Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 20,2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm. Trong đó, ghi nhận sự tăng mạnh của dòng vốn thông qua hoạt động góp vốn, mua bán sáp nhập.

7 tháng đầu đầu năm, trong số 20,2 tỷ USD đăng ký đổ vào Việt Nam, các nhà đầu tư ngoại rót tiền vào gần 4.390 dự án góp vốn, mua cổ phần (trên 8,5 tỷ USD), tăng 78% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI giải ngân khoảng 10,55 tỷ USD.

Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 55 tỉnh, thành phố. Hà Nội thu hút nhiều vốn FDI nhất, chiếm 24%, đạt gần 4,9 tỷ USD; tiếp đó là TP. Hồ Chí Minh với 18%, đạt 3,54 tỷ USD và Bình Dương, chiếm 8,6%, đạt 1,73 tỷ USD.

fdi chay manh qua von gop mua co phan
Bất động sản hấp dẫn vốn FDI

Xét theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư ngoại đầu tư vào 19 ngành hàng, lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm nhất, với 14,5 tỷ USD. Bất động sản đứng thứ 2 với gần 1,5 tỷ USD và bán buôn, bán lẻ thu hút hơn 1 tỷ USD. Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, sau 7 tháng, các dự án FDI đã nhập 82,5 tỷ USD kim ngạch hàng hóa; xuất khẩu (kể cả dầu thô) đạt 101,1 tỷ USD. Như vậy, khu vực này xuất siêu hơn 18,6 tỷ USD.

Hồng Kông (Trung Quốc) đang là nhà đầu tư lớn nhất trong hoạt động góp vốn, mua bán sáp nhập với hơn 4 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm. Như vậy, lũy kế cả vốn đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, hiện Hồng Kông đang dẫn đầu đầu tư FDI vào Việt Nam với 5,44 tỷ USD. Hàn Quốc là nhà đầu tư đứng thứ 2 với 3,13 tỷ USD; Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản đứng ở các vị trí tiếp theo với lần lượt số vốn đầu tư 2,45 tỷ USD, 2,29 tỷ USD và 2,25 tỷ USD.

Các dự án đầu tư lớn của Hồng Kông vào Việt Nam có thể kể đến: Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội; dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek (Hongkong) co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh; dự án Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam với mục tiêu thiết kế, lắp ráp và sản xuất linh kiện điện tử tại Hà Nội điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 200 triệu USD.

Có thể nói, trong nhiều năm trở lại đây, hoạt động mua bán và sáp nhập trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, từ nay đến cuối năm, vốn FDI sẽ tiếp tục vào Việt Nam, nhất là tại các lĩnh vực như bất động sản, tài chính, năng lượng… thông qua hình thức này.

Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) được dự báo sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI do mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam được tăng thêm, đặc biệt trong một số ngành dịch vụ chuyên môn, tài chính, viễn thông, vận tải, phân phối.

Nguyễn Hường

Theo Congthuong.vn

BÌNH LUẬN