Uống rượu trong thời gian dài gây rối loạn ăn uống dẫn đến thiếu hụt vitamin, đầu tiên là vitamin B1.
Bác sĩ Lê Quang Hào, Viện Dinh dưỡng Việt Nam, cho biết rượu, bia là chất lợi tiểu, uống nhiều khiến cơ thể bị mất nước và các chất dinh dưỡng, vi khoáng tốt thông qua bài tiết. Uống trong thời gian dài gây tổn thương cho niêm mạc đường tiêu hóa, làm giảm sự hấp thu thức ăn, rối loạn trong ăn uống nên dẫn đến thiếu hụt vitamin, trong đó biểu hiện thiếu hụt vitamin B1 (thiamin) xuất hiện đầu tiên.
Người nghiện rượu thường có các triệu chứng điển hình như lo lắng, mất ngủ, run rẩy, chóng mặt, trầm cảm, trí nhớ kém, phải nhờ vào rượu mới sinh hoạt được hàng ngày. Uống trong thời gian dài dẫn đến sụt cân, phản xạ chậm thậm chí không kiểm soát được cảm xúc bản thân.
“Tất cả biểu hiện được mô tả đều do thiếu hụt chất dinh dưỡng nhất là vitamin phức tạp B, dễ tổn thương khi sử dụng rượu. Đây là vitamin cần thiết cho tinh thần và cảm xúc”, bác sĩ nhấn mạnh.
Một số vitamin B tổng hợp thiếu hụt khi lạm dụng rượu bia bao gồm vitamin B1 gây trầm cảm, khó chịu, rối loạn thần kinh và tim mạch. Thiếu vitamin B2, B3 khiến cơ thể lo lắng, e ngại, mệt mỏi. Thiếu axit pantothenic gây căng thẳng mạn tính. Thiếu vitamin B6 có thể phá vỡ sự hình thành các chất dẫn truyền thần kinh. Axit folic thiếu hụt là nguyên nhân phổ biến của trầm cảm.
Một số chất dinh dưỡng khác suy giảm cũng dẫn đến cảm giác tiêu cực như thiếu vitamin C gây mệt mỏi, thiếu magie khiến cơ thể chán ăn, thờ ơ, nhầm lẫn, mất ngủ. Cơ thể thiếu canxi sẽ suy giảm hệ thần kinh trung ương. Thiếu kali, sắt, omega 3 EFA ở người lớn có thể gây rối loạn da, thiếu máu…
Do đó, người nghiện rượu hoặc uống rượu nhiều cần cung cấp dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe thể chất và cảm xúc từ ăn uống lành mạnh. Trong chế độ ăn, tỷ lệ rau và trái cây nhiều hơn sữa và thịt trắng, hạn chế thịt đỏ, thực phẩm chế biến. Giảm thức ăn chứa đường tinh chế, bột trắng.
Uống nhiều nước để loại bỏ độc tố và giữ cơ thể hoạt động tích cực. Hạn chế cafeine, đồ uống có cồn. Tập luyện thể dục, vận động để tăng sức đề kháng, cải thiện hệ miễn dịch. Bổ sung axit béo omega 3 từ cá, hạt lanh… để giảm các triệu chứng khó chịu do nghiện rượu. Thêm hạt lanh vào sinh tố hoặc ngũ cốc để dễ ăn hơn. Cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi… cũng là nguồn omega 3 phong phú.
Bác sĩ khuyến nghị nhu cầu cơ thể cần cung cấp 250 mg vitamin C, 150 mg magie, 1500 mg canxi và 500 mg vitamin B3 từ các nguồn thực phẩm mỗi ngày. Các vitamin tổng hợp hoặc khoáng chất như Centrum cũng được khuyến khích.
Thùy An
theo vnexpress.net