Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Dự báo, năm 2020, doanh thu bán lẻ TMĐT có thể đạt tới 13 – 15 tỷ USD.

Tăng trưởng nhanh

Theo ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) – doanh thu bán lẻ TMĐT năm 2018 khoảng 8 tỷ USD, tăng vượt mức so với mức dự báo 7 tỷ USD trước đây. Doanh thu bán lẻ TMĐT năm 2016 và 2017 lần lượt ở mức 5 tỷ USD và 6,2 tỷ USD, tăng trưởng lần lượt 20% và 24%. “Năm 2020, doanh thu bán lẻ TMĐT có thể khả quan hơn rất nhiều, khoảng 13 – 15 tỷ USD” – ông Đặng Hoàng Hải cho biết. Con số dự báo đưa ra cho mốc này trước đó chỉ ở mức 10 tỷ USD.

thuong mai dien tu bat nhip de tang toc
Shopee mang đến cho người tiêu dùng nhiều tiện ích

Nhận định về tiềm năng của thị trường TMĐT Việt Nam, nghiên cứu của Google và Temasek cho biết, Việt Nam hiện là thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 40% và dự kiến sẽ là thị trường lớn thứ hai khu vực vào năm 2025. Bản báo cáo Toàn cảnh TMĐT khu vực Đông Nam Á năm 2018 của iPrice Group đã xếp hạng 10 trang TMĐT có lượng truy cập cao nhất khu vực Đông Nam Á, trong đó 5 công ty hiện đang có mặt tại Việt Nam gồm: Lazada, Shopee, Tiki, Thegioididong và Sendo.

Ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam – chia sẻ: 2018 là năm phát triển đầy ấn tượng của Shopee Việt Nam. Theo Báo cáo thị trường mua sắm trực tuyến năm 2018 do Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me thực hiện, Shopee đã vươn lên chiếm 35% thị trường, dẫn đầu thị trường TMĐT Việt Nam. “Trong năm qua, Shopee Việt Nam đã gia tăng hợp tác với các thương hiệu hàng đầu. Đến nay, Shopee có hơn 700 thương hiệu hàng đầu và nhà bán hàng hoạt động, mang đến cho người dùng nhiều lựa chọn hàng hóa với giá ưu đãi nhất” – ông Trần Tuấn Anh thông tin.

Góp mặt vào tiến trình phát triển của TMĐT Việt Nam, ông Lê Anh Huy – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Sendo – cho biết: Sendo đã thành công vượt bật trong năm 2018 với mức tăng trưởng gấp ba lần so với năm 2017, phục vụ hơn 10 triệu khách hàng trên khắp cả nước. Một điểm đáng ghi nhận là có đến 80% khách mua hàng bằng ứng dụng Sendo – điều kiện tốt để phát triển thương mại di động.

Hóa giải các rào cản

Tuy nhiên, theo đánh giá các chuyên gia, TMĐT tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, rào cản nên rất khó để có thể tăng tốc, bắt nhịp nhanh chóng cùng thế giới. “Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều thách thức liên quan đến vấn đề pháp lý, kỹ năng phát triển TMĐT, nhiều rào cản về niềm tin, quyền bảo mật của các bên tham gia…” – ông Đặng Hoàng Hải thừa nhận.

Bên cạnh đó, hoạt động TMĐT Việt Nam chưa có sự phát triển đồng đều và thống nhất. Cụ thể, trong thời gian qua, TMĐT tại các thành phố lớn khá phát triển. Trong khi đó, việc hỗ trợ TMĐT tại các địa phương còn kém, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa.

Đáng chú ý, hạ tầng dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT như hạ tầng hóa đơn và chứng từ điện tử, thanh toán, logistics hiện đang phát triển ở các mức độ khác nhau, thiếu sự đồng bộ và thiếu tính kết nối.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển nhanh hệ thống TMĐT, hạ tầng phụ trợ cho TMĐT cần được đẩy mạnh phát triển đồng bộ, song song. Trước tiên, hạ tầng pháp lý cho TMĐT cần được liên tục cập nhật với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh toàn diện, theo kịp thực tiễn phát triển của các mô hình và hoạt động TMĐT khác nhau trong xã hội. Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia cần tiếp tục hoàn thiện, tích hợp các giải pháp thanh toán bảo đảm để sử dụng rộng rãi cho các mô hình TMĐT, đặc biệt loại hình TMĐT doanh nghiệp (DN) – người tiêu dùng (B2C), DN – DN (B2B), chính phủ – người dân (G2C), chính phủ – DN (G2B).

Ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số: Cần chú trọng triển khai hiệu quả Chương trình Phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014-2020 của Việt Nam với 7 mục tiêu chính gồm: Xây dựng kết cấu hạ tầng T; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; phát triển các sản phẩm, giải pháp; tư vấn xây dựng kế hoạch ứng dụng TMĐT; hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hoạt động phát triển TMĐT.

Lan Anh

Theo Congthuong.vn

BÌNH LUẬN