Học sinh lớp 12 TP Đà Nẵng tham gia kỳ thi thử THPT quốc gia do Sở GD&ĐT Đà Nẵng tổ chứcHọc sinh lớp 12 TP Đà Nẵng tham gia kỳ thi thử THPT quốc gia do Sở GD&ĐT Đà Nẵng tổ chức

GD&TĐ – Đến thời điểm này, các địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã hoàn tất công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức tập huấn nghiệp vụ thi THPT quốc gia 2019 cho các thành viên ban coi thi, lãnh đạo, thanh tra, thư ký các điểm thi, lên các phương án in sao, vận chuyển và bảo mật đề thi. Các địa phương đều quyết tâm kiểm soát chặt chẽ mọi khâu, mọi bước trong quá trình tổ chức thi…

Xử lý các tình huống giả định

Trong buổi tập huấn nghiệp vụ thi THPT quốc gia 2019 do Sở GD&ĐT Quảng Nam tổ chức, một số tình huống giả định có thể xảy ra trong phòng thi như thí sinh quên không mang theo thẻ dự thi; thí sinh sử dụng mực khác màu để làm bài thi; đề thi bị mờ, nhòe… hay cách bốc thăm phát đề trắc nghiệm, cách niêm phong bì đựng bài thi, thậm chí đến việc hướng dẫn thí sinh tô số báo danh, mã số đề thi… đều được đưa ra để hướng dẫn kỹ càng.

Ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết, để có một kỳ thi an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế thì những người tham gia quá trình tổ chức kỳ thi phải nắm vững quy chế, nghiệp vụ. Các kinh nghiệm trong công tác coi thi, tổ chức thi đều phải được lưu ý hết sức và được nhắc đi nhắc lại trong mỗi kỳ thi cho dù đó có thể là quy định không mới như cán bộ coi thi, cán bộ chiến sĩ tham gia bảo vệ kỳ thi không được đem điện thoại di động vào khu vực thi hay giám thị không ký nhầm vào ô giám khảo…

“Thi cử khó nói trước được điều gì. Có những quy định năm nào cũng phổ biến, tập huấn cho giáo viên làm công tác coi thi nhưng những năm qua, ở nơi này nơi khác, vẫn có sai sót như giám thị ký vào ô giám khảo; thế nên, cán bộ làm công tác thi phải hết sức trách nhiệm, cẩn thận, tránh những sai sót dù là nhỏ nhất” – ông Quốc chia sẻ.

Bà Lê Thị Bích Thuận – Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Một kinh nghiệm của Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã được áp dụng có hiệu quả là in và phát cẩm nang cho cán bộ coi thi như lúc nào thì phát đề thi, quy trình thu bài, vị trí ký của giám thị trong bài thi… để sử dụng trong suốt kỳ thi, tránh những sai sót đáng tiếc ảnh hưởng đến tâm lý làm bài của thí sinh. Trong tập huấn nghiệp vụ thi, các CB, GV làm công tác thi đều được nhắc đi nhắc lại phải tuân thủ và không được sáng tạo quy chế thi, không được đơn phương xử lý vấn đề và đặc biệt là không được thực hiện các “chỉ đạo miệng”.

Thời gian qua, Đà Nẵng luôn là một trong các địa phương được Bộ GD&ĐT đánh giá rất cao về công tác xây dựng kế hoạch, triển khai bảo vệ, đảm bảo cho các kỳ thi tuyển sinh diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. In cẩm nang để phát cho cán bộ coi thi cũng sẽ được Sở GD&ĐT Quảng Nam, Quảng Ngãi thực hiện trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019 này để cung cấp thông tin cũng như những điều cần lưu ý trong quy chế thi.

Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho biết, đến nay về cơ bản các đơn vị phối hợp đã xây dựng kế hoạch và sớm triển khai công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho kỳ thi. Công an tỉnh đã có phương án bảo đảm an ninh, an toàn trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi; Sở Y tế có phương án bố trí xe cấp cứu và cán bộ trực tại các điểm thi, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm…; Điện lực Quảng Ngãi cũng hoàn thành phương án cung cấp điện đầy đủ cho 31 điểm thi, địa điểm sao in đề thi, chấm thi. Trước đó, qua kiểm tra, khảo sát, một số điểm thi không đảm bảo để tổ chức kỳ thi như Trường THPT Nguyễn Công Trứ, Trường THPT Lý Sơn do đang sửa chữa hoặc xuống cấp, Hội đồng thi đã chuyển sang các trường đảm bảo điều kiện ở lân cận để làm điểm thi.

Ảnh minh họa

Tạo mọi điều kiện cho thí sinh vùng khó

Kỳ thi THPT quốc gia 2019, tỉnh Kon Tum có 12 điểm thi, trong đó có 6 điểm thi tại TP Kon Tum và 6 điểm thi đặt tại các huyện. Sở GD&ĐT Kon Tum đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các trường phổ thông dân tộc nội trú phối hợp với các trường THPT trên địa bàn bố trí chỗ ăn, nghỉ cho HS các trường phổ thông dân tộc nội trú và hỗ trợ chỗ nghỉ cho HS ở xa về dự thi.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có quyết định chi gần 1,4 tỷ đồng cho Sở GD&ĐT để phục vụ cho việc hỗ trợ ôn tập cho học sinh lớp 12 ở các huyện miền núi dự thi THPT quốc gia. Theo đó, 100% HS lớp 12 các trường THPT ở 6 huyện miền núi sẽ được ôn thi miễn phí tại trường, riêng HS người dân tộc được hỗ trợ tiền ăn, gạo để ở lại trường ôn tập cho đến sát ngày dự thi THPT quốc gia. Được biết, UBND các huyện miền núi cũng có chủ trương hỗ trợ cho GV, HS trong việc ôn tập chuẩn bị thi, có kế hoạch hỗ trợ phương tiện đưa đón, ăn ở trong những ngày diễn ra Kỳ thi THPT quốc gia.

Trước đó, Sở GD&ĐT Quảng Nam cũng tổ chức các đoàn công tác do thành viên Ban Giám đốc Sở làm trưởng đoàn cùng với chuyên viên của Phòng GD Trung học và GV cốt cán bộ môn kiểm tra công tác giảng dạy và chất lượng học tập của HS. Dựa trên kết quả khảo sát, đoàn đã đưa ra những định hướng, giải pháp nhằm hỗ trợ các trường THPT miền núi tổ chức ôn thi để đạt hiệu quả cao nhất, đảm bảo mục tiêu “chống trượt, chống liệt”.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Trường THPT A Túc (xã A Túc, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) chỉ có 77 thí sinh dự thi nhưng Sở GD&ĐT Quảng Trị quyết định tổ chức một điểm thi độc lập tại đây.

Bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết: “Đây là những trường có khoảng cách khá xa so với địa bàn trung tâm nên để tạo thuận lợi cho thí sinh dự thi có tâm lý, sức khỏe thật thoải mái, chúng tôi quyết định đặt các điểm thi độc lập ngay tại trường để cho HS đi lại dễ dàng”. Trường THPT A Túc đã quyết định giữ chân học sinh lớp 12 ở lại trường để duy trì ôn thi cho đến gần sát ngày thi THPT quốc gia, dành mọi điều kiện tốt nhất về điều kiện học tập, ưu tiên bố trí đội ngũ GV vững chuyên môn, tâm huyết để hỗ trợ tốt nhất cho HS trong quá trình ôn tập.

Hà Nguyên

Theo Giaoducthoidai.vn

BÌNH LUẬN