Bom tấn mới nhất – Dunkirk của Christopher Nolan đã mang đến cái nhìn cận cảnh của một trong những trận di tản lớn nhất lịch sử chiến tranh nhân loại.
Christopher Nolan hiện là một trong những đạo diễn có phong cách nổi bật nhất của điện ảnh hiện đại. Ông là bậc thầy “hack não” sau những siêu phẩm như The Prestige (2006), Memento (2000) hay bộ 3 phim Batman của Christian Bale. Với dự án Dunkirk – phim lịch sử đầu tay, ông tiếp tục để lại dấu ấn sâu sắc của mình qua sự tàn khốc của chiến tranh.
Vào những ngày tháng đầu tiên của Thế Chiến II, hơn 400.000 quân Đồng minh, đa số là lính Anh, bị Đức bao vây trên thị trấn biển Dunkirk. Họ chỉ cách quê hương 26 dặm nhưng chẳng thể về được nhà. Trước mặt là biển cả với những chiếc tàu ngầm lớp U, sau lưng là kẻ thù đang chuẩn bị tấn công, trên không là máy bay oanh tạc liên tục, sự sống và cái chết chưa bao giờ gần nhau đến thế. Trong bối cảnh đó, hàng trăm tàu dân dụng được huy động vượt eo biển hẹp để đưa những đứa con xa xứ trở về nhà.
Nội dung của Dunkirk không hề mới lạ, thậm chí cái kết của phim đã là một phần của lịch sử thế giới. Vì thế mà thứ người xem mong chờ là đạo diễn Nolan sẽ dẫn dắt câu chuyện ra sao. Ông đã mang tới một tác phẩm hoành tráng với câu chuyện kể từ 3 góc nhìn khác nhau: trên không, dưới biển và trên cạn.
Ngay từ lúc bắt đầu, Dunkirk đã mang tới cho khán giả cái nhìn tổng quan về cuộc chiến. Những người mình phải lần mò trong những ngôi nhà ở thị trấn để tìm những mẫu thức ăn nhỏ nhất. Thế nhưng, cái chết vẫn luôn chực chờ. Phòng tuyến của hai bên chỉ cách nhau một dãy phố và ngày càng khép dần. Cách đó chỉ vài bước chân là bãi biển với hàng trăm ngàn người lính bị mắc kẹt, không nước uống, không thức ăn. Cái chết đối với họ đã là điều quá đơn giản khi hàng máy bay có thể oanh tạc bất cứ lúc nào.
Theo một cách nào đó, Dunkirk là một bộ phim chiến tranh một chiều. Phim chỉ nói đến góc nhìn của quân đội Anh trong cuộc di tản. Xuyên suốt tác phẩm, lính Đức không hề xuất hiện một cách cụ thể. Song, sức ép mà chúng gây ra là hoàn toàn có thật. Tiếng súng, tiếng pháo dồn dập, tiếng máy bay lao xuống cắt bom, hình ảnh những chiếc chiến hạm nổ tung vì thủy lôi, tất cả mang đến một không khí tuyệt vọng và nghẹt thở từ những người mính trên bãi biển Dunkirk.
Trên bãi biển là cuộc đấu tranh để sinh tồn của hàng trăm nghìn binh lính Đồng minh. Họ thà đối mặt với sóng dữ trên những chiếc xuồng nhỏ hay tìm mọi cách để leo lên chiếc hạm. Bởi lẽ, những chiếc tàu ngầm lớp U không thể nhìn thấy rõ bằng những sư đoàn Đức ở ngay phía sau. Bởi lẽ, họ sẽ có cơ may sống sót khi ra khơi, còn ở lại chỉ có cái chết.
Trên không là cuộc chiến đầy gây cấn của Không lực Hoàng gia Anh với những phi đội bay của Đức để bảo vệ những chuyến tàu hồi hương. Họ phải băng qua eo biển từ Anh đến Dunkirk. Vì thế mà những chàng phi công không chỉ chiến đấu với kẻ thù mà còn phải chạy đua với thời gian và lượng nhiên liệu ít ỏi mang theo.
Cuộc chiến quan trọng và ác liệt nhất của Dunkirk không tới từ những người lính mà lại là những dân thường trên biển cả. Vốn chỉ là những dân chài miền duyên hải, tay không tấc sắt, họ sẵn sàng lao tới tiền tuyến mà không sợ hãi. Đối mặt với những chiếc tàu ngầm hay đạn pháo của kẻ thù, đoàn dân quân gồm cả phụ nữ và trẻ em này chỉ muốn đưa những đứa con của nước Anh về nhà.
Ba câu chuyện với ba góc nhìn khác nhau được đạo diễn lèo lái một cách thông minh và khéo léo. Các tình tiết diễn ra không cùng mốc thời gian nhưng đan xen với nhau rất cuốn hút. Cuối cùng, các nhân vật tưởng chừng không liên quan ở từng câu chuyện ấy đều kết nối với nhau để tạo ra cái kết bất ngờ đậm chất Nolan.
Dunkirk cũng rất thành công khi xây dựng các tuyến nhân vật. Những người dân thường có phần hào hứng, mong ngóng được ra chiến trận để trợ giúp cho tiền tuyến. Trái ngược hẳn với đó là những người lính tìm mọi cách để trở về quê hương. Cuộc chiến sinh tồn trở nên tàn khốc hơn bao giờ hết. Họ sẵn sàng bỏ mặc đồng đội để sống sót. Những người lính bị sang chấn tâm lý nặng nề đến mức không bao giờ dám xuống hầm tàu vì sợ ngư lôi. Khán giả dễ dàng cảm nhận được sự đau đớn, tuyệt vọng khi đối diện mênh mông biển nước của họ hay sự hân hoan khi thấy được quê nhà sau nhiều ngày chờ đợi.
Trong khi đó, những người phi công của Hoàng gia Anh vẫn làm đúng nghĩa vụ của mình, chấp nhận hy sinh để bảo vệ hàng trăm ngàn đồng đội khác. Sống sót đã trở thành một chiến thắng thật sự khi cả quốc gia đều mong những người lính trở về. Từ cậu bé cho tới bác bán bánh mù đều chào mừng đoàn quân viễn chinh như những kẻ thắng trận. Bộ phim đã mang đến vô vàn cung bậc cảm xúc khác nhau.
Phần hình ảnh và âm thành của Dunkirk cũng xuất sắc không kém. Tác phẩm sử dụng máy quay IMAX 2D để mang tới những góc quay rộng và hoành tráng nhất cho khán giả. Nolan từ chối sử dụng kỹ xảo màng đều dùng cách quay thật để mang tới những trải nghiệm chân thật nhất. Khung cảnh chiến trường với hàng trăm ngàn người la liệt hay những chiếc máy bay đối đầu nhau giữa ánh chiều tráng lệ đều mang đến những cảm xúc khó tả. Phần nhạc nền do Hans Zimmer soạn thảo càng khiến cho bộ phim thêm phần hào hùng.
Nhìn chung, Dunkirk đã một tác phẩm xuất sắc nhưng khá kén người xem và mang đậm phong cách Nolan.
Theo kenh14.vn