Thế giới gần như không biết rõ nơi Pavel Durov đang ở, cũng chẳng thể thuyết phục hợp tác đầu tư. Cuộc đời anh bí ẩn như chính ứng dụng Telegram vậy.
Pavel Durov gắn liền với những bộ cánh màu đen đặc trưng như minh chứng cho cá tính nổi trội của mình. Từ ông hoàng mạng xã hội của nước Nga, chàng trai trẻ phải chạy trốn khỏi quê hương để lập nghiệp nơi xứ người, rồi mỗi vài tháng thay đổi chỗ ở một lần. Thế nhưng, điều đó không ngăn cản nổi tài năng của Durov.
Mới đây, CEO Telegram còn dám mỉa mai cách điều hành của Tim Cook vì để nhân viên chậm trễ trong việc phê duyệt cập nhật ứng dụng. Trước đó là còn vô số những câu chuyện “bất hảo” về anh cũng như cách điều hành “không giống ai” với Telegram.
Tính đến tháng 2/2016, Telegram đạt 100 triệu người hoạt động mỗi tháng, với 15 tỷ tin nhắn và khoảng 350.000 người dùng đăng ký mới mỗi ngày trên khắp thế giới. Thế nhưng, Durov lại không gọi vốn đầu tư ồ ạt như bao công ty khác mà xây dựng phương thức hoạt động giống Wikipedia, nghĩa là kêu gọi cộng đồng ủng hộ tiền để duy trì dịch vụ.
Pavel Durov được biết đến như “Mark Zuckerberg của nước Nga” nhờ việc sáng lập ra mạng xã hội Vkontakte hồi mới 20 tuổi. Khi đó, chàng trai trẻ đang làm việc điên cuồng trong phòng ngủ của căn hộ ở St. Peterburg để chạy đua với các nhà lập trình khác xây dựng ý tưởng cho mạng xã hội đầu tiên của xứ sở bạch dương sau cơn sốt Facebook. Anh đặt tên cho nó là Vkontakte (nghĩa “liên lạc” trong tiếng Nga) với giao diện trông giống sản phẩm của Mark Zuckerberg.
Với sự giúp đỡ của anh trai Nikolai, Durov đã phát triển VK thành công ty trị giá 3 tỷ USD và hiện vẫn là mạng xã hội lớn nhất châu Âu. Hẳn vì thế, người ta ví anh như “Zuckerberg của nước Nga”.
Nhưng khác với Zuck, Durov luôn tỏ thái độ nổi loạn. Tháng 12/2011, anh tỉnh dậy khi xung quanh toàn người của an ninh đến yêu cầu khóa tài khoản của một nhân vật bất đồng chính kiến. Chàng trai trẻ từ chối thẳng thừng, thậm chí đăng tin trực tiếp lên mạng xã hội cho cả nước Nga biết.
Tháng 12/2013, dưới nhiều áp lực, Durov buộc phải bán số cổ phần còn lại trong VK cho tỷ phú Alisher Usmanov (ông nắm giữ cổ phần tại Mail.ru và hiện sở hữu 100% VK). Tới ngày 21/4/2014, anh bị sa thải rồi sau đó phải rời Nga trong im lặng.
“Thật đau đớn”, Durov ngồi trong một khách sạn ở London và hồi tưởng. “Nhưng bây giờ nhìn lại, tôi không cảm thấy nối tiếc điều gì cả”.
Với khoảng 300 triệu USD tiền mặt trong ngân hàng ở Đan Mạch, Durov cùng anh trai Nikolai đã bắt đầu gây dựng lại sự nghiệp. Họ mua hộ chiếu công dân đảo St. Kitts ở Caribbean (với việc đóng góp 250.000 USD cho Quỹ đa dạng hóa ngành công nghiệp đường Quốc gia, một cá nhân có thể có hộ chiếu cho phép du lịch toàn châu Âu). Sau đó, cả hai dốc sức cho công ty mới mang tên Telegram.
Dự án lấy ý tưởng từ hệ thống bảo mật mã hóa tin nhắn mà Durov và anh trai dùng để liên lạc tránh bị theo dõi. Bằng cách đóng gói mọi thứ thành một ứng dụng, Durov đã mang tới cho thế giới phương thức nhắn tin bảo mật hàng đầu. Telegram được phát hành tháng 8/2013 mà không có thông báo chính thức.
Cách chỉ đạo của “Zuck nước Nga” cũng theo kiểu “lén lút” để tránh bị theo dõi. Anh dùng tới 3 số điện thoại khác nhau, nhưng rất ít khi trao đổi công việc qua điện thoại. Telegram được xây dựng tại một văn phòng nhỏ ở Berlin. Nhưng giờ, nhân viên công ty lại làm việc tại nhiều nơi khác nhau, chủ yếu họ đặt phòng qua Airbnb.com và thay đổi vị trí liên tục.
Lý giải cho việc này, Durov nói rằng làm như vậy sẽ giúp công ty tránh bị lôi cuốn vào chính trị hay kinh tế của bất kỳ quốc gia nào. Telegram càng được chú ý hơn khi cựu nhân viên NSA Edward Snowden tiết lộ các chương trình theo dõi của chính phủ Mỹ vào năm 2013 nhắm vào các công ty công nghệ cao, bao gồm Facebook, Google và Apple.
Năm 2014 và 2015, toàn ngành công nghiệp tập trung vào mã hóa. Vào 13/11/2015, vụ tấn công khủng bố tại Paris khiến thế giới lo sợ. Một số ý kiến cho rằng, Telegram đã vô tình tạo điều kiện cho ISIS dễ dàng thực hiện ý đồ. Tuy nhiên, các cơ quan tình báo của Pháp đã bác bỏ điều đó khi cho biết, một số hoạt động được lên kế hoạch mà không cần dùng tới công cụ mã hóa. Chỉ đơn giản, ISIS đã chọn Telegram làm ứng dụng truyền tải thông tin ưa thích.
Ngày 17/2/2016, Tim Cook từ chối lệnh liên bang yêu cầu công ty mở khóa chiếc iPhone của kẻ tấn công khủng bố San Bernardino để phục vụ phục vụ công tác điều tra của FDI. Chính sự kiện này góp phần tạo cảm hứng cho Durov tiếp tục theo đuổi triết lý tuân giữ nghiêm ngặt quy định bảo mật.
Telegram cũng không phải để bán hay là nơi cho các nhà đầu tư. Durov cho biết nhiều công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng từ Thung lũng Silicon đã tiếp cận ông và đưa ra vô số lời đề nghị hấp dẫn. Nhưng với niềm tổn thương từ VK, “Zuck nước Nga” chỉ muốn xây dựng một nhóm cộng sự nhỏ thân thiết.
Mỗi tháng, Telegram ngốn của Durov 1 triệu USD, nhưng đây là khoản mà theo anh “có thể đặt trong tầm kiểm soát”, nhưng không phải mãi mãi. Vị CEO này đang tìm hướng phát triển mang về thu nhập cho công ty bằng cách cho các nhà phát triển xây dựng dịch vụ trên nền tảng của Telegram rồi trích hoa hồng lợi nhuận.
Theo genk.vn