Ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An – trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương xung quanh những giải pháp đã và sẽ được triển khai nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp (DN).

Năm 2018, Long An là địa phương có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Xin ông cho biết đôi nét về sự đóng góp của ngành Công Thương Long An vào thành công chung của tỉnh?

nganh cong thuong long an sat canh cung doanh nghiep

Năm vừa qua, chúng tôi thường xuyên tổ chức các Hội nghị đối thoại với DN xuất khẩu trên địa bàn và tham mưu UBND tỉnh định hướng các giải pháp thực hiện để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.

Cụ thể, chúng tôi đã tổ chức gặp gỡ giữa Cục Xuất nhập khẩu và các DN xuất nhập khẩu trên địa bàn; tổ chức gặp gỡ, trao đổi để tìm hiểu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu gạo và thanh long; khảo sát hoạt động của các DN chế biến gạo và điều… Ngoài ra, Sở Công Thương còn tổ chức thành công đoàn công tác đi xúc tiến tiêu thụ hàng hóa nông sản tại Campuchia; mời DN tham gia các đoàn xúc tiến thương mại tại Trung Quốc, EU, New Zealand, Australia; phối hợp với Tham tán thương mại kết nối đoàn DN đến tham quan, khảo sát thị trường…

Với sự đồng hành, quyết liệt trên, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Long An đạt 5,1 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2017 và đứng đầu các tỉnh khu vực ĐBSCL. Tiếp đà của năm 2018, chúng tôi đặt kế hoạch năm nay sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 5,9 tỷ USD (tăng 15,7%). Kết quả 2 tháng đầu năm 2019 đạt trên 800 triệu USD (tăng 13,4%) – cho thấy mục tiêu năm nay hoàn toàn khả thi.

Thời gian tới, để hoàn thành những mục tiêu đề ra, Sở Công Thương sẽ thực hiện hỗ trợ DN như thế nào, thưa ông?

Từ ngày 1/1/2019, xuất khẩu không đưa vào chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh, tuy nhiên Sở vẫn thường xuyên theo dõi và kịp thời tham mưu UBND tỉnh đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN. Cụ thể, thời gian tới chúng tôi đề xuất đẩy mạnh công tác hỗ trợ DN liên kết sử dụng sản phẩm của nhau nhằm hạn chế nhập khẩu. Đối với hàng hóa nông sản, chúng tôi xác định phải tuyên truyền cho nông dân hiểu rõ những yêu cầu của thị trường cũng như danh mục, quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…

Cùng với các giải pháp trên, ngành Công Thương Long An sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường mới bên cạnh thị trường truyền thống; tuyên truyền cho DN nắm rõ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để tận dụng hiệu quả hơn. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN xuất khẩu tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng với hạn mức, lãi suất, tỷ giá linh hoạt.

Cải cách hành chính đang được tỉnh Long An nói chung và Sở Công Thương nói riêng thực hiện quyết liệt nhằm nâng Chỉ số năng lực cạnh tranh cho tỉnh và tạo môi trường thuận lợi cho DN kinh doanh xuất khẩu. Ông có thể cho biết một số thông tin cụ thể về vấn đề này?

Một trong những phương châm hành động của chúng tôi là hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của DN. Vì thế, năm qua, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính (TTHC) mới, sửa đổi bổ sung và bãi bỏ thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở, gồm: Ban hành mới 38 TTHC; sửa đổi và bổ sung 46 TTHC; bãi bỏ 51 TTHC. Bên cạnh đó, thực hiện rà soát, đơn giản hóa TTHC theo Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Công Thương đã rút ngắn thời gian giải quyết TTHC 5 ngày đối với 2 TTHC có liên quan về lĩnh vực điện.

Năm 2019, chúng tôi sẽ tiếp tục loại bỏ, sửa đổi những thủ tục không phù hợp; phấn đấu 100% hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn; trong đó, trên 60% hồ sơ TTHC được giải quyết trước hạn; duy trì và cải tiến việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO vào giải quyết công việc có liên quan đến TTHC.

Xin cảm ơn ông!

Thùy Dương

Theo Congthuong.vn

BÌNH LUẬN