Trong vài thập niên gần đây, việc sử dụng Y học bổ sung và thay thế (CAM – Complementary Alternative Medicine) trên thế giới ngày càng tăng. Tần suất sử dụng CAM không chỉ tăng ở đối tượng người trưởng thành mà trong cả lĩnh vực nhi khoa. Y học cổ truyền (YHCT) được xem là một trong các liệu pháp thuộc hệ thống CAM, được sử dụng rộng rãi ở các nước châu Á.

Theo báo cáo của NIHS Hoa Kỳ năm 2007, 11.8% trẻ em từng sử dụng ít nhất một liệu pháp CAM. Không chỉ ở Việt Nam và Trung Quốc (hai nước có truyền thống sử dụng các phương pháp trị liệu như Thuốc từ thảo dược; Châm cứu; Dưỡng sinh), các nước khác thuộc khu vực Châu Á cũng dùng liệu pháp CAM song song với điều trị Tây y. Theo nghiên cứu tại Singapore, dân số trẻ em sử dụng thảo dược phổ biến và 80% cha mẹ sử dụng kết hợp YHCT với điều trị thường quy cho con họ, YHCT được sử dụng rộng rãi trong các bệnh lý, bao gồm bệnh nhiễm trùng, viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm da dị ứng, rối loạn tiêu hoá chức năng, rối loạn tâm thần kinh, bệnh lý huyết học, bệnh lý hệ niệu, cũng như nhiều bệnh lý khác trong thời kỳ trẻ em và dậy thì.

Tại Đài Loan, theo báo cáo của Cơ quan bảo hiểm quốc gia, tỷ lệ trẻ em sử dụng YHCT tăng từ 22% lên 22.5% trong 5 năm (2005 đến 2010). Độ tuổi 6-12 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (43-45%) trong các nhóm trẻ em sử dụng YHCT. Liệu pháp thảo dược được sử dụng nhiều nhất, sau đó đến châm cứu, và kết hợp cả hai. Xu hướng sử dụng thảo dược trong nhóm sử dụng YHCT tăng từ 65.6% lên 74.4% và châm cứu tăng từ 7.5% lên 11.4%. Trẻ em có các bệnh về viêm mũi dị ứng, khó tiêu, cơ xương khớp, rối loạn kinh nguyệt có xu hướng sử dụng YHCT.

Tại các nước phương Tây, tần suất sử dụng YHCT trong nhi khoa ngày càng tăng lên. Mô hình Y học tích hợp sử dụng CAM và YHHĐ (Y học hiện đại) vào trong bệnh nhi nội trú và ngoại trú của bệnh viện Kinderkrankenhaus St. Marien tại Đức đã được báo cáo bởi tác giả Marion Eckert và cộng sự năm 2018 [4]. Một số kỹ thuật được đưa vào ứng dụng thường quy tại bệnh viện bao gồm: (1) châm cứu huyệt Nội quan (P6) trên bệnh nhi hậu phẫu gây mê để ngăn ngừa nôn ói; (2) bấm huyệt điều trị triệu chứng ho, nôn, đau bụng, lo lắng; (3) thuốc thảo dược.

Riêng ở Việt Nam, từ kinh nghiệm điều trị của mình, Hải Thượng Lãn Ông đã hệ thống hóa các phương pháp chăm sóc và điều trị bệnh cho trẻ em với quan điểm “chữa bệnh cho 10 người nam không khó bằng chữa cho một người nữ, chữa 10 người nữ không bằng chữa một người già và chữa mười người già không bằng chữa cho một em bé…” (quyển Ấu Ấu Tu Tri (Yêu trẻ nên biết) trong bộ sách Hải Thượng Y tôn tâm lĩnh).

Với cơ sở lý luận theo Triết học Đông Phương, áp dụng thuyết Âm Dương, Ngũ hành vào biện chứng luận trị, một cơ thể khỏe mạnh luôn cân bằng Âm – Dương, các chức năng Tạng Phủ cũng cân bằng Âm – Dương trong Ngũ hành. Khi Âm – Dương quân bình là khỏe mạnh, khi mất cân bằng là có bệnh và điều trị là tái lập lại sự quân bình cho cơ thể.

Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ và tùy thuộc độ tuổi lý luận có khác: Trẻ sơ sinh là Thuần Dương vô Âm, sự phát triển dần hoàn thiện cân bằng theo ngày tháng, đến 14 tuổi ở Nữ và 16 tuổi ở Nam có thể gọi là sự phát triển tương đối hoàn chỉnh. Chính vì vậy trong giai đọan đầu đời của trẻ – Thuần Dương – việc điều trị phải bổ Âm để phối Dương, như trẻ bệnh phát sốt, nếu cứ dùng hạ sốt (thuốc đắng lạnh) làm mất phần Dương thêm đưa đến cả Âm Dương đều kém, càng mất quân bình nhiều hơn, chắc chắn bệnh sẽ nặng thêm.

Việc tiêm vaccine, tạo miễn dịch chủ động cho trẻ, là việc làm cần thiết giúp hệ miễn dịch cơ thể người nhận biết và làm quen với virus, vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên đây cũng là một tác động gây mất sự quân bình đang có trong cơ thể người. Tùy thuộc vào hệ miễn dịch và sức đề kháng, có thể phần lớn trẻ sẽ vượt qua và sức khỏe vẫn bình thường sau tiêm chủng, nhưng có trẻ lại có những phản ứng như sốt, bỏ ăn, bỏ bú, quấy khóc, thậm chí phát ban… Khoa học vẫn lường trước và tư vấn cho gia đình biết cách chăm sóc trẻ trong giai đoạn này.

YHCT có thể làm gì?

Chăm sóc cho trẻ, theo dõi những phản ứng có thể xảy ra sau tiêm chủng, can thiệp giúp giữ quân bình Âm – Dương, duy trì sức khỏe và phát triển thể chất trẻ là việc làm cần thiết, Tây y cũng đã có đầy đủ hướng dẫn cũng như các phương tiện truyền thông luôn vào cuộc, giúp người dân hiểu tầm quan trọng của tiêm chủng cũng như cách chăm sóc và điều trị. Đông y chưa có những nghiên cứu cụ thể hỗ trợ chủng ngừa, nhưng đã có những nghiên cứu khoa học minh chứng việc phối hợp YHCT trong điều trị và phòng bệnh cho trẻ em. Điều quan trọng là chẩn đoán được trẻ đang có biểu hiện mất quân bình – biểu hiện triệu chứng – thiên lệch theo kiểu nào, Âm chứng hay Dương chứng, chức năng tạng phủ nào đang bị ảnh hưởng, qua đó chọn lựa phương pháp phù hợp.

Những nghiên cứu khoa học minh chứng việc sử dụng YHCT

Đối với biểu hiện của bệnh lý hô hấp

Geng Yingying và cộng sự (2016) đã nghiên cứu tác dụng của bài thuốc bổ Tỳ Thận khí (bao gồm các dược liệu Hoàng kỳ 10g, Ngọc trúc 10g, Nữ trinh tử 10g, Bổ cốt chi 10g, Thái tử sâm 3g, Đại táo 10g, Mẫu lệ 10g, Hải phiêu tiêu 10g) trên hen phế quản trẻ em từ 2 đến 5 tuổi. Kết quả cho thấy nhóm sử dụng thuốc YHCT có tần suất cơn cấp hen thấp hơn nhóm chứng (p<0.05), sau 3 tháng điều trị kháng trở đường thở giảm so với nhóm chứng (p<0.05), không có tác dụng phụ nào được ghi nhận. Kết quả gợi ý rằng thuốc YHCT có khả năng làm giảm cơn cấp và giảm kháng lực đường thở trên bệnh nhi hen phế quản.

Bệnh dị ứng, miễn dịch

Viêm da dị ứng (atopic dermatitis) là bệnh viêm da mạn tính, bệnh xảy ra với tần suất cao ở trẻ em. Thuốc YHCT được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm da dị ứng. Báo cáo Cơ quan bảo hiểm quốc gia Đài Loan năm 2007 có 3.382.430 trẻ em dưới 12 tuổi mắc viêm da dị ứng và trong đó có 13,646 bệnh nhi có từng sử dụng YHCT. Trong 36.398 toa thuốc được kê đơn cho bệnh nhi viêm da dị ứng, có 5 bài thuốc được kê toa nhiều nhất gồm có: Tiêu phong tán 31.6%; Kinh phong bại độc tán 10.6%; Tân di thanh phế ẩm 8.9%; Chân nhân hoá minh ẩm 7.7%; Long đởm tả can thang 7.0%, có 10 dược liệu được sử dụng nhiều nhất trong viêm da dị ứng ở trẻ em gồm Cam thảo, Bạch tiễn bì, Thuyền thoái, Kim ngân hoa, Liên kiều, Ý dĩ, Bạch thược, Kochia scorparia, Bạch chỉ, Kinh giới.

Viêm da dị ứng ở trẻ em thường được điều trị với corticosteroid, tuy nhiên tác dụng phụ khi sử dụng corticosteroid dài hạn và quá liều thường nặng. Thuốc YHCT là điều trị thay thế tiềm năng và ít tác dụng phụ hơn. Dựa trên nguồn dữ liệu năm 2007 của Cơ quan bảo hiểm quốc gia Đài Loan, tác giả Hsing-Yu Chen và cộng sự (2014) tiến hành nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu so sánh tần suất và thời gian sử dụng corticosteroid giữa nhóm dùng YHCT và nhóm không dùng thuốc YHCT. Kết quả cho thấy nhóm sử dụng YHCT có tần suất sử dụng corticosteroid thấp hơn và thời gian sử dụng ngắn hơn so với nhóm không sử dụng YHCT sau một năm theo dõi.

Rối loạn tâm thần kinh

Ứng dụng YHCT trong điều trị động kinh ở trẻ em đang trở nên rộng rãi và chứng minh được lợi ích tiềm năng. Hầu như tất cả các nghiên cứu so sánh hiệu quả giữa kết hợp sử dụng thuốc YHCT + Tây y so với Tây y đơn thuần (thuốc chống động kinh), kết quả cho thấy phác đồ kết hợp cho tỷ lệ hiệu quả toàn phần cao hơn so với nhóm điều trị Tây y đơn độc, cải thiện triệu chứng lâm sàng, giảm số cơn động kinh, cải thiện bất thường trên điện não đồ.

Bệnh tiêu hoá

Trào ngược dạ dày thực quản và rối loạn tiêu hoá chức năng là các rối loạn thường gặp trong nhi khoa, chiếm đến 7% trẻ em lứa tuổi đến trường và lên đến 8% trẻ dậy thì với các triệu chứng đau thượng vị, ợ nóng. Điều trị các vấn đề này cần tiếp cận theo mô hình y học tích hợp bao gồm dùng thuốc tây y, liệu pháp tâm thể, cải thiện giấc ngủ, thảo dược, tăng hoạt động thể lực, và YHCT với châm cứu. Các thảo dược được sử dụng như Cam thảo, Gừng cho hiệu quả tốt và ít tác dụng phụ. Hai huyệt châm cứu được ứng dụng là Nội quan (PC6) và Túc tam lý (ST36) và được chứng minh hiệu quả chống trào ngược, nôn ói [10].

Nếu hiểu rằng tiêm chủng là dùng vaccine gây bệnh một cách chủ động (cơ thể phản ứng với mầm bệnh cho quen), có thể một số triệu chứng sẽ xuất hiện (sốt, mẩn đỏ, quấy khóc, nhịp tim nhanh… thì nên chăng chúng ta cũng có thể dùng YHCT, giúp quân bình lại cho cơ thể, bởi vì ngoài những bài thuốc, những công thức huyệt châm cứu đã được nghiên cứu minh chứng cho tính khoa học, YHCT còn cả kho tàng kinh nghiệm tiềm năng có thể bổ sung, kết hợp với Tây y trong chăm sóc, điều trị và phòng bệnh cho trẻ.

PGS. TS. BS Nguyễn Thị Bay

Nguyên Trưởng bộ môn Bệnh học

Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y dược TP. HCM

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

BÌNH LUẬN