Trong bối cảnh hội nhập ngày một sâu rộng, việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (DN) diễn ra ngày càng phổ biến đòi hỏi các DN Việt Nam cần phải nhận thức sâu sắc hơn nữa về tầm quan trọng của sức mạnh tài sản sở hữu trí tuệ. DN cần có chiến lược tạo ra những điểm khác biệt cho thương hiệu, nhãn hiệu, chú trọng khả năng gắn kết vào tâm trí người tiêu dùng từ hoạt động quảng cáo.

Sáng chế còn chiếm tỷ lệ quá nhỏ trong cơ cấu tài sản DN

Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Thương hiệu trong chiến lược phát triển doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA) phối hợp với Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST), Hiệp hội nhãn hiệu quốc tế (INTA) tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh, ngày 26/2.

doanh nghiep can co chien luoc tao ra nhung diem khac biet cho thuong hieu nhan hieu
Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu – yếu tố quan trọng để DN nâng cao năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa

Thống kê được đưa ra tại hội thảo cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2011-2015, trong cơ cấu tài sản của DN, vấn đề sáng chế, giá trị thương hiệu, nhãn hiệu chỉ chiếm hơn 1% và giá trị kiểu dáng công nghiệp trong cơ cấu tài sản của DN chỉ chiếm hơn 17%. Đó là một con số rất nhỏ so với số DN hiện có ở Việt Nam. Trong khi đó, trên thế giới, tài sản sở hữu trí tuệ được xem là nền tảng để phát triển DN.

Ông Lương Minh Huân, Phó Viện trưởng Viện Phát triển DN – VCCI, nhiều DN quan niệm xây dựng thương hiệu tốn kém chi phí, chỉ những DN lớn mới có nhiều tiềm lực, nên trên thực tế không ít DN phát triển thiếu bền vững, chưa có thương hiệu để thâm nhập thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, một bộ phận DN mới chỉ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu tại thị trường trong nước, chứ chưa mở rộng đăng ký tại các thị trường trọng điểm xuất khẩu, cũng như thế giới.

Khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và quốc tế, với nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa nhưng cũng sẽ dẫn đến việc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, không chỉ ở thị trường quốc tế mà ngay tại thị trường trong nước. Theo đó, việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu không chỉ là yếu tố then chốt để DN có thể cạnh tranh trong thị trường thương mại tự do, mà còn là điều cần thiết giúp DN có được tấm vé thông hành ra thị trường quốc tế.

Cùng quan điểm này, ông Seth Hay, Trưởng đại diện Văn phòng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, INTA cho biết, thương hiệu, nhãn hiệu đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đây là những tín hiệu cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, giúp họ đưa ra quyết định mua hàng, tin dùng sản phẩm và dịch vụ… Sự cạnh tranh sẽ thúc đẩy việc kinh doanh trên thị trường, đòi các thương hiệu, nhãn hiệu phải đổi mới, cải tiến để tung sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường. Bên cạnh đó, tiếp thị thương hiệu không chỉ đơn thuần là chi phí mà DN chi ra nhằm khẳng định sự hiện diện của mình, mà là một khoản đầu tư cần thiết mang lại lợi ích tài chính lâu dài cho công ty.

Cần tạo ra những điểm khác biệt cho thương hiệu, nhãn hiệu

Theo ông Nigel Hollis – Đại diện Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Milward Brown, DN cần đảm bảo thương hiệu được nhận ra ngay lập tức và tạo nên một phản ứng tích cực tức thì. Trong đó, cần nhiều giải pháp tạo sự liên tưởng sản phẩn cho thương hiệu như slogan thể hiện chiến lược định vị, quy trình xây dựng và phát triển, xu hướng thiết kế theo hướng ứng dụng mobile.

Mặt khác, hiện nay tiếp thị số và tiếp thị truyền thống cùng tồn tại trong tiếp thị 4.0, với mục tiêu cuối cùng là giành được sự ủng hộ của khách hàng. Chính vì vậy, DN cũng cần cập nhật chỉ số đánh giá hiệu quả tiếp thị 4.0 bằng những chỉ số tỷ lệ chuyển đổi thành đơn hàng, ủng hộ thương hiệu…

Ông Mai Hà, Chủ tịch VIPA cho rằng, DN cần tìm ra phương thức xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu của công ty mình. Đồng thời, nâng cao giá trị DN bằng những hoạt động chú trọng tạo ra những giá trị cốt lõi và phát triển bền vững.

Tiến sĩ Nguyễn Như Quỳnh – Phó Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, việc định giá xây dựng và phát triển thương hiệu của DN vô cùng quan trọng đối với các DN, để chúng ta có thể làm được những việc như đưa vào cổ phần hóa, góp vốn vào tài sản kinh doanh của DN, đầu tư, nhượng quyền… “Đối với Việt Nam, rất nhiều DN còn băn khoăn ở câu chuyện là không biết nhãn hiệu, thương hiệu mà mình đang sở hữu, đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh của mình thì có giá trị là bao nhiêu? Bởi vậy DN cần nhận thức đầy đủ hơn về vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu cũng như vấn đề định giá tài sản là vô cùng quan trọng” – tiến sĩ Quỳnh nhấn mạnh.

Thanh Thanh

Theo Congthuong.vn

BÌNH LUẬN