàn toàn có thể khiến người ta nghĩ rằng đây là phim điện ảnh chiếu rạp bởi hình ảnh quá sức hoành tráng.
Những bộ trang phục nhìn qua còn tưởng là mượn từ đoàn phim của Ngô Thanh Vân nhưng thực chất là do ekip tự bỏ tiền ra may. “Lập cảm thấy mình được khán giả dành nhiều tình cảm nên từ đầu bộ phim này đã được thực hiện chỉ để cảm ơn khán giả, chỉ chiếu trên Youtube để bù lại cho quãng thời gian Lập tham gia nhiều ở các gameshow” – Huỳnh Lập chia sẻ.
Một số khách mời đến dự buổi ra mắt vào chiều nay:
Tấm Cám – Chuyện Huỳnh Lập kể đã được đăng tải trọn vẹn trên Yotube với thời lượng 80 phút, chia làm 3 phần.
Theo kenh14.vn