Hơn 300 nhà sử học đầu ngành trong cả nước cùng tham gia biên soạn bộ Quốc sử.
Chiều 12/2, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gặp gỡ hơn 70 nhà khoa học tham gia vào năm đề án khoa học lớn: Bộ Lịch sử Việt Nam; Bách khoa toàn thư; Địa chí quốc gia; Hệ tri thức Việt số hoá; Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông.
Thông báo về tiến độ triển khai bộ quốc sử, PGS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, đề án này gồm 25 tập thông sử; 5 tập biên niên sự kiện; cơ sở dữ liệu lịch sử Việt Nam.
Đề án có sự tham gia của khoảng 300 nhà khoa học, trong đó có chuyên gia đầu ngành về lịch sử dân tộc từ cổ đại đến hiện đại; lịch sử Đảng, cách mạng, quân sự, an ninh, văn hóa, khảo cổ học…
Theo ông Cường, bộ quốc sử nhằm xây dựng nhận thức mới về lịch sử Việt Nam toàn bộ, toàn diện; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đồng ý từ năm 2014. Cố GS Phan Huy Lê (tổng chủ biên bộ quốc sử) từng nhấn mạnh phải viết toàn bộ, toàn diện, khách quan. Vì vậy, đây là bộ quốc sử đồ sộ nhất từ trước đến nay, lần đầu tiên đề cập đến nhiều “khoảng trống lịch sử” vốn được coi là “nhạy cảm” như cải cách ruộng đất, Nhân văn – Giai phẩm, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Bắc, cải tạo tư sản ở miền Nam sau 1975, nạn thuyền nhân…
Thông báo về tiến độ biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, GS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo biên soạn, cho hay đây loại hình tổng hợp, cỡ lớn, phản ánh những thành tựu, tri thức xưa và nay của nhân loại và Việt Nam. Bách khoa toàn thư gồm 37 tập, với hơn 70 chuyên ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn, văn hóa nghệ thuật, tự nhiên, kĩ thuật, công nghệ… Khi chính thức biên soạn sẽ có 5.000-6.000 nhà khoa học tham gia trong 10 năm.
Đại học quốc gia Hà Nội đang chuẩn bị dự án dịch các tác phẩm kinh điển phương Đông, trước mắt là bộ kinh Địa tạn của Phật giáo. Nguồn vốn thực hiện dự án bằng xã hội hoá. PGS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội báo cáo, bộ Địa chí quốc gia Việt Nam (Quốc chí) sẽ biên chép tất cả lĩnh vực của đất nước và 63 địa phương. Ngoài sách giấy, quốc chí sẽ xuất bản dạng số và thường xuyên cập nhật, bổ sung.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, đề án Hệ tri thức Việt số hoá đang được triển khai bằng cách làm mới. Mục tiêu của đề án nhằm “chia sẻ tri thức – cổ vũ sáng tạo – kết nối cộng đồng – vì tương lai Việt Nam”. Đề án sẽ phổ biến tri thức trong mọi lĩnh vực, trước hết là hỗ trợ cho giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo và các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như pháp luật, y tế, kỹ thuật sản xuất…
Phát biểu tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng năm đề án trên kế thừa truyền thống lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc, thành tựu 30 năm đổi mới đến nay. Ông mong muốn sẽ có nhiều nhà khoa học tham gia vào các đề án.
“Đây là những đề án rất thiết thực, có ý nghĩa cho hiện nay lẫn mai sau nếu chúng ta hoàn thành tốt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.