Ngành sữa Việt Nam đang được nằm trong “thời kì vàng” để phát triển, là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp phụ trợ. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ này, ngành đóng gói, bao bì cũng đang tăng trưởng một cách mạnh mẽ.
Trong nhiều năm qua, ngành sữa Việt Nam luôn đạt tốc độ tăng trưởng tốt. Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Nghiên cứu Ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), trong giai đoạn 2010-2016, doanh thu tiêu thụ sữa Việt Nam mức tăng trưởng kép hàng năm là 11.7%.
Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2017, doanh số tiêu thụ sữa đạt khoảng 18.7 nghìn tỷ đồng, tăng 13.9% so với cùng kỳ năm 2016. Bởi vậy, đây được coi là giai đoạn hoàng kim của ngành sữa Việt Nam, tạo cơ hội cho những ngành phụ trợ liên quan bao gồm cả ngành đóng gói, bao bì.
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu thụ sữa tiềm năng. Theo Báo cáo ngành Sữa của VIRAC, sữa là mặt hàng còn nhiều cơ hội tăng trưởng trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, do thu nhập của người dân ngày một tăng, kèm theo đó là nhu cầu tiêu dùng sữa tăng cả ở thành thị lẫn nông thôn.
Thêm vào đó, khoảng 1/3 dân số Việt Nam là ở độ tuổi 16 đến 30. Ở nhóm tuổi này họ sẽ có xu hướng sử dụng những loại nước uống dinh dưỡng đa dạng hơn. Theo dự báo của VIRAC, sản lượng tiêu thụ sữa của Việt Nam sẽ đạt trên 2,5 triệu lít vào năm 2020.
Thêm vào đó, thực tế cho thấy rằng bao bì bắt mắt, thuận tiện là một phần tất yếu thúc đẩy khách hàng mua sữa và là yếu tố quyết định đến sự lựa chọn của khách hành. Điều này đồng nghĩa với cơ hội phát triển của các doanh nghiệp bao bì, cụ thể như Tetra Pak.
Tetra Pak là một trong hai nhà cung cấp vỏ hộp giấy cho thực phẩm dạng lỏng lớn nhất Việt Nam. Công ty này cho biết, đã bán được 7,5 tỷ bao bì các loại với tổng dung tích khoảng 1,4 tỷ lít vào năm 2016 với phần lớn là bao bì cho ngành sữa. Bên cạnh đó, cuối năm 2017 Tetra Pak sẽ chính thức khởi động xây dựng nhà máy sản xuất bao bì giấy đóng gói thực phẩm dạng lỏng đầu tiên tại Việt Nam với công suất lên đến 20 tỷ sản phẩm mỗi năm có giá trị lên tới 110 triệu USD.
Tuy nhiên, một trong những thách thức mà ngành công nghiệp bao bì trong nước phải đối mặt là công nghệ chưa cao khiến cho các doanh nghiệp chưa thực sự tham gia vào chuỗi giá trị và tạo ra lợi nhuận bền vững. Chính vì vậy, giải pháp trong thời gian sắp tới chính là sự thay đổi và áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, áp dụng các vật liệu mới, đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến nhằm tăng tính hiệu quả và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Theo Trí thức trẻ