Cứ Tết đến, tâm lý của mọi nhà, mọi người Việt Nam thường rất “nhiệt tình” trong chuyện mua sắm thực phẩm để “ăn Tết lớn”. Chưa kể, mỗi người cũng dễ dãi với chính mình hơn, khi quan niệm “ăn thả ga 3 ngày Tết, Tết mà!”. Và đây cũng là xuất phát điểm của những vấn đề sức khỏe cần lưu ý trong những ngày Tết.
Những thói quen đáng yêu trong mùa Tết
“Ngày tư – ngày Tết” là cụm từ thường được dùng để biện minh cho “chuỗi hành động bất thường”, nhưng lại rất đáng yêu trong mùa Tết. Để có một năm mới sung túc, vui vẻ, người người, nhà nhà đua nhau mua sắm, thực phẩm dự trữ trong nhà phải dư, không được thiếu bất kỳ một thứ gì với ước vọng một năm mới no đủ – thịnh vượng. Trong từng món ăn ngày Tết đều chứa đựng tình yêu của cha mẹ đối với con cái, của vợ đối với chồng… tạo nên sự háo hức trong tâm hồn mỗi độ xuân về và cảm giác nhớ nhung hương vị Tết cho người xa quê.
Ngày Tết khác ngày thường
Điều này cũng dễ hiểu, vì món ăn ngày Tết không chỉ ngon để mời khách, mà còn phải luôn có sẵn và no lâu để có thời gian đi chúc Tết, đi chơi cùng bạn bè… dầu, mỡ, muối, đường được sử dụng nhiều hơn hẳn so với ngày thường để tạo ra hương vị đậm đà của những món ăn. Những món giàu năng lượng như bánh chưng, bánh tét, chả giò, giò thủ, lạp xưởng, thịt nấu đông… ngày thường rất ít ăn, đến ngày Tết cũng luôn có sẵn trong nhà. Các món rau, củ, quả bị lãng quên, nhường chỗ cho bánh, kẹo, mứt, nước ngọt… Việc luyện tập cơ thể cũng được tạm ngưng vì bận dọn dẹp nhà cửa, bận tiếp khách, vì phải đi chúc Tết, thăm thú các gia đình.
Tết thật sự chỉ có 4 ngày, nhưng ở nước ta không khí ăn Tết thường bắt đầu từ ngày đưa ông Táo về trời cho đến hết “mùng” mới thôi ăn Tết. Trong không khí vui vẻ của ngày Tết, ai cũng trở nên bao dung, cởi mở, những giận hờn được xí xóa, những khắt khe được nới giãn, người bình thường lẫn người mắc bệnh đều cho phép mình cởi bỏ hết những nguyên tắc trong cuộc sống ngày thường và tự nhủ với lòng rằng sau tết sẽ tập luyện và ăn uống khoa học lại.
Sức khỏe cũng khác thường trong mùa Tết
Đầu tiên là sự tích lũy vượt trội về năng lượng đi kèm với lịch tập luyện tạm ngưng dẫn đến cân nặng tăng vọt, sau Tết một số người trở thành thừa cân – béo phì, trong khi trước Tết thân hình rất chuẩn.
Kế đến là việc kiểm soát huyết áp, đường huyết… cũng trở nên khó khăn do quên uống thuốc và lượng muối, đường trong các món ăn ngày Tết tăng gấp đôi, gấp ba lần so với ngày thường. Đã có trường hợp người bệnh phải nhập viện cấp cứu do tăng huyết áp, tăng đường huyết, đột quỵ… làm mất vui trong những ngày đầu năm.
Ăn Tết vui mà khỏe
Lượng thực phẩm trong mỗi bữa ăn của một người bình thường có thể đo lường tương đối bằng nhiều cách:
- Ăn vừa no là cách dễ nhất để kiểm soát năng lượng nạp vào cơ thể.
- Quy đổi tương đương sẽ giúp ăn được nhiều món nhưng không gặp rắc rối về sức khỏe; cụ thể như sau:
– Bánh chưng, bánh tét, xôi, cơm, mì, miến, bún… thuộc cùng nhóm bột – đường và là nhóm cung cấp năng lượng chủ lực cho bữa ăn, nếu chọn ăn bánh chưng thì không ăn thêm xôi, cơm… hoặc chỉ ăn mỗi món một ít.
– Bánh, kẹo, sô cô la, trái cây khô, nước ngọt… đều chứa nhiều đường, chỉ chọn ăn 1 – 2 loại với số lượng ít.
- Chia cho người kế bên: Thay vì mỗi người sẽ chọn 1 lon loại nước ngọt mà mình yêu thích trong bữa ăn, thì hãy chia ra 2 – 3 người dùng cùng 1 lon.
- Giảm trừ ngay trong bữa ăn sau, nếu không thể kiểm soát chủ động: Có những lúc không thể từ chối lời mời hoặc nhiều lúc thức ăn tự động vào chén qua sự chăm sóc tận tình của người kế bên, vậy hãy chọn các món ít năng lượng cho bữa ăn kế tiếp, như cháo cá, miến gà, nui nấu với thịt nạc… để điều hòa ngay năng lượng nạp vào trong ngày, đừng hẹn đến ngày mai, e rằng sẽ có tình huống tương tự xảy ra (Tết mà).
Bà nội trợ phải là nội tướng để giữ gìn sức khỏe và vóc dáng của người trong gia đình, cần có sự phối hợp tinh tế giữa khoa học thực phẩm và cách chế biến các món ăn ngày Tết. Cụ thể là:
- Dùng vừa đủ lượng muối, đường, bột ngọt, dầu, mỡ khi chế biến món ăn.
- Hạn chế các món khô mặn (khô bò, khô nai, khô cá lóc…), các món ngâm mặn (dưa món, đậu phộng rang ngâm nước mắm…) vì chúng chứa rất nhiều muối, khi ăn lại tạo cảm giác ngon miệng muốn ăn thêm.
- Tính toán lượng thực phẩm giàu đạm (thịt, cá, tôm…) vừa đủ cho mỗi bữa ăn. Một người trưởng thành trung bình cần 100g thực phẩm giàu đạm cho mỗi bữa ăn chính, nếu có 2 món ăn chế biến từ nhóm thực phẩm này thì cần cân đối để không bị dư so với khuyến nghị.
- Xen kẽ món chiên, rim, xào với món hấp, luộc.
- Dùng nước trà, nước suối, nước đun sôi để nguội sau nhưng bữa ăn quá thịnh soạn.
- Luôn có món canh rau.
- Chọn trái cây ít năng lượng (có nhiều nước, ngọt thanh như dưa hấu, thanh long, quýt, bưởi…) để ăn tráng miệng.
- Hạn chế dự trữ quá nhiều thực phẩm trong 3 ngày Tết để không phải ráng ăn cho hết vào những ngày sau Tết.
- Nhắc người thân duy trì tập luyện cơ thể 30 – 60 phút mỗi ngày.
- Nhắc người có bệnh uống thuốc đều đặn như ngày thường.
Có vẻ như là không được “ăn Tết”, nhưng không phải, đây là nghệ thuật ăn Tết vừa ngon, vui, vừa khỏe!
BS CKI Nguyễn Thị Ngọc Hương
Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn