Đó là thông tin vừa được Bộ Tài chính cho biết liên quan đến công tác quản lý nhà nước tháng cuối cùng của năm 2018. Cơ quan này cũng đã hướng dẫn Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nội dung liên quan đến xây dựng tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công theo Luật Quản lý tài sản công.
trong thang 12 se ban hanh nhieu van ban quan ly tai san cong
Công tác quản lý tài sản công dần đi vào nề nếp

Trong tháng 12/2018, Bộ Tài chính phối hợp với Văn phòng Chính phủ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành: Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán dự án BT; hoàn thiện chỉ thị về tăng cường sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các công ty cổ phần có vốn Nhà nước; ban hành thông tư hướng dẫn việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ hoạt động bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu; phê duyệt chủ trương xây dựng Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; tổ chức thực hiện dự án nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.

Liên quan đến ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, lũy kế thu 11 tháng đạt 1.222,7 nghìn tỷ đồng, bằng 92,7% dự toán năm, bằng 90% mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó thu nội địa lũy kế 11 tháng đạt 975,4 nghìn tỷ đồng, bằng 88,7% dự toán, tăng 15,3% so cùng kỳ năm 2017.

Công tác quản lý thu nội địa 11 tháng đầu năm đã đạt nhiều tiến bộ. Tính đến ngày 26/11/2018, cơ quan thuế đã thực hiện gần 78,6 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp và kiểm tra trên 424,96 nghìn hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế, kiến nghị xử lý thu vào ngân sách Nhà nước gần 15,4 nghìn tỷ đồng (số đã nộp vào ngân sách nhà nước 10,2 nghìn tỷ đồng); chống chuyển giá, giảm lỗ trên 25,1 nghìn tỷ đồng; thu hồi được 28,1 nghìn tỷ đồng nợ thuế.

Trong khi đó, tổng chi lũy kế chi ngân sách 11 tháng đạt 1.210,6 nghìn tỷ đồng, bằng 79,5% dự toán năm, tăng 7,8% so cùng kỳ năm 2017, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 239,6 nghìn tỷ đồng, đạt xấp xỉ 60% dự toán năm, tăng 6,7%; chi trả nợ lãi đạt 98,1 nghìn tỷ đồng, bằng 87,2% dự toán năm, tăng 13,4%, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết; chi thường xuyên đạt 841,7 nghìn tỷ đồng, bằng 89,5% dự toán năm, tăng 4,3%.

Liên quan đến công tác quản lý tài chính doanh nghiệp, theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 11/2018, đã có 7/62 doanh nghiệp được bàn giao về Tổng công ty Kinh danhh vốn nhà nước (SCIC) với tổng giá trị vốn nhà nước khoảng 206 tỷ đồng theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó số doanh nghiệp còn phải bàn giao về SCIC theo quy định là 35/62 doanh nghiệp. Các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 5 nghìn tỷ đồng, thu về 10,5 nghìn tỷ đồng.

Quang Lộc

Theo congthuong.vn

BÌNH LUẬN