Những ôtô trăm nghìn tới triệu USD khoe cá tính vẫn được nhà giàu ưa chuộng, nhưng số khác muốn gắn mình với tri thức và trách nhiệm xã hội.

Khách hàng xe sang đang thay đổi trong những năm qua, lượng người trẻ nhiều hơn, khách nữ nhiều hơn, những người giàu tự thân ngày càng đông thay cho “cậu ấm, cô chiêu” hưởng tiền thừa kế. Ngoài ra, còn một sự dịch chuyển nữa – mua xe thân thiện với môi trường là một cách để khoe khoang độ giàu có, chính xác là giàu sang, theo nhận định của Financial Times khi phân tích về việc giới nhà giàu đang khiến các hãng xe sang quay cuồng.

Ken Choo, giám đốc điều hành HR Owen tại Anh, một đại lý bán nhiều Ferrari, Lamborghini và Bentley hơn bất cứ đại lý nào trên thế giới, cho biết có những khách hàng nhất định chỉ mua xe điện, chứ không muốn loại nào khác.

Họ là ai? Đó có thể là những người giàu mới đến từ thung lũng Silicon hay từ các siêu đô thị ô nhiễm nặng ở Trung Quốc – những người có trải nghiệm rõ ràng nhất về việc môi trường đang bị hủy hoại. Chiếc xe định hướng bảo vệ môi trường giúp chủ nhân được đánh giá cao hơn, rằng đó là những người có tri thức, thực sự quan tâm tới các vấn đề xã hội, chứ không đơn thuần là hưởng thụ.

Vậy vì sao lại là hybrid, lại là xe điện? Keith Schafer, Giám đốc điều hành Volvo châu Á Thái Bình Dương trả lời VnExpress trong lần đến TP HCM cuối tháng 10, bởi đó là “sự chuẩn bị cho tương lai”.

Ảnh: ScandAsia
Keith Schafer, giám đốc Volvo APAC. Ảnh: ScandAsia

“Ở Thụy Điển, chúng tôi có 6 tháng chìm trong tuyết lạnh, nên từ mùa hè đã phải chuẩn bị mọi thứ cho mùa đông”, ông giải thích. Thế giới hiện nay cũng vậy, khi năng lượng hóa thạch sắp cạn kiệt, bầu không khí ngày càng ô nhiễm thì động cơ đốt trong dần mất lợi thế, điện khí hóa là con đường tất yếu nếu con người muốn chuẩn bị cho việc di chuyển trong tương lai.

Hãng xe Bắc Âu mới ra mắt chiếc xe chạy điện hoàn toàn đầu tiên XC40 Recharge hồi tháng 10. Trong giai đoạn 2019-2021 hãng sẽ giới thiệu 3 mẫu chạy điện của Volvo và 2 mẫu xe điện hiệu suất cao dưới nhãn hiệu con Polestar. Mục tiêu đến năm 2025, xe điện sẽ chiếm 50% doanh số toàn cầu của hãng.

Các đối thủ khác trong phân khúc xe sang cũng không ngồi nhìn. 2019 là một năm bùng nổ của xe sang chạy điện. Mercedes hồi tháng 5 cũng vén màn chiếc EQC, crossover chạy điện đầu tiên của “ngôi sao ba cánh”. EQC sẽ xuất hiện vào năm sau. Audi có e-Tron từng mang về trưng bày tại Việt Nam. Porsche có Taycan và BMW thì có iX3 và xa hơn là Vision iNext. Đặc biệt, Tesla – cái gai trong mắt các hãng xe truyền thống – liên tục tăng doanh số, dù bán hàng chủ yếu bán online.

Phát triển năng lượng điện rồi sử dụng cho xe hơi, các hãng dần đạt mục tiêu hướng khách hàng (Educating Customers) khi xe điện đang có sức lôi cuốn với nhóm khách hàng mới. Bởi lẽ, các nhà sản xuất ôtô đều chạm tới đỉnh cao của thiết kế, hiệu suất, tiện nghi thì mức độ uy tín của sản phẩm thân thiện môi trường lại trở thành chìa khoá để lôi kéo khách, những người ngày càng trẻ.

Đó là hiệu ứng “Greta Thunberg“, theo quan điểm của Michael Perschke, CEO của Automobili Pininfarina. Greta Thunberg, cô gái 16 tuổi nổi tiếng khắp thế giới có ảnh hưởng lớn tới giới trẻ. Có những luồng ý kiến trái chiều về cách nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển tiếp cận, nhưng “phải bảo vệ môi trường” là điều không ai tranh cãi, từ việc hạn chế xả rác tới sản xuất chiếc ôtô điện khí hoá.

Thế giới hiện có khoảng 18 triệu người giàu với mức tài sản đầu tư hơn 1 triệu USD. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên thành 30 triệu người vào năm 2030. Nhiều người trong số đó đến từ Việt Nam. Nhưng nhận thức về môi trường của người giàu Việt còn hạn chế, bởi vậy hybrid cũng như xe điện chưa thể phát triển ngay tại Việt Nam.

“Thật khó để thuyết phục khách Việt sở hữu xe điện, ít nhất là 5 năm nữa”, Lưu Bảo Hương, Phó tổng giám đốc Volvo Cars Việt Nam nhận định. Với hybrid, với xe điện, điều khách nhìn thấy là rủi ro sửa chữa, bảo dưỡng sẽ tốn tiền hơn hoặc “không phù hợp điều kiện khí hậu”. Những yếu tố về lượng khí thải, mức tiêu thụ nhiên liệu, không có nhiều ý nghĩa.

Porsche Taycan, xe chạy điện đầu tiên của hãng. Ảnh: Porsche
Porsche Taycan, xe chạy điện đầu tiên của hãng. Ảnh: Porsche

Lãnh đạo các hãng xe từ bình dân tới sang trọng cùng chung nhận định. Hệ quả thể hiện qua cấu trúc dải sản phẩm đang bán. Yếu tố “electric” xuất hiện lác đác ở vài hãng theo dạng tích hợp một mô tơ điện hỗ trợ, như EQ-Boost của Mercedes hay có riêng bản hybrid như Lexus RX. Số lượng thì quá ít, thậm chí ít hơn các showroom bán lẻ không chính hãng, bởi vậy không “bõ bèn” để thống kê doanh số.

Cách Hà Nội và TP HCM chỉ 2 giờ bay, tương đồng về tập quán và khí hậu, tại Bangkok con số này ngược lại. Xe xanh (hybrid, điện) chiếm 2% (khoảng 12.200 chiếc) trong doanh số ôtô năm 2018. Mục tiêu của nước này là tới 2025, xe chạy điện hoàn toàn sẽ chiếm 10% thị phần, theo Nation Thailand. Trong khi đó tại Trung Quốc, năm 2018 các hãng bán được gần 1,2 triệu xe liên quan tới động cơ điện, chiếm 4% thị phần.

Một lý do lớn để các thị trường xung quanh đã bước đầu phát triển được xe hybrid, plug-in hybrid, xe điện hoàn toàn là bởi chính phủ có chiến lược ưu đãi xe xanh tốt hơn Việt Nam. Ví như ở Thái Lan, các hãng sản xuất xe xanh sẽ được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thuế thu nhập doanh nghiệp 5-8 năm, tuỳ loại hình. Hàm lượng “xanh” càng cao, ưu đãi càng lớn. Ngay cả xe xanh nhập khẩu, nước này cũng giảm thuế.

Các hãng xe cho rằng hiện Việt Nam chưa có những chính sách đủ nặng để thúc đẩy sản xuất, phân phối xe hybrid, xe điện. Năm 2017 từng nổ ra băn khoăn giữa hãng xe với Bộ Tài chính khi bộ chỉ xác định xe plug-in hybrid (nạp điện ngoài) được ưu đãi, còn hybrid thông thường thì không. Giữa năm đó, Toyota đưa chiếc Prius, mẫu xe hybrid đình đám về Việt Nam, tổ chức chương trình cho giới truyền thông chạy thử, nhưng sau đó không thể bán ra thương mại vì vướng mắc nhiều chính sách liên quan thuế.

Những trở ngại về chính sách ảnh hưởng tới giá xe sẽ trở thành rào cản khó khăn cho xe hybrid, xe điện phổ thông. Nhưng với xe sang, câu chuyện có thể không chỉ đơn thuần ở giá. Giống như việc được thể hiện là một người suy nghĩ cho môi trường.

“Đó không chỉ là xe điện, mà là ngành di chuyển”, Keith Schafer nói. Khi những chiếc xe chạy điện khiến người giàu ưa thích, có thể cũng là lúc các hãng lên kế hoạch cho những hình thức, phương tiện mới trong tương lai.

Điều này chỉ làm được, khi khách hàng không còn coi xe hơi là đích phấn đấu hay một phần trong danh sách “must-buy” để chứng minh độ giàu có. Khi đó, người ta dùng xe hơi, và nghĩ tới lợi ích của nhiều người.

Đức Huy

theo vnexpress.net

BÌNH LUẬN