Phim của Disney tạo tiếng cười khi hai vai chính – vốn là nhân vật trò chơi – lọt vào thế giới mạng với những khái niệm họ mù mờ.

Ralph Breaks the Internet do Rich Moore và Phil Johnston đạo diễn, là phần hai của hoạt hình ăn khách Wreck-It Ralph (2012), xoay quanh các nhân vật trò chơi được nhân cách hóa. Sáu năm sau phần đầu, chàng trai to lớn Ralph (trò Fix-It Felix Jr.) và công chúa Vanellope (trò đua xe Sugar Rush) vẫn là bạn thân. Lúc này, cửa hàng trò chơi – nơi họ sinh sống – vừa được lắp đặt Wi-Fi. Một biến cố xảy ra khiến Ralph và Vanellope phải du hành vào thế giới Internet để ngăn trò Sugar Rush bị dẹp bỏ. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa họ nảy sinh khi Vanellope thích thú một trò đua xe khác, không muốn trở về thế giới cũ.

Ở phần một, ê-kíp Disney được khen ngợi khi xây dựng bối cảnh dựa trên các trò chơi điện tử. Đến phần hai, họ mở rộng không gian câu chuyện qua tình tiết các nhân vật lọt vào Internet. Thế giới mạng được khắc họa như một đô thị khổng lồ, có kiến trúc mang phong cách viễn tưởng, còn những người dùng hoặc dịch vụ trên mạng trở thành các nhân vật sống. Các website trở thành các công ty, còn chuyện truy cập được tượng trưng bằng cảnh nhân vật di chuyển trên những cỗ xe siêu tốc. Nhìn chung, bối cảnh trong Ralph Breaks the Internet dễ thương và nhiều sắc màu chứ không đen tối như ở Tron: Legacy (một phim khác cũng biến thế giới mạng thành không gian ba chiều).

Sự bối rối của Ralph và Vanellope trong môi trường Internet tạo ra nhiều tình huống hài. Các tính năng trên Internet như tìm kiếm thông tin, bán hàng online, quảng cáo được biên kịch tận dụng để gây cười. Hai nhân vật chính bối rối khi gặp KnowsMore – người quản lý thanh công cụ tìm kiếm. Họ không biết rằng phải trả tiền khi mua hàng trên eBay và liên tục bị các mẩu quảng cáo trên mạng (pop up ads) làm phiền. Một số nhân vật của văn hóa đại chúng Âu Mỹ như người cây Groot của Marvel, Stan Lee hay binh sĩ Stormtrooper (series Star Wars) cũng xuất hiện với vai khách mời dí dỏm.

Ở giữa phim, Vanellope gặp hàng loạt công chúa Disney như Bạch Tuyết, Lọ Lem, nàng tiên cá, người đẹp tóc dài Rapunzel hay Elsa trong Frozen. Trên Internet, họ trở thành những ngôi sao nổi tiếng và mệt mỏi khi được hâm mộ quá cuồng nhiệt. Sự tương phản giữa lối cư xử của các nhân vật này và Vanellope – một công chúa đam mê tốc độ, thích cuộc sống đường phố – cũng tạo ra tiếng cười.

Việc đưa các công chúa Disney vào phim là ý tưởng của biên kịch Pamela Ribon. Cô cho rằng tình tiết này mang tính trào phúng chính các nhân vật của Disney. Khi thực hiện Ralph Breaks the Internet, các nghệ sĩ hoạt hình phải điều chỉnh tạo hình các công chúa để họ xuất hiện với phong cách hoạt họa thống nhất trong phim.

Việc đưa các công chúa Disney vào phim là ý tưởng của biên kịch Pamela Ribon. Cô cho rằng tình tiết này mang tính trào phúng chính các nhân vật của Disney. Khi thực hiện “Ralph Breaks the Internet”, các nghệ sĩ hoạt hình phải điều chỉnh tạo hình các công chúa để họ xuất hiện với phong cách hoạt họa thống nhất trong phim.

Bên cạnh yếu tố hài hước, Ralph Breaks the Internet còn mang thông điệp về hành trình trưởng thành của con người, sự lựa chọn giữa thế giới cũ và mới. Vanellope vô địch trong trò Sugar Rush nhưng dần thấy nhàm chán khi đường đua quá dễ đoán. Trên Internet, cô tình cờ lọt vào và say mê Slaughter Race – trò đua xe khốc liệt và khó lường hơn. Thay đổi của Vanellope tượng trưng cho biến chuyển tâm lý của thiếu niên, dần bỏ lại những thú vui thời thơ ấu để bước vào thế giới nguy hiểm nhưng cũng hấp dẫn hơn.

Trong khi đó, Ralph phân vân giữa việc níu giữ người bạn hay để cô ra đi. Nhân vật dễ gây đồng cảm với những khán giả từng rơi vào hoàn cảnh tương tự – có con cái hoặc bạn bè dần xa cách mình để theo đuổi đam mê khác. Tác phẩm dài 115 phút có kịch bản không quá phức tạp nhưng tròn trịa ở các cảnh then chốt về tâm lý nhân vật. Một trích đoạn gây xúc động là khi Ralph vô tình thấy Vanellope thân thiết với Shank – tay đua trong Slaughter Race – và nhận ra cô bé đã vụt khỏi tầm tay.

Wonder Woman Gal Gadot lồng tiếng cho Shank, một tay đua nữ tài ba, ngầu đời. Đây là phim điện ảnh người đẹp tham gia trong năm 2018.

“Wonder Woman” Gal Gadot lồng tiếng cho Shank, một tay đua nữ tài ba, ngầu đời. Đây là phim điện ảnh người đẹp tham gia trong năm 2018.

Ngoài ra, hoạt hình của Disney còn phê phán sự lan truyền các nội dung vô bổ trên Internet. Trong phim, trang BuzzzTube (tương tự Youtube) là nơi một số người kiếm lợi từ các video có độ lan tỏa cao, trong đó nổi bật nhất là các đoạn phim mô tả hành vi kỳ quái. Người dùng Internet chế giễu các video này trong phần “Bình luận” nhưng vẫn theo dõi và nhấn “Yêu thích”, qua đó làm giàu cho người đăng. Cảnh hàng trăm người mê mẩn, dán mắt vào màn hình của BuzzzTube tạo ra khoảnh khắc ám ảnh hiếm hoi trong tác phẩm đa phần là tình huống vui tươi.

Ralph Breaks the Internet quy tụ nhiều ngôi sao trong vai trò lồng tiếng như John C. Reilly (vai Ralph), Sarah Silverman (Vanellope), Gal Gadot (Shank) và Taraji P. Henson (vai Yesss – thuật toán của BuzzzTube). Đa phần diễn viên từng lồng tiếng các công chúa Disney ở bản hoạt hình quay lại thể hiện nhân vật của họ.

Ra mắt từ ngày 21/11 ở Mỹ, tác phẩm được giới phê bình khen ngợi với 86% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes. Phim thu 18 triệu USD trong ngày chiếu đầu và được nhận định sẽ gây sốt phòng vé cuối năm. Ở Việt Nam, phim chiếu từ ngày 23/11 với tựa Việt Ráp-phờ đập phá 2: Phá đảo thế giới ảo và nhãn P (dành cho mọi đối tượng khán giả).

Ân Nguyễn

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN