Lượng đặt hàng trong hai tuần qua trên một nền tảng công nghệ chuyên nhận mua giùm, xách hộ tại Việt Nam tăng 9-10 lần so với thông thường.
Dù lễ hội mua sắm Black Friday đã phổ biến vài năm nay ở Việt Nam, nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng thỏa mãn. Chị Kim Thư (quận Bình Thạnh, TP HCM), chỉ sắm được một đôi giày thể thao, sau nhiều ngày tham khảo hàng loạt trung tâm thương mại.
“Các nhãn hàng đã sale Black Friday hơn tuần nay nhưng không nhiều đồ đẹp để mua, thường là thanh lý mẫu cũ hoặc kích cỡ quá to, quá nhỏ nên bán chậm. Tôi không mua được đôi giày nào ở khu vực sale 50% và chỉ tạm chấp nhận một đôi ở quầy sale 30%”, chị Kim Thư nói.
Để chuẩn bị đồ mới cho hai đợt Tết tới, chị và hội bạn tiếp tục chọn cách cũ là “săn” Black Friday ở nước ngoài. “Ở Mỹ hay Anh sale thực chất hơn, mẫu đẹp nhưng phải nhanh tay và chịu chờ”, chị Thư nói.
Chị Đinh Ngân, một đại lý chuyên nhận đặt hàng xách tay nước ngoài tại TP HCM cho biết, nhu cầu mua Black Friday tăng mạnh nhất là giày. “Giày năm nay nhiều mẫu đẹp, thậm chí các dòng cao cấp cũng sale giá tốt hơn tại Việt Nam rất nhiều. Chưa đến Noel nhưng thị trường đặt hàng online đã thắng lớn về giày dép, mỹ phẩm từ mấy trang như Macy’s, Shephora”, chị nói.
Theo giới dịch vụ “săn hàng”, năm nay thị trường Mỹ sale “đậm” nhất là mỹ phẩm. “Các hãng như Estee Lauder, Elizabeth Arden… tung ra các set mỹ phẩm dưỡng da đình đám nhất với giá giảm sâu đến 70% và thực sự là chất lượng nên luôn cháy hàng. Ví dụ set Mỹ phẩm trị giá 12 triệu đồng sale chỉ còn hơn 2 triệu. Nên cuối năm thường là dịp các chị em tranh thủ mua son, phấn, kem dưỡng…”, chị Nga, chủ một đơn vị “săn hàng” cho biết.
Về quần áo, Tây Ban Nha được xem là địa chỉ “hot” nhất để “săn hàng” vì các thương hiệu phổ thông như Mango, Zara… tại thị trường này giảm mạnh nhất, có khi chỉ còn 150.000 đồng một chiếc đầm, áo. Giày dép của Adidas, Nike, Puma… sale 50-70%, thường được đặt hàng từ Anh. “Giày giảm chủ yếu 50% và Adidas còn giảm thêm 30% cho những khách mua sỉ một lúc vài đôi”, chị nói.
Đại diện một nền tảng ứng dụng chuyên kết nối những người “mua giùm, xách hộ” hàng hóa qua đường hàng không về Việt Nam cho biết, lượng đặt hàng ghi nhận trong hai tuần qua tăng 9-10 lần so với hai tuần thông thường của tháng 9. “Đơn đặt từ Mỹ là nhiều nhất vì sale ‘khủng’ 70% là có thật. Hàng được khách đặt chủ yếu là đồ công nghệ, giày dép, quần áo, mắt kiếng…”, vị này nói.
Thông thường, các đại lý chuyên nhận “săn hàng” sẽ báo giá theo hai cách. Một là khách tự chọn mẫu trên các trang web chính hãng, xem giá giảm rồi cộng thêm 10% phí mua hộ và tiền cân hàng hóa. Hai là giới thiệu sẵn mẫu, với giá bán sau cùng, chỉ cần cộng thêm tiền cân hàng hóa. Tiền cân hàng tùy đại lý và thị trường xách về, dao động tầm 300.000 mỗi kg, áp dụng chủ yếu cho quần áo, giày dép. Hàng được trả cho khách trong 2-3 tuần.
Một số đại lý ghi nhận mức tăng đơn đặt mua Black Friday năm nay tầm 20% đến 30%, nên có thể kiếm được vài chục triệu đồng trong mùa này. Tuy nhiên, một số đại lý chuyên nhận đặt hàng công nghệ và đồng hồ cũng cho biết khách đặt hàng không “xôm” bằng Black Friday năm trước do hàng công nghệ ít sale mẫu “hot”. Đồng hồ dù có hãng sale đến hơn 80% nhưng vẫn không thu hút bằng quần áo, giày dép.
Tuy nhiên, để thầu săn hàng và “có ăn” nhiều trong mùa này cũng không đơn giản. Giới dịch vụ nói “săn hàng” online hay ở trung tâm thương mại cũng đều vất vả.
Với mua trực tuyến, “bí kíp” đầu tiên là tiền phải đầy thẻ vì mua sale có khi không chờ khách chuyển cọc kịp nên phải mạo hiểm tự ứng tiền trước để “chớp hàng”. Đại lý cũng phải sở hữu nhiều tài khoản vì một số hãng sẽ khóa tài khoản nếu một tài khoản mua quá nhiều. Việc trái múi giờ tại nhiều thị trường cũng khiến các đại lý phải thức suốt ngày đêm để “cày” cho khách.
“Với các đầu mối bên Mỹ thì ngay cả khi ra cửa hàng để mua cũng phải xếp mua mấy lượt vì họ hạn chế mỗi khách mua chỉ được một hóa đơn cho một hàng sale ‘khủng’… Nhanh nhạy, nắm bắt được nhu cầu và nhất là phải chịu khó săn tìm thì mới có được ‘hàng ngon’ cho khách”, chị Nga chia sẻ kinh nghiệm.
Dỹ Tùng
theo vnexpress.net