Sự phổ biến của e-Sports đang khiến các hãng công nghệ châu Á nhìn nhận lại để thay đổi phương thức kinh doanh của mình.

Trận chung kết bộ môn thể thao điện tử nội dung Arena of Valor, đang diễn ra giữa hai đại diện của Trung Quốc và Đài Loan. Trên sân thi đấu, các game thủ tập trung vào chiếc điện thoại đang cầm và thao tác nhanh thoăn thoắt. Phía dưới, hàng nghìn khán giả hò hét và cổ vũ cho các tuyển thủ. Phần đông khán giả là người Trung Quốc. Nhiều người trong số họ đi du lịch tới đây chỉ để xem các đội game thi đấu, giống như bất kỳ sự kiện thể thao nào khác, ngoại trừ cách thức thể hiện của màn so tài đang diễn ra.

Arena of Valor (AOV) là game trực tuyến nhiều người chơi, được phát triển và phát hành bởi công ty Trung Quốc Tencent. Trong AOV, người chơi chia làm hai đội, mỗi đội 5 người điều khiển các nhân vật game xâm nhập vào lãnh thổ của đối phương với mục đích phá hủy căn cứ. Phiên bản ở Việt Nam của trò chơi này có tên gọi là Liên Quân. Đây cũng là một trong sáu trò chơi được chọn làm môn thể thao thi đấu trình diễn tại Asian Games 2018, đang tổ chức tại Jakarta và Palembang, Indonesia.

Các vận động viên thi đấu VOA tại Asiad 2018.

Các vận động viên thi đấu AOV trên smartphone tại Asian Games 2018.

Theo Nikkei, e-Sports, hay thể thao điện tử, thậm chí sẽ được coi là một môn thể thao tranh huy chương chính thức tại kỳ Asian Games tiếp theo, diễn ra năm 2022. Việc đưa các trò chơi điện tử này vào Thế vận hội châu Á được xem là một minh chứng cho mức độ nổi tiếng của thể loại này. Doanh thu từ ngành công nghiệp game đã đạt 655 triệu USD trên toàn cầu vào năm 2017, theo công ty nghiên cứu Hà Lan Newzoo. Con số này dự kiến đạt 1,3 tỷ USD năm 2021. Hai trò chơi phổ biến nhất trong số này, đang thành công vang dội ở châu Á. Đặc biệt, cả hai đều là game di động.

“Đã có một sự thay đổi đối với trò chơi di động”, Eddy Lim, Chủ tịch của Hiệp hội e-Sports Indonesia, giải thích lý do đưa game di động vào Thế vận hội châu Á. “Game di động sẽ trở thành một phần của thể thao điện tử. Nó đòi hỏi tính chiến thuật và sự công bằng, nơi mà việc thắng hay thua phải dựa trên chiến lược”.

Game mobile thuộc thể loại e-Sports đang phổ biến hơn ở châu Á thay vì các nước phương Tây, lý do một phần bởi “văn hóa sử dụng điện thoại di động”, theo báo cáo từ Newzoo. Các số liệu cho thấy 55% doanh thu trò chơi ở châu Á đến từ điện thoại di động, trong đó con số này ở Bắc Mỹ và châu Âu chỉ là 29%.

“e-Sports trên di động dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong khu vực. Chúng tôi cũng hy vọng vài năm tới sẽ chứng kiến một sự bùng nổ trên các thị trường như Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam”, báo cáo viết.

Sân thi đấu bộ môn AOV tại Asian Games 2018.

Sân thi đấu bộ môn AOV tại Asian Games 2018.

Trong khi smartphone cao cấp có thể chạy hầu hết game di động mà không gặp vấn đề gì, một số công ty châu Á vẫn công bố các dòng sản phẩm chuyên dành cho game thủ. Bộ xử lý, dung lượng pin cũng như tần số quét của màn hình trên các thiết bị này được nâng cao hơn thông thường.

Razer, công ty sản xuất phần cứng có trụ sở chính tại Singapore, đã đón đầu xu hướng này khi sớm tung ra dòng điện thoại chơi game Razer Phone của riêng mình. Điểm nổi bật của nó là tần số quét của màn hình lên tới 120 Hz, hứa hẹn khả năng mang lại trải nghiệm “không lag, giật, hiển thị hình ảnh chuyển động trơn tru” cho tất cả các trò chơi.

Ngay sau đó, công ty Trung Quốc ZTE tiếp nối trào lưu này với việc ra mắt chiếc điện thoại chơi game Red Magic, phát hành bởi công ty con Nubia. Còn tập đoàn công nghệ Xiaomi cũng phát triển Black Shark, trong khi Asus của Đài Loan cũng nhảy vào sân chơi này với mẫu smartphone ROG cao cấp.

Đối với các công ty này, một dòng điện thoại riêng là cách tốt nhất để phân biệt mình với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường smartphone. Chiến lược này cũng có thể gắn kết sản phẩm với các thương hiệu game e-Sport đang nổi tiếng.

Phiên bản di động của trò chơi trực tuyến nhiều người chơi PlayerUnknown Battlegrounds, được phát triển và phát hành bởi PUBG Corp, công ty con của Bluehole (Hàn Quốc), đã gây được rất nhiều tiếng vang hồi năm ngoái. Mới đây, trò chơi Fortnite cũng gây “sóng gió” trên thị trường game di động khi chuẩn bị phát hành phiên bản cho thiết bị sử dụng hệ điều hành Android của Google. Cả hai trò chơi này đều thuộc thể loại chiến đấu sinh tồn, yêu cầu các thiết bị có cấu hình tương đối cao để chạy mượt.

Samsung, công ty sản xuất smartphone nổi tiếng Hàn Quốc đã tìm cách sử dụng Fortnite để quảng cáo cho chiếc Galaxy Note9 mới ra mắt của mình. Người dùng thiết bị này sẽ được tiếp cận sớm với Fortnite, bên cạnh việc tặng kèm nhân vật độc quyền. Cũng có tin đồn rằng Samsung đang cân nhắc phát triển một dòng thiết bị chuyên để chơi game, nhưng thông tin này chưa được xác thực.

Dẫu vậy, nhiều người tin rằng điều này là cần thiết. Tại Asian Games 2018, công ty Hàn Quốc là một trong các nhà tài trợ chính. Ban tổ chức được cho là yêu cầu các vận động viên thi đấu e-Sports phải sử dụng các thiết bị mang thương hiệu Samsung. Tuy nhiên, quy định này sau đó đã được xem xét lại bởi nhiều vận động viên nói rằng họ quen sử dụng iPhone.

Sự thật là với iPhone trong tay, các vận động viên Trung Quốc đã đánh bại đội tuyển đến từ Đài Loan để trở thành nhà vô địch đầu tiên của bộ môn Arena of Valor tại Thế vận hội châu Á.

Bảo Nam

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN