Chú gà trống trên tháp chuông nhà thờ Chính tòa Đà Lạt như lời chúc lành mỗi ngày được gửi đến với cư dân sống trong thành phố sương mù. Hơn thế, đỉnh cao ngôi thánh đường lại truyền đi một thông điệp khai minh…

Đã nhiều lần được tắm trong dòng thác thanh âm tuyệt vời của thánh ca trong thánh đường đó, vào những chiều cuối tuần, sáng Chủ nhật, lễ Phục sinh, đêm Giáng sinh… và cũng nhiều lần, theo thói quen, tôi gọi ngôi thánh đường ấy bằng cái “tên tục” – nhà thờ Con Gà, nhưng phải đến rất gần đây, khi làm cuộc khảo cứu về một quãng ngắn trong lịch sử Đà Lạt, tôi mới tạm gọi là hiểu phần nào về tính biểu tượng của công trình quan trọng này.

nt256-257_vhoa-010117_nha-tho-1

Hãy hình dung mình đang ở Đà Lạt vào đầu thập niên 1940. Một thành phố với quy hoạch hình rẻ quạt, có hàng trăm ngôi biệt thự, dinh thự kiến trúc châu Âu ẩn mình dưới những tán thông xanh. Điểm nhấn về kiến trúc thành phố lúc ấy là gì? – Ngọn tháp Trường Grand Lycée Yersin cao 54m theo kiến trúc mô phỏng tháp chuông tòa thị chính Stockholm, một biểu tượng của giáo dục Pháp thiết lập trên thành phố cao nguyên. Và công trình có cao độ, mang tính biểu tượng còn lại, góp vào trong hệ thống hình ảnh đặc thù ban đầu của thành phố này, không đâu khác, là nhà thờ Thánh Nicola Bari (tức nhà thờ Con Gà hay nhà thờ Chính tòa Đà Lạt, theo cách gọi ngày nay) với độ cao tháp chuông là 45m.

nt256-257_vhoa-010117_nha-tho-2

nt256-257_vhoa-010117_nha-tho-3

Trong một thành phố mà hai công trình kiến trúc, một là công trình giáo dục – văn hóa, một là công trình tôn giáo được xây dựng trở thành biểu tượng chính, điểm nhấn, thì có thể nhận thấy cái ý hướng tốt lành được khởi sinh từ những nhà kiến tạo đô thị. Kiến trúc biểu hiện mong muốn, nguyện vọng của con người về thành phố tương lai. Biểu tượng kiến trúc giúp ta nhận diện rõ hơn về cái mã gene sâu xa của một thành phố: phải trở thành một trung tâm giáo dục, một không gian hướng thượng trong đời sống tinh thần.

Trong cuốn kỷ yếu chu niên của Giáo phận Đà Lạt, in năm 1961, có viết về lịch sử ngôi thánh đường Nicola Bari. Ban đầu, khoảng năm 1921, do nhu cầu truyền giáo, không gian tổ chức nghi lễ tôn giáo, linh mục Sidot, cha sở đầu tiên của họ đạo Đà Lạt đã thành lập một ngôi nhà nhỏ, gọi là “sanatorium Presbytère” (Dưỡng viện Giáo đồ) ở đầu đường Nhà Chung. Khi giáo dân gia tăng, thì một ngôi nguyện đường dài 24m, rộng 7m được dựng lên. Đến năm 1922, giáo dân gia tăng, kiến trúc sư Leo Craste được thuê thiết kế ngôi nguyện đường lớn hơn, dài 27m, rộng 8m. Ngôi nhà nguyện này do nhà thầu Pháp Francis Bres thi công khoảng một năm thì hoàn thành. Giáo đường có bốn quả chuông được chuyển từ Pháp về đặt trong tháp chuông nguyện đường này.

Nhưng giáo hữu bản địa mỗi ngày một tăng, Đà Lạt cũng là nơi người Pháp nghỉ dưỡng, cần một ngôi giáo đường tráng lệ, đồ sộ hơn. Ngày 19-7-1931, lễ đặt viên đá đầu tiên của nhà thờ Thánh Nicola Bari được tiến hành. Sau gần 11 năm, cụ thể, ngày 25-1-1942 thì ngôi giáo đường tầm vóc, tương xứng một đô thị nghỉ dưỡng kiểu mẫu phương Tây đã được khánh thành với phí tổn là 200.000 đồng tiền thời bấy giờ, lạc quyên được một nửa, nửa còn lại thì giáo họ đi vay, trả góp trong nhiều năm. Danh sách những nhà hảo tâm đóng góp để có ngôi nhà thờ này được lưu lại trong một hộp nhỏ dưới chân thánh giá trên đỉnh tháp chính và dưới điện thờ.

Ngôi nhà thờ dài 65m, rộng 14m, cao 45m (chưa kể thánh giá và kích thước con gà đặt trên đỉnh tháp chính) theo kiến trúc Roman, người thiết kế đồ án chính là vị linh mục đương thời – cha Céleste Nicolas. Ngôi giáo đường lớn trang nhã với những vòm khung cân phân, cổ kính. Bảy mươi tấm kính màu của hãng Louis Balmet (Pháp) được ráp vào các cửa, diềm lưng tạo ra một sắc thái ấm cúng từ bên trong. Những câu chuyện kinh thánh hiện lên huyền ảo. Bên trong toát lên vẻ sang cả thành kính và đậm nét kinh điển. Nhìn từ trên xuống có thể hình dung gian chính và hai gian phụ cân đối tạo nên hình một cây thánh giá nằm trên núi đồi xanh thẳm, hướng về núi Lang Biang và hồ Xuân Hương. Đỉnh tháp chính có gắn một con gà bằng đồng dài 0,66m, cao 0,58m đặt trên một trục tròn, xoay theo hướng gió.

nt256-257_vhoa-010117_nha-tho-4

Lại nói tới biểu tượng con gà trên nóc nhà thờ Thánh Nicola Bari. Vì sao lại là con gà trên nóc nhà thờ? Có người giải thích, đó là con gà biểu trưng của nước Pháp (gà trống Gaulois). Cũng có người thông thạo Kinh Thánh, cho rằng, con gà gợi nhớ câu nói nhìn thấu nhân tâm của đức Jesus khi bảo Pétros – đồ đệ thân tín của mình – trước giờ bị bắt, hành hình rằng: “Ta bảo thật ngươi, trước khi gà gáy ba lần, ngươi sẽ chối ta”.

Nhưng có lẽ ẩn ngữ sâu xa của biểu tượng không đơn giản là vậy. Cuốn Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (tác giả Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, NXB Đà Nẵng, 2002) dẫn sách của thánh Job – một bản kinh Cựu ước rất quan trọng, để chỉ ra nguồn gốc biểu tượng con gà: “Trong sách Job, gà trống đã là biểu tượng của trí minh tuệ đến từ Chúa Trời: “Ai đã truyền sự sáng suốt của Yahvé cho con hạc người ấy cũng cho gà trống trí minh tuệ”. Cả hai con vật đều được ban khả năng tiên báo: con hạc trống báo không sai mùa nước dâng trên sông Nil, gà trống báo trời sắp sáng. Cũng như đấng Cứu thế, nó báo ngày đến sau đêm. Vì lẽ ấy hình gà trống được đặt lên chóp các nhà thờ lớn. Vị trí trên đỉnh các thánh đường ấy có thể gợi nhớ về sự ưu thế của tinh thần trong đời sống con người, về nguồn gốc trên trời của ánh sáng cứu rỗi, về sự cảnh tỉnh của tâm linh chăm chú nhận bắt bóng tối đang tan của đêm những tia sáng đầu tiên của tinh thần sẽ chiếu rọi khắp thế gian. Theo Durand (Gilbert Durand – một học giả, nhà nhân học – NV) thì hình ảnh con gà trống trên tháp chuông phát xuất từ sự đồng nhất hóa mặt trời với gà trống báo hiệu trời sáng trong đạo Mazda. Sách Talmud tôn gà trống là bậc thầy của sự lễ độ, bởi vì nó dẫn Chủ nó là Mặt Trời đến và báo trước về sự đến ấy bằng tiếng gáy của mình” (tr. 343).

nt256-257_vhoa-010117_nha-tho-5

nt256-257_vhoa-010117_nha-tho-6

Như vậy, ngoài hàm nghĩa tâm linh, khi ta nói nhà thờ Con Gà theo cách nói bình dân để chỉ một công trình kiến trúc tôn giáo mang tính biểu tượng của Đà Lạt, là ta nói đến một tinh thần khai minh từng rất phát triển trong lịch sử văn hóa của thành phố này từ thời thực dân sang giai đoạn 1954-1975. Một đô thị đặt những giá trị hướng thượng, khai sáng lên làm quy hướng phát triển, một chốn mà Phạm Công Thiện từng gọi là “của thiên đường, của mộng, của thơ”.

Mặc cho mọi đổi thay, dâu bể, con gà trên đỉnh tháp nhà thờ Chính tòa Đà Lạt ngày nay vẫn đứng đó từ một điểm cao thanh thoát, để nhìn về sự đổi thay của thành phố, mỗi ngày, bắt đầu với một lời chúc lành!

Theo noithatmagazine

BÌNH LUẬN