Nhấn mạnh việc Uber, Grab phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, nhưng đại diện Bộ Công Thương không khẳng định 2 đơn vị này vi phạm cạnh tranh.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương tổ chức ngày 14/7, trước câu hỏi liên quan tới chuyện quản lý hoạt động của loại hình taxi Uber, Grab, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận, mô hình kinh doanh mới này vừa qua đã mang lại lợi ích tốt cho người tiêu dùng cả về giá cả, chất lượng.

Trước việc Uber, Grab liên tục tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá để cạnh tranh với taxi truyền thống, ông Hải cho hay, cơ quan này sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để theo dõi thêm.

“Doanh nghiệp liên tục khuyến mại không có nghĩa là vi phạm. Khi thấy doanh nghiệp khuyến mại nhiều mà kết luận ngay là họ vi phạm thì chưa chính xác. Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan quản lý ngành giao thông giám sát loại hình vận tải này, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng”, người phát ngôn Bộ Công Thương nói, nhưng cũng nhấn mạnh, “tất nhiên khi đã hoạt động tại Việt Nam thì Uber, Grab sẽ phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”.

bo-cong-thuong-uber-grab-lien-tuc-khuyen-mai-khong-co-nghia-vi-pham-canh-tranh

Bộ Công Thương khẳng định sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải giám sát chặt hoạt động của Uber, Grab.

Trước đó, cuối tháng 5/2017 Hiệp hội Taxi Hà Nội và Hiệp hội Taxi Việt Nam đã có công văn gửi Cục Xúc tiến thương mại, khiếu nại việc Uber và Grab vi phạm Luật Cạnh tranh khi liên tục đưa ra chương trình giảm giá, khuyến mại. Các Hiệp hội này cũng đưa ra hàng loạt ví dụ cho thấy Grab vi phạm quy định tổng thời gian giảm giá trong một năm không vượt quá 90 ngày, vi phạm quy định thời gian tối đa cho một chương trình giảm giá là 45 ngày, cũng như vi phạm quy định tổng giá trị hàng hoá dịch vụ dùng để khuyến mại không vượt quá 50% tổng giá trị hàng dùng để khuyến mại…

Theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Việt Nam, việc 2 đơn vị này bỏ cả nghìn tỷ đồng để khuyến mại, giảm giá nhằm thôn tính thị phần, “ép chết” doanh nghiệp taxi truyền thống.

Theo một tính toán của đơn vị này, thị phần số cuốc xe taxi của các hãng truyền thống đã giảm tới 60%, một lượng lớn khách hàng chuyển từ đi taxi sang xe ôm Uber hay Grab.

Trong một diễn biến liên quan tới việc giảm thị phần sau sự xuất hiện của mô hình kinh doanh taxi mới, hãng taxi Vinasun mới đây cho biết, chỉ riêng trong quý I năm nay, đã có 4.239 người lao động nghỉ việc và 300 đầu xe phải nằm bãi, mà nguyên nhân chính được cho là chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh “thiếu lành mạnh” của Uber và Grab.

* Taxi Uber, Grab khác gì nhau?

Anh Minh/Theo VnExpress

BÌNH LUẬN