Năm 2018, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng lẫn doanh thu. Để tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo, du lịch ĐBSCL sẽ đẩy mạnh hợp tác liên kết và phát triển xúc tiến quảng bá, mở rộng thị trường.

Du khách đến ĐBSCL năm 2018 đạt khoảng 40 triệu lượt khách, tăng 17%, trong đó du khách quốc tế có khoảng 3,4 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu du lịch của vùng đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2017.

Để tăng trưởng về số lượng, doanh thu trong năm 2019, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL sẽ tập trung đẩy mạnh công tác hợp tác liên kết, phát triển của hai cụm liên kết phía Đông và phía Tây; kết nối, xúc tiến quảng bá, mở rộng thị trường ở phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, các thị trường quốc tế ở Đông Nam Á, Đông Á.

du lich dong bang song cuu long lien ket phat trien
Chợ nổi Cái Bè – điểm thu hút khách du lịch

Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp – Cụm trưởng Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL vừa xây dựng chương trình liên kết giữa Cụm với TP. Hồ Chí Minh năm 2019. Theo chương trình liên kết, các tỉnh trong Cụm sẽ cùng với TP. Hồ Chí Minh chia sẻ thông tin, triển khai hoạt động du lịch, phát triển sản phẩm mới, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến du lịch và kêu gọi đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng môi trường du lịch… Bên cạnh đó, Cụm phía Đông ĐBSCL sẽ chú trọng phối hợp quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia và xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, trong đó phối hợp triển khai việc lập Quy hoạch tổng thể Phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt và Đề án Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL theo Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; nhằm xây dựng sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của từng địa phương để kết nối thành chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù của Cụm trong hợp tác với TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL cũng liên kết tạo ra các sự kiện chung trên cơ sở các sự kiện, lễ hội và tiềm năng du lịch của từng địa phương trong Cụm và TP. Hồ Chí Minh, xây dựng sự kiện du lịch chung của Cụm nhằm tranh thủ huy động mọi nguồn lực cũng như sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh.

Đại diện Lữ hành Saigontourist cho biết, ĐBSCL là khu vực có thế mạnh và tiềm năng du lịch rất lớn, do đó bắt đầu từ năm 2009, công ty đã lần lượt đầu tư, thiết lập hoạt động tại ĐBSCL các chi nhánh Saigontourist ở Cần Thơ, An Giang, Long An, Tiền Giang và Rạch Giá. Việc mở rộng hoạt động du lịch tại các chi nhánh này đóng vai trò tích cực trong tăng cường xúc tiến, hợp tác với các đơn vị đối tác du lịch địa phương, đẩy mạnh kích cầu du lịch và góp phần phát huy thế mạnh du lịch trong vùng.

“Thời gian tới, công ty sẽ có các hoạt động liên kết kinh doanh của các chi nhánh Saigontourist thuộc khu vực ĐBSCL tập trung vào cung ứng, giới thiệu đến du khách các sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL độc đáo, hấp dẫn, mang tính khác biệt so với các điểm đến khác tại Việt Nam”- đại diện lữ hành Saigontourist cho biết thêm.

Trong thời gian tới, các tỉnh ĐBSCL sẽ phối hợp triển khai hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch. Hàng năm tổ chức 1 chương trình hội nghị quảng bá, xúc tiến và kêu gọi đầu tư chung nhằm giới thiệu các dự án, tiềm năng phát triển điểm đến, các cơ sở cung cấp dịch vụ tại các địa phương trong khu vực với những chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư.

Hoàng Tỷ

Theo Congthuong.vn

BÌNH LUẬN