Chắc hẳn trong quá trình sử dụng điện thoại của mình, hơn một lần người dùng băn khoăn đặt ra câu hỏi này: Vì sao “dế” vừa sạc “no” mà chỉ vài giờ đã lại báo hết pin?
Rất nhiều người lâm phải tình trạng chú “dế” tò te tí vào những lúc cần kíp nhất mà không hiểu lý do tại sao dù rằng trước đó, pin đã được sạc đầy. Trên thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng pin điện thoại hết nhanh mà bạn cần chú ý.
Thứ nhất, đó là do chiếc “dế” của bạn đang có nhiều ứng dụng chạy cùng lúc mà bạn không hay biết. Đặc biệt với những dế có kết nối Internet như Wifi, 3G, nếu sau khi vào mạng xong mà không thoát ra, sẽ khiến pin điện thoại bị tiêu hao đáng kể.
Với những smartphone có nhiều tính năng, ứng dụng như iPhone cũng khiến nguồn pin thường hết khá nhanh. Đặc biệt khi bạn lại thường xuyên sử dụng để chơi game, nghe nhạc, xem video… thì chỉ trong vòng vài ba tiếng đồng hồ, dù pin trước đó có được sạc đầy thì cũng nhanh chóng ở tình trạng cạn kiệt.
Thật khó khi với chiếc smartphone đa tính năng này mà bạn lại không chơi game, nghe nhạc, xem video. Nhưng nó chính là nguyên nhân khiến dế có nhiều tính năng, ứng dụng như iPhone thường hết pin khá nhanh, chỉ trong vòng vài ba tiếng đồng hồ, dù pin trước đó có được sạc đầy thì cũng nhanh chóng ở tình trạng cạn kiệt.
Khi chơi, hay giải trí, hãy nên biết tiết chế nhu cầu để tiết kiệm pin cho thiết bị bằng cách tránh lạm dụng các ứng dụng trên. Với kết nối 3G, chỉ khi nào sử dụng dịch vụ kết nối dữ liệu, bạn mới nên kích hoạt chế độ kết nối này. Bởi lẽ, khi thường xuyên chọn kết nối 3G, thiết bị của bạn sẽ tiêu tốn năng lượng rất nhanh. Khi không có nhu cầu kết nối, hãy vào Setting > General > Network và chọn Enable 3G/4G to Off để thoát.
Một lý do khác khiến dế của bạn nhanh ngốn pin đó là khi sóng mạng yếu, sóng phải roaming với mạng khác. Hễ cứ vào vùng sóng yếu, chập chờn cũng khiến chiếc điện thoại bị ngốn năng lượng rất nhiều do phải duy trì sóng hoặc tìm kiếm các mạng khác để roaming. Với trường hợp này, nếu không cần thiết phải giữ liên lạc thường xuyên, tốt nhất bạn hãy tắt máy, đợi đến nơi sóng khoẻ hãy tiếp tục sử dụng để pin không bị tiêu phí.
Còn nếu như sau khi liệt kê và loại bỏ những tình huống nêu trên mà chú dế của bạn vẫn hết pin nhanh tới mức khó ngờ thì hãy nghĩ tới việc pin điện thoại của bạn đã bị chai hoặc nóng. Với trường hợp này, việc đầu tiên và cần thiết nhất mà bạn phải nghĩ tới đó là phải mua một “quả” pin điện thoại mới thay thế. Và sau đó, tìm hiểu để giữ được một viên pin điện thoại bền nhất có thể.
Một trong những kinh nghiệm cần phải nhớ khi sạc pin điện thoại đó là cần phải hạn chế sạc pin ở chế độ chờ, vừa sạc vừa sử dụng hoặc sạc quá lâu, cắm sạc điện thoại di động để qua đêm… Kinh nghiệm cho thấy, nếu sạc pin không đúng cách sẽ đem đến cho người sử dụng nhiều nguy hại, thậm chí có nguy cơ cháy, nổ hay hỏng máy.
Hiện tượng chai pin chủ yếu là do sạc pin không đúng cách. Bạn chỉ nên sạc điện thoại ngay khi điện thoại tự tắt nguồn hoặc có báo hiệu pin yếu, nhưng tốt nhất là sạc khi pin báo chỉ còn 1 vạch.
Nếu sạc khi chưa hết pin, điện thoại sẽ tự động giảm thời gian sạc. Còn nếu cắm sạc quá lâu, máy sẽ tự động sạc lại qua một khoảng thời gian nào đó khoảng 5 – 8 tiếng và ảnh hưởng xấu đến hoạt động và tuổi thọ của pin.
Trong quá trình sạc pin, tốt nhất là tắt điện thoại. Còn nếu do đặc thù công việc, cần phải để sạc pin mà vẫn cần duy trì liên lạc thì tốt nhất, bạn cố gắng hạn chế vừa sạc vừa nói điện thoại. Bởi nếu vừa sạc pin điện thoại vừa chạy như bình thường, sẽ kéo dài thêm thời gian sạc, nhiệt độ của máy sẽ tăng cao hơn bình thường, điều này có ảnh hưởng không tốt tới chất lượng pin.
Cuối cùng, việc sạc pin cũng phải có thời gian hợp lý, nên tránh sạc pin qua đêm. Cắm điện thoại qua đêm để máy nóng rực như lửa có thể gây hại cho điện thoại. Nếu sạc pin quá nhiều, tích điện thừa sẽ không tốt cho nguồn của máy. Thêm vào đó, nhiệt lượng tỏa ra khi sạc pin quá lâu trong nhiều trường hợp cụ thể còn gây tai nạn như nổ pin…
Phạm Lê