Hội nghị quốc tế về ngôn ngữ học máy tính – PACLING 2019 đang diễn ra tại Hà Nội, trong các ngày từ 11-13/10/2019. Đây là lần đầu tiên hội nghị có quy mô và uy tín lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương về lĩnh vực này được tổ chức tại Việt Nam.

PACLING lần thứ 16 quy tụ gần 100 nhà khoa học thuộc hàng chục trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương (Nhật Bản, Canada, Ấn Độ, Australia, Trung Quốc,…) cùng nhiều diễn giả uy tín đến từ các nước có nền khoa học cơ bản phát triển mạnh như Anh, Pháp, Ireland.

Tại đây, các nhà khoa học sẽ thảo luận xoay quanh 16 chủ đề chính của ngôn ngữ học máy tính gồm ngữ âm học, phân tích hình thái, ngôn ngữ nói và đối thoại, tài nguyên ngôn ngữ, dịch máy, xử lý ngôn ngữ dựa trên Corpora và Corpus,… với 40 bài báo cáo chuyên sâu về những nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực ngôn ngữ học máy tính, sẽ được các tác giả công bố, phân tích sau quá trình nghiên cứu và thực nghiệm lâu dài.

Các báo cáo nghiên cứu giá trị này sẽ góp phần thúc đẩy ứng dụng ngành Ngôn ngữ học máy tính trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học, giáo dục… Cụ thể như thiết kế hệ thống nhận diện giọng nói, hệ thống trả lời giọng nói tự động, công cụ tìm kiếm web, trình soạn thảo văn bản, tài liệu giảng dạy về ngôn ngữ,…

thao luan ve nhung nghien cuu moi nhat trong linh vuc ngon ngu may tinh
PACLING lần thứ 16 quy tụ gần 100 nhà khoa học thuộc hàng chục trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương

Cùng phần triển lãm trình diễn các sáng kiến, giải pháp công nghệ hấp dẫn, PACLING 2019 giúp cộng đồng khoa học công nghệ Việt Nam được cập nhật những xu hướng mới của thế giới, các nghiên cứu chuyên sâu có giá trị cho sự phát triển của nền khoa học công nghệ Việt Nam.

Đặc biệt Pacling sẽ có 04 bài trình bày của các nhà khoa học đầu ngành: “Hiểu và đánh giá ngôn ngữ tự nhiên” của GS. Kentaro Inui (ĐH Tohoku, Nhật Bản), “Khắc phục những hạn chế trong Đại diện từ điển thông qua Học tập nhúng” của GS Danushka Bollegala (ĐH Liverpool, Anh), “Hai hệ thống hộp thoại cho hai môi trường khắc nghiệt: WEKDA và SOCDA” của TS. Kentaro Torisawa (Viện Công nghệ Truyền thông và Thông tin quốc gia, Nhật Bản), “Xử lý lời nói và học sâu – các xu hướng nghiên cứu mới nhất” của GS. Tomoko Matsui (Viện Toán học Thống kê Tokyo, Nhật Bản).

Các báo cáo tại hội nghị sẽ được tập hợp và xuất bản trong một chuỗi ấn phẩm của Nhà xuất bản Springer, một nhà xuất bản có uy tín trong giới khoa học – công nghệ thế giới.

Trưởng Ban Tổ chức Pacling 2019 là TS. Nguyễn Khắc Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học FPT, GS. Koiiti Hasida – ĐH Tokyo và GS Satoshi Tojo – Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản. Hội đồng chuyên môn có sự tham gia của 2 nhà khoa học Việt Nam là ông Nguyễn Lê Minh, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản và ông Phan Xuân Hiếu, Trường ĐH Công nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội làm Đồng Chủ tịch.

Thu Hằng

Theo congthuong.vn

BÌNH LUẬN