Với doanh thu ấn tượng, phim có thể mở đường cho nhiều diễn viên và tác phẩm về cộng đồng châu Á ở Mỹ.
Ra mắt ở Mỹ từ ngày 15/8, phim của đạo diễn Jon M. Chu đứng đầu phòng vé với 34 triệu USD, là phim hài tình cảm mở màn ăn khách nhất năm, được dự đoán sinh lời lớn cho hãng sản xuất. Nhiều báo Âu Mỹ gọi phim là hiện tượng văn hóa, không chỉ bởi chất lượng mà còn vì ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng châu Á ở Mỹ.
Xoay quanh chuyện tình của Nick Young (Henry Golding đóng) và Rachel Chu (Constance Wu đóng), Crazy Rich Asians phản ánh cuộc sống giới thượng lưu Singapore. Từ sau The Joy Luck Club (1993), đây là phim đầu tiên của một hãng lớn ở Hollywood có toàn bộ dàn diễn viên gốc Á. Sự kiện này được Guardian xem là bước ngoặt cho các sao gốc Á – vốn luôn bị xem nhẹ ở thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới.
Trên Variety, chuyên gia phòng vé Paul Dergarabedian nhận định Crazy Rich Asians là tín hiệu tích cực cho tiềm năng của diễn viên gốc Á ở Hollywood. “Phim đơn giản đã thay đổi cuộc chơi. Hãy để tác phẩm này thành một bài học mà Hollywood không cần mất thêm 25 năm nữa để học lại (ý nói khoảng thời gian từ The Joy Luck Club đến Crazy Rich Asians)”, tờ báo này kết luận.
John Cho là một trong số ít diễn viên gốc Á có chỗ đứng ở Hollywood. Anh đóng chính trong loạt phim hài “Harold & Kumar”, tham gia series “Star Trek” (ảnh), “American Pie”. |
Tác phẩm được nhận xét có thể tiếp bước các phim gây chú ý về sự đa dạng văn hóa, giống Black Panther hồi tháng 2. Với giáo sư Nancy Wang Yuen, Black Panther mang đến sự giải tỏa về cảm xúc qua việc đả kích mạnh mẽ lịch sử nước Mỹ với nạn buôn bán nô lệ từ châu Phi. Crazy Rich Asians không tấn công trực diện vấn đề nào nhưng thể hiện “tính cách mạng” khi xung đột văn hóa được khéo léo thể hiện thành bộ phim tình cảm có cặp đôi châu Á đóng chính. Henry Golding và Constance Wu thủ vai nhân vật chính, có hành trình tâm lý chứ không phải kiểu vai một màu (xuất hiện chỉ để làm một hành động đặc thù).
Ở một buổi công chiếu, đạo diễn Jon M. Chu nói về tác phẩm: “Đây không chỉ là một bộ phim, đây là một bước dịch chuyển”. Ngoài ra, cảnh đám cưới xa hoa trong phim còn là bằng chứng rõ nét về một cộng đồng người châu Á từng ít được chú ý nhưng đang dần thể hiện sức ảnh hưởng vì sự giàu có.
Nhiều báo Âu Mỹ nhận định các nhà sản xuất giờ đây sẽ tự tin hơn trong việc trao vai chính cho diễn viên châu Á. Sau Crazy Rich Asians, nam chính Henry Golding sẽ xuất hiện cùng Anna Kendrick và Black Lively trong A Simple Favor, rồi đóng chính trong Monsoon của đạo diễn Hong Khaou. Phần hai của Crazy Rich Asians cũng đã được lên kế hoạch. Ở phần giới thiệu đoàn làm phim (credits) của tác phẩm, một đoạn phim ngắn được lồng vào, hé lộ nội dung phần kế, thể hiện tham vọng biến đây thành một thương hiệu điện ảnh.
Crazy Rich Asians là “cú hích” để nhiều nhà phê bình, phân tích điện ảnh, văn hóa Mỹ nhìn lại thực trạng, làm phim của Hollywood.
Hiện tượng tẩy trắng vai diễn (whitewashing, tức chọn diễn viên da trắng thể hiện nhân vật thuộc mọi chủng tộc) đã tồn tại lâu năm ở Hollywood. Năm ngoái, Scarlett Johansson gây tranh cãi khi đóng Ghost in the Shell – tác phẩm dựa trên bộ truyện tranh Nhật cùng tên có nhân vật chính là người da vàng. Khi chuyển thể, ê-kíp đã biến vai này thành da trắng. Trong Iron Man 3 (2013), biên kịch biến kẻ phản diện Mandarin thành người da trắng (Ben Kingsley đóng) dù trong truyện tranh, hắn có nửa dòng máu Trung Quốc. Theo Hollywood Reporter, Kevin Kwan – tác giả tiểu thuyết Crazy Rich Asians – từng nhận đề nghị cải biên một vài nhân vật, trong đó có nữ chính Rachel Chu, thành người da trắng, khi chuyển thể truyện.
Henry Golding (trái) và Constance Wu trong hai vai chính. |
Người gốc Á chiếm 6% dân số Mỹ và là cộng đồng phát triển nhanh nhất tại nước này, chiếm 38% tổng số người nhập cư trong 50 năm qua. Tuy nhiên, những câu chuyện về họ trên phim rất mờ nhạt. Năm 2017, ở Mỹ, trong 100 phim ăn khách nhất tại rạp có 65 phim không có nhân vật châu Á. Còn theo nghiên cứu của Đại học Nam California (USC, Mỹ), kiểu nhân vật này chỉ chiếm dưới 5% số vai diễn có thoại trong năm 2015, và không có vai chính.
Gần đây, Hollywood muốn xâm nhập thị trường Trung Quốc nên mời nhiều sao nước này vào dự án lớn nhưng họ chỉ đóng vai rất nhỏ. Chỉ những diễn viên tầm cỡ như Thành Long, Lý Liên Kiệt hay Chân Tử Đan mới được đóng nhân vật quan trọng.
“Ghost in the Shell” có cài một tình tiết để lý giải tại sao nhân vật da trắng. Tuy nhiên, phim vẫn nhận nhiều chỉ trích về vấn đề sắc tộc diễn viên. |
Hình tượng người châu Á được thể hiện trên màn ảnh đa phần rập khuôn. Vài sao đến từ châu Á như Thành Long, Tony Jaa ghi dấu ấn với khả năng võ thuật. Còn theo Guardian, diễn viên nam người Mỹ gốc Á thường được giao vai nghiện máy tính, trợ lý, bác sĩ, đôi khi yếu đuối hoặc bất lực trong chuyện chăn gối. Vai nữ thường gắn với tính cách lặng lẽ, cam chịu, dễ tổn thương.
Diễn viên người Mỹ gốc Thái Lan – Pun Bandhu – đúc kết: “Chúng tôi là những người đưa tin, những gã mê máy tính, hoặc những cô gái làng chơi”. Sự đóng khung vai diễn mạnh đến nỗi trên nhiều diễn đàn và mạng xã hội, khán giả hay đùa hễ là dân châu Á sẽ biết võ hoặc giỏi công nghệ. Trên Guardian, diễn viên Kanoa Goo chia sẻ: “Chúng tôi chỉ được giao các vai một chiều, phục vụ cho nhân vật chính. Chúng tôi khát khao cơ hội”.
Quỳnh Mai