Đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong những phương pháp tốt nhất để đạt được hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh và giành được vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, nhà nước và doanh nghiệp (DN) cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho KH&CN và ưu tiên tương xứng.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây đã giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên khoảng 43,3% trong giai đoạn 3 năm (2016-2018); giai đoạn 2016-2020 ước đạt 43,5%. Tính chung 10 năm (2011-2020) vượt mục tiêu chiến lược đề ra (35%). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2015 là 4,3%/năm, giai đoạn 2016-2018 đã tăng lên 5,8%/năm.

dau tu cho khoa hoc va cong nghe nhan thuc dung tam quan trong
Các DN lớn quan tâm nhiều hơn đến đầu tư cho KH&CN

Những con số này cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng và sự thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị. Đồng thời, khẳng định KH&CN đã có nhiều tiến bộ, đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Điều này càng được thể hiện rõ hơn ở thành tựu phát triển của các ngành, lĩnh vực nổi bật như công nghiệp, nông nghiệp, tài chính – ngân hàng, xây dựng, giao thông, y tế… Đặc biệt, theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), trong những năm gần đây, Việt Nam luôn tăng hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Thành tựu đó là nhờ kết quả của đầu tư cho KH&CN. Theo Bộ KH&CN, trong những năm gần đây, kinh phí đầu tư cho KH&CN của Việt Nam gia tăng đều qua các năm. Đáng chú ý, tỷ trọng đầu tư cho KH&CN giữa nhà nước và DN không còn ở mức 7:3 như đầu thập kỷ này mà đổi lại là mức 5,2:4,8. Các DN lớn quan tâm nhiều hơn đến đầu tư cho KH&CN; DN vừa và nhỏ cũng đã có sự quan tâm bước đầu và đầu tư cho KH&CN; DN KH&CN tăng trưởng ngày càng rõ nét trong phát triển kinh tế; DN đổi mới sáng tạo, startup của Việt Nam đã có bước trưởng thành mạnh mẽ, tiếp cận, cạnh tranh được với các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế.

Tuy nhiên, nhìn chung, tỷ lệ chi cho KH&CN trên GDP chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước. Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng đánh giá: Việt Nam đang tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ, về đổi mới sáng tạo và năng suất lao động so với một số nước ở châu Á như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Ông Sacha Wunsch Vincent – chuyên gia cao cấp của WIPO – cho rằng, trong vòng 3 năm tiếp theo sẽ quyết định Việt Nam có thể vươn lên vị trí của một quốc gia đột phá về đổi mới sáng tạo và vượt qua được bẫy thu nhập trung bình hay không. Theo đó, Việt Nam cần có sự đầu tư thích đáng cho nghiên cứu và phát triển, bởi hiện nay, tỷ lệ chi cho nghiên cứu và phát triển so với GDP của Việt Nam chỉ khoảng 0,5%, trong khi thông thường để thay đổi về chất của đổi mới sáng tạo thì mức đầu tư này phải gấp ba lần, ở mức 1,5%.

Để KH&CN thực sự trở thành động lực và nền tảng phát triển kinh tế – xã hội thì cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để tăng cường đầu tư cho KH&CN không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ DN; nâng cao nhu cầu công nghệ tự thân của DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ.

Quỳnh Nga

Theo Congthuong.vn

BÌNH LUẬN