Sinh viên không tiếc tiền rải hồ sơ, giúp các trường kiếm hàng triệu USD mỗi năm mà không nhất thiết phải nhận họ vào học.
Việc nộp học vào đại học Mỹ hầu hết yêu cầu đóng lệ phí xử lý hồ sơ. Con số trung bình báo cáo năm 2017 là 41 USD. Phí các trường y và luật đưa ra có thể cao hơn nhiều. Đối với sinh viên, nộp phí có thể chỉ là một bước nằm trong các thủ tục nhập học. Nhưng với các trường, đây lại là câu chuyện sống còn vì đem lại nguồn tài chính.
Các cơ sở giáo dục nói rằng họ dùng chúng chi trả cho thời gian và công nghệ tổn hao trong quá trình lọc hàng trăm nghìn hồ sơ. Vấn đề ở chỗ, nếu ứng viên bị từ chối, trường vẫn giữ lại khoản tiền này.
Các trường đại học Mỹ thu tổng cộng khoảng 200 triệu USD từ các hồ sơ nộp học bị loại. Ảnh: CNBC. |
Khi ĐH Harvard quyết định bỏ kỳ thi LSAT (bài thi đánh giá đầu vào cho mọi ứng viên muốn theo học các trường luật ở Mỹ) với sinh viên luật, đó là tin vui cho những ai không tự tin về khả năng làm test. Tuy nhiên, thay đổi đó còn mang về nguồn tiền lớn cho trường.
Không còn đau đầu về LSAT và tốn kém ôn luyện cho nó, nhiều cá nhân sẵn sàng nộp đơn vào Harvard hơn, chấp nhận chi phí. Và với 75 USD thu trên mỗi hồ sơ, điều này có nghĩa một khối tiền đổ về. Theo nghiên cứu của UCEazy, công ty Mỹ hỗ trợ người nhập cư làm các thủ tục nhập học, đến nay Harvard thu 3 triệu USD mỗi năm từ tệp hồ sơ bị loại.
Và không chỉ những ngôi trường ưu tú nổi tiếng “kén chọn” sinh viên mới đặt ra yêu cầu này. ĐH Penn State tính phí 50 USD mỗi hồ sơ, và nhận hàng trăm nghìn USD thường niên.
UCEazy thu thập dữ liệu về 600 trường công và tư khắp nước Mỹ và tham khảo thông tin từ trang chuyên xếp hạng giáo dục U.S. News and World Report. Báo cáo nghiên cứu cho biết các đại học nước này thu hơn 200 triệu USD hàng năm từ hồ sơ loại. Đơn bị từ chối hầu hết đến từ những người thậm chí không đủ điều kiện vào đại học ngay từ đầu.
Nghiên cứu tương tự của LendEDU, kênh tài chính cho sinh viên tại Mỹ, nêu top 5 trường có thành tích thu tiền hồ sơ loại “ấn tượng” hơn cả. Họ dựa vào dữ liệu tuyển sinh năm 2015-2016 và còn đối chiếu con số thu từ toàn bộ hồ sơ. Hiện chưa rõ lý do nhóm dẫn đầu đều thuộc bang California:
1. ĐH California, thành phố Los Angeles
Thu từ hồ sơ bị loại: 5.367.180 USD
Từ toàn bộ hồ sơ: 6.488.300 USD
Tỷ lệ nhận: 35%
Phí xử lý hồ sơ: 70 USD
2. ĐH California, thành phố Berkeley
Thu từ hồ sơ bị loại: 4.590.110 USD
Từ toàn bộ hồ sơ: 5.522.510 USD
Tỷ lệ nhận: 42%
Phí xử lý hồ sơ: 70 USD
ĐH Harvard thu về 3 triệu USD mỗi năm từ loại hồ sơ. Ảnh: Pinterest. |
3. ĐH Stanford
Thu từ hồ sơ bị loại: 3.632.130 USD
Từ toàn bộ hồ sơ: 3.824.730USD
Tỷ lệ nhận: 80%
Phí xử lý hồ sơ: 90 USD
4. ĐH California, thành phố San Diego
Thu từ hồ sơ bị loại: 3.632.820 USD
Từ toàn bộ hồ sơ: 5.522.510 USD
Tỷ lệ nhận: 26%
Phí xử lý hồ sơ: 70 USD
5. ĐH Nam California
Thu từ hồ sơ bị loại: 3.419.440 USD
Từ toàn bộ hồ sơ: 4.153.920 USD
Tỷ lệ nhận: 32%
Phí xử lý hồ sơ: 80 USD
Như vậy, mới chỉ vài trường ở California, số tiền đã lên đến hơn 20 triệu USD.
Trong báo cáo ghi chú: “Tiền này là nguồn thu của các trường đại học, nhưng không phải lợi nhuận. Để giữ chuẩn và danh tiếng, trường cần đảm bảo mỗi hồ sơ được xem xét kỹ lưỡng bởi một nhân viên, và có quyền làm vậy. Hao tổn đó được chuyển lại phía những sinh viên tiềm năng thông qua một khoản phí yêu cầu”.
Nhà sáng lập Vinnie Gupta của UCEazy tiết lộ nhiều học sinh phổ thông còn không tiếc tiền nộp đơn đến những nơi mà cánh cửa được nhận cho mình hẹp.
“Trò chuyện với hàng nghìn học sinh, chúng tôi nhận ra hầu hết các em không có kỹ năng hay thông tin nhằm đưa ra quyết định có cơ sở trong khâu chọn trường. Hơn nữa, bọn trẻ không nắm rõ quy trình ứng tuyển, để từ đó làm nổi bật bản thân. Vấn đề càng trầm trọng hơn với con em gia đình nhập cư thế hệ đầu tiên vì khả năng giúp đỡ của cha mẹ hạn chế”, Gupta cho biết.
Tuy nhiên, vẫn có một số đại học không yêu cầu phí xử lý hồ sơ. Chẳng hạn ĐH Drexel thuộc bang Pennsylvania đã bỏ thu từ vài năm trước, bước tiến đem kết quả là thêm 20.000 đơn ứng tuyển. Nhà trường có thể bù khoản thiếu hụt bằng việc nhận nhiều sinh viên trả đủ học phí hơn.
Thanh Tùng
Theo CNBC, Don’t Waste Your Money
Theo Ngôi Sao